“Bình mới, rượu cũ”
Thông tin từ Sở Công Thương Nghệ An, mới đây các dự án, mô hình hoạt động có dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái phép trên nền tảng thương mại điện tử nở rộ trở lại.
Cụ thể các mô hình, dự án được giới thiệu là “kinh doanh hệ thống”, “kinh doanh mạng”, “sàn thương mại điện tử tràn tầng” hay “đa cấp thời đại 4.0”… Theo những nhà đầu tư mới, cứ vào các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube… trên đó có rất nhiều bài viết, giới thiệu các cách thức để các nhà đầu tư mới tham gia vào các đường dây đa cấp mới này.
Bên trong một phòng Zoom của dự án Fish Koi khi vẫn đang tích cực "lùa gà" |
Qua tìm hiểu, trong nhóm mới này đều là những gương mặt cũ - những người này từng là các leader (trưởng nhóm), của Lion Group, nhiều lần bị tố cáo lừa đảo trên mạng xã hội. Sau khi sàn giao dịch này bị sập, nhóm này lại chuyển qua dự án khác để tiếp tục “lùa gà”.
Các mô hình lừa đảo, đa cấp biến tướng không phải mới xuất hiện, cũng không phải chưa được cơ quan chức năng, truyền thông cảnh báo. Nhưng vẫn có hàng nghìn người "sập bẫy”.
Trung tuần tháng 4 vừa qua, nhiều người dân làm đơn gửi tới Công an TP. Vinh tố cáo Phan Thái Đảng (38 tuổi) trú phường Vinh Tân, TP. Vinh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đảng được cho là “trùm” đa cấp tiền ảo ở Nghệ An, là leader của nhiều dự án tiền ảo.
Anh T.M.H (42 tuổi) ở phường Vinh Tân, TP. Vinh cho biết, vào tháng 3/2021 anh đã được Đảng giới thiệu về dự án Fish Koi. Tôi đã đầu tư 60 triệu đồng, gửi vào tài khoản của Đảng để mua đồng tiền ảo FIT. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, đồng FIT này bỗng về 0, không thể giao dịch được nữa. “Tôi nhiều lần liên hệ với Đảng thì anh ta bảo chính sách của công ty thay đổi. Tôi thấy đây là hành vi lừa đảo nên làm đơn tố cáo công an, để anh ta không đi lừa những người mới nữa”, anh H. nói.
Tương tự, chị N.T.T.L (50 tuổi), ở TP. Vinh cho biết, do tin lời của Đảng chị đầu tư gần 1 tỷ đồng vào Fish Koi. Chị L. kể, năm 2020, qua bạn bè giới thiệu, chị biết đến Phan Thái Đảng và sau đó được người đàn ông này lôi kéo vào dự án có tên GBHUB.
Theo lời các leader, dự án Fish Koi này mô phỏng việc nuôi cá koi ngoài đời thật thông qua việc mua trứng cá về ấp, cho cá ăn hàng ngày và sử dụng các vật phẩm trong game để cá phát triển lên các level 1-8. Sau level 8 nếu may mắn sở hữu đầy đủ các điều kiện thì cá sẽ hoá rồng và người chủ hồ cá có cơ hội nhận được 10.000 USD từ nhà phát hành game.... Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng có thể sinh lời bằng cách mua đồng tiền ảo FIT của dự án này. Các thành viên cũng sẽ được hưởng hoa hồng nếu lôi kéo được thêm nhà đầu tư.
Chị L. cho biết thêm, “Đảng hứa hẹn mức lợi nhuận là 11-15%/tháng, đồng thời khẳng định đây là dự án “có một không hai, ai có phước đức lắm mới gặp được”, và đây là dự án mà chính Đảng và 4 người nữa chung vốn mang về Việt Nam, nên khẳng định 100% có lãi. Đảng còn nói đây dự án chuẩn nhất mà trong suốt 5 năm làm tài chính mới tìm thấy, và cam kết lợi nhuận và cam kết chỉ thắng không thua….”.
