TP. Vinh, Nghệ An: Sửa sai bằng việc cho doanh nghiệp xây dựng chưa phù hợp quy hoạch Việt Nam - Lào: Giải quyết vấn đề ùn tắc phương tiện tại cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn |
Điều kiện thuận lợi cho giao thương
Nghệ An có 419km biên giới trên đất liền tiếp giáp với 3 tỉnh của nước CHDCND Lào là Bô Ly Khăm Xay, Xiêng Khoảng và Hủa Phăn, có Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy và 3 cửa khẩu phụ: Thông Thụ, Tam Hợp và Cao Vều cùng nhiều lối mở tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán, trao đổi hàng hóa và đi lại của người dân, phương tiện qua lại biên giới giữa hai nước.
Chợ biên Nậm Cắn nằm giáp ranh giữa biên giới hai nước Việt Nam – Lào. Ảnh H. Trinh |
Những năm qua, sản xuất công nghiệp trên địa bàn Nghệ An tăng trưởng mạnh, xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, trong đó xuất sang thị trường Lào đạt 15-20 triệu USD/năm, chủ yếu là các mặt hàng vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, rơm từ cây ngũ cốc, tro bay, dầu thực vật, nhựa đường, phân bón, thức ăn chăn nuôi, gạo tẻ, nhiên liệu diesel dùng cho ô tô...
Để tập trung phát triển kinh tế biên giới, bên cạnh việc tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, Nghệ An đã quy hoạch xây Khu kinh tế cửa khẩu Nậm Cắn với diện tích 11,84ha; Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thuỷ với diện tích 25,82ha và Khu kinh tế cửa khẩu Thông Thụ với diện tích 20ha.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tích cực phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng quy hoạch chợ biên giới theo đề án quy hoạch chung của bộ. Theo quy hoạch, trên địa bàn 6 huyện biên giới của Nghệ An có 30 chợ biên giới, trong đó có 3 chợ cửa khẩu là: Thanh Thủy - huyện Thanh Chương, Thông Thụ - huyện Quế Phong và Nậm Cắn - huyện Kỳ Sơn.
Cùng với việc thúc đẩy phát triển kinh tế cửa khẩu, chợ biên giới, thời gian qua UBND tỉnh Nghệ An cũng đã chỉ đạo và khuyến khích doanh nghiệp tăng cường mở rộng hợp tác đầu tư kinh tế với các tỉnh của Lào.
Những hoạt động trên đã phát huy tác dụng, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã tăng trưởng đáng kể.
Đặc biệt từ sau ngày 9/5/2022, khi Chính phủ Lào quyết định mở cửa trở lại các cửa khẩu quốc tế, trong đó có Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, hoạt động xuất, nhập khẩu cũng như qua lại thăm thân của người dân hai bên cơ bản ổn định. Công tác thông quan hàng hóa, phương tiện, xuất nhập cảnh... được hai bên phối hợp thực hiện thuận lợi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nhân dân hai nước trao đổi, mua bán hàng hóa.
Gỡ “nút thắt” hạ tầng
Số liệu của tỉnh Nghệ An cho thấy, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Nghệ An và Lào đạt 61,5 triệu USD; 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 67,635 triệu USD.
Kết quả này là nỗ lực không nhỏ của tỉnh Nghệ An, tuy nhiên nếu so sánh với tiềm năng vốn có của hai bên thì chưa tương xứng.
Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã từng thừa nhận, chợ phiên biên giới Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn họp vào Chủ nhật hàng tuần, nhờ đó lượng khách du lịch qua lại huyện Kỳ Sơn đang tăng lên đáng kể. Cư dân biên giới tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn có nhiều hoạt động trao đổi hàng hóa với cư dân biên giới của Lào. Tuy nhiên, số lượng và giá trị còn nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân vùng biên.
Hơn thế, hàng hóa xuất, nhập khẩu giữa Nghệ An và Lào còn đơn điệu, chưa bền vững. Các mặt hàng lưu thông giữa hai bên chủ yếu là hàng nông sản, vật liệu xây dựng có giá trị và mức thu thuế thấp.
Nhằm gỡ “nút thắt” hạ tầng, thúc đẩy giao thương, ngoài Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý nâng cấp Cửa khẩu Thanh Thủy, thành cửa khẩu Quốc gia. Đến năm 2013, tỉnh Nghệ An đã phê duyệt quy hoạch Cửa khẩu Thanh Thủy với tổng diện tích 21,97ha để xây dựng các khu chức năng.
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 cũng đã xác định: Đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, nâng cấp Cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy thành cửa khẩu quốc tế, trở thành đầu mối giao thương quan trọng với Lào, Thái Lan, Myanmar.
Phải nói thêm, Cửa khẩu Thanh Thủy có vị trí rất thuận lợi để phát triển giao thương với nước bạn Lào, vì chỉ cách TP. Vinh khoảng 50km, cách Cảng Cửa Lò và Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An khoảng hơn 60km. Song đến nay, hoạt động thương mại ở Cửa khẩu Thanh Thuỷ vẫn chủ yếu ở dạng tiềm năng.
Theo đại diện Sở Công Thương Nghệ An, thương mại vùng biên vẫn còn hạn chế. Cơ cấu kinh tế tại khu vực biên giới vẫn dựa vào nông nghiệp là chính, chưa có vùng sản xuất tập trung, chưa áp dụng tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ. Sản xuất công nghiệp chưa tạo ra sản phẩm chủ lực, năng lực cạnh tranh yếu.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được chỉ ra là hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu. Đến nay, ngoại trừ Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn được đầu tư khá bài bản, khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới giữa Nghệ An và nước bạn Lào còn nhiều hạn chế. Hiện có khoảng 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia hoạt động thương mại biên giới với hàng hoá nhỏ lẻ, mang tính chất thương vụ, chưa mang tính lâu dài.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, đường sá hai bên cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn chật hẹp, xuống cấp. Hạ tầng, bến bãi chưa được đầu tư để đáp ứng cho phương tiện, hàng hóa tập kết chờ làm thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu...
Mới đây, tại Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, Đoàn công tác liên ngành tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) do Đại tá Chu-xồng Chư-xay - Phó Giám đốc Công an tỉnh Xiêng Khoảng làm Trưởng đoàn và Đoàn công tác liên ngành tỉnh Nghệ An (Việt Nam) do Đại tá Nguyễn Công Lực - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An làm Trưởng đoàn đã chủ trì Hội nghị song phương để trao đổi, thống nhất giải quyết các vấn đề về ùn tắc phương tiện xuất, nhập qua Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn. |