Nghệ An: Doanh nghiệp ‘chạy nước rút’ chuẩn bị hàng hóa Tết Nghệ An: Sức mua tăng gần 30% dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần |
Theo thống kê của Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Nghệ An, đến nay, tổng trị giá hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tại các siêu thị, doanh nghiệp, nhà phân phối lớn trên địa bàn đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Chia sẻ về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, bà Trần Thị Mỹ Hà - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Nghệ An cho biết, chúng tôi đã chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ cho người dân và đáp ứng nhu cầu hàng hóa trong dịp Tết tại Nghệ An với mức tăng khoảng từ 20%-30% so với bình thường, đảm bảo nguồn hàng phục vụ Tết dồi dào.
Các doanh nghiệp, các nhà phân phối lớn ở Nghệ An chuẩn bị hơn 1.000 tỷ đồng hàng hóa phục vụ cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 |
Hiện nay, luồng hàng đi về Nghệ An qua nhiều kênh nhưng có hai nhóm chính là qua các kênh phân phối hiện đại, các trung tâm thương mại và siêu thị chiếm từ khoảng từ 25-30% và kênh còn lại đi qua các chợ đầu mối và chợ truyền thống chiếm khoảng 70%.
Để chuẩn bị cho giai đoạn Tết, Sở Công Thương Nghệ An phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đảm bảo đầy đủ nguồn vốn cho doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng, hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi nhằm dự trữ nguồn hàng hóa để bình ổn thị trường phục vụ người dân trong dịp Tết.
Về đảm bảo giá cả hàng hóa trước, trong và sau Tết, Sở Công Thương Nghệ An ghi nhận, hiện giá cả các loại hàng hóa, đặc biệt là nhóm lương thực, thực phẩm có tăng. Tuy nhiên, mức tăng chưa đến mức phải điều chỉnh giá bình ổn.
Đối với mặt hàng xăng dầu, theo Sở Công Thương Nghệ An hiện có 615 cửa hàng được cấp phép bán lẻ xăng, dầu. Các thương nhân đầu mối và phân phối cam kết đảm bảo cung ứng 58.000 - 62.000 m3, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Sở Công Thương cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dự trữ đầy đủ, chủ động các phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu và cam kết đảm bảo đủ cung ứng xăng dầu trên địa bàn dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, không găm hàng, bán hàng đúng giá niêm yết, mở cửa hàng theo đúng thời gian quy định góp phần bình ổn thị trường xăng dầu trên địa bàn để đảm bảo sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra việc duy trì bán hàng và thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, kiểm tra chất lượng, đo lường, giá bán xăng dầu lưu thông trên thị trường.
Người dân mua sắm hàng hóa tại Siêu thị LOTTE Mart Vinh |
Sở Công Thương ý thức rõ việc cung ứng xăng dầu là việc rất quan trọng, nên đang cùng với các cơ quan liên quan theo dõi sát tình hình diễn biến để có biện pháp phù hợp, tham mưu cho cơ quan cấp trên sẵn sàng có giải pháp ứng cứu kịp thời đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo ông Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An, hiện nay các doanh nghiệp đầu mối của Nghệ An đã nhập hàng và dự trữ đầy đủ nguồn hàng xăng dầu, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ gia tăng trong dịp cao điểm Tết và sau Tết.
Ngành Công Thương tích cực phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, đánh giá năng lực cung ứng, đề xuất phương án để đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng khi cần thiết cho thị trường dịp cuối năm Tết Nguyên đán 2023, công tác điều phối hàng hóa khi xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc đứt gãy hàng, trường hợp qua theo dõi, mặt hàng có nguy cơ biến động mạnh về nguồn cung, cần thông tin kịp thời và khuyến cáo người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm thay thế để đảm bảo cung cầu, ổn định giá bán.
Cùng với đó, phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường đối với các lĩnh vực giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Sở Công Thương là đầu mối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, các chương trình kích cầu tiêu dùng. Có cơ chế ưu tiên và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, các huyện ngoại thành, vùng sâu, vùng xa… nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho các đối tượng khó khăn, các đối tượng có thu nhập thấp và trung bình; chú trọng tổ chức các chuyến bán hàng các mặt hàng thiết yếu, phục vụ Tết Nguyên đán 2023 để cung ứng sớm và đầy đủ cho người dân, đặc biệt là các vùng nông thôn, miền núi và các vùng bị thiệt hại do bão, lũ với lượng đủ, giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo.
Về vấn đề an toàn thực phẩm vốn thường được dư luận quan tâm trong những dịp lễ, Tết, ông Cao Minh Tú cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tăng cường kiểm tra tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống và các kênh phân phối. Trong phần trách nhiệm của mình, Sở Công Thương sẽ thường xuyên làm việc với chuỗi hệ thống phân phối và sản xuất để nhắc nhở về việc cung ứng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.