Tuy nhiên, sau một thời gian theo dự án, việc rút tiền bắt đầu khó khăn, không đúng với những gì nhà đầu tư đã được hứa hẹn trước đó. “Khoảng tháng 8/2021, tôi liên hệ với Đảng để phản hồi về vấn đề dự án không diễn ra như những gì đã nói ban đầu, thì ông Đảng có trả lời, hiện tại đã rút khỏi dự án và không còn liên quan…”, chị L. kể.
Nhận diện lừa đảo
Đại diện Sở Công Thương Nghệ An cho hay, các đối tượng này đều cam kết lợi nhuận "trên trời". Nếu các kênh đầu tư chính thống như chứng khoán hay bất động sản, tỷ suất sinh lời thường chỉ dao động ở mức 10-20%/năm thì các mô hình trên đều "hứa" với nhà đầu tư không cần làm gì, ngồi chơi mà vẫn mang về lợi suất đến vài trăm phần trăm mỗi năm. Đây là mức lãi suất không tưởng đối với mọi hình thức đầu tư chính thống.
Thực tế, ban đầu các dự án này trả lãi đều đặn để dụ dỗ “gà mới”, lợi nhuận mà nhà đầu tư được hưởng là lấy từ nguồn vốn góp của chính họ hay lấy của nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu tư trước. Ngoài ra, mức lợi nhuận “khủng” này chỉ được trả tương ứng theo một thời gian ngắn nhất định. Sau thời điểm này, nhà đầu tư được khất lần với đủ mọi lý do nhằm kéo dài thời gian. Sau khi không còn nhà đầu tư mới, nhiều thủ đoạn như hạ giá những đồng tiền ảo xuống mức thấp, cũng như gây khó khăn trong việc rút tiền hoặc nhóm đối tượng đánh sập hệ thống, xóa mọi dấu vết phạm pháp…
Với chiêu trò lập nhóm trên mạng xã hội hơn 180.000 thành viên, các nhà đầu tư này liên tục đăng bài kêu than vì bị mất tiền, “cảnh báo lừa đảo”, để đưa ra cảnh báo cho cộng đồng, nhằm tạo niềm tin cho các nhà đầu tư |
Các dự án được giới thiệu “đi tắt đón đầu” và được gắn với nhiều giấy chứng nhận mang tầm quốc tế. Dự án sẽ đưa ra rất nhiều lợi ích khi hợp tác đầu tư, với các khoản hoa hồng, thu nhập “khủng”, người tham gia không cần tính toán nhiều cũng có thể thấy lợi ích đủ đường và có thể đổi đời nhanh chóng.
Những mô hình, dự án này được gắn mác công nghệ cao. Được lan truyền rất nhanh trên các trang thông tin điện tử, youtube các nhóm mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, TelegramX… được xem như là “sân chơi” của những “bạn trẻ khởi nghiệp” của những “doanh nhân” muốn kết nối toàn cầu, giao dịch và chia sẻ cơ hội đầu tư các loại tiền điện tử thông qua các ứng dụng Internet như sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội phân quyền, hệ sinh thái số, hay qua dạng mô hình tiếp thị liên kết.
Có thể kể đến các địa chỉ website: Onelinknetwork.com; ChiliMall.net; Vitae.co; Crowd1.com; Tcapital.org; Winvest.io… đang mời gọi người tham gia kinh doanh và đầu tư mua cổ phiếu nội bộ với những nguồn thu nhập cực kỳ hấp dẫn để lôi kéo nhà đầu tư mới.
Thông thường, những dự án này hướng đến các đối tượng trẻ như sinh viên tìm việc làm thêm và mong muốn khởi nghiệp, các dự án, mô hình hoạt động này thường được giới thiệu có quy mô mang tầm quốc tế, mang sứ mệnh thời đại 4.0, lấy lợi ích cộng đồng làm động lực phát triển.
Tuy nhiên trên thực tế, thành quả kinh doanh hay kết quả đầu tư của người tham gia lại không được ghi nhận trên bất kỳ tài liệu chính thức nào, mà chỉ được ghi nhận thông qua tài khoản của người tham gia hiển thị trên giao diện website. Người tham gia đầu tư không được cấp giấy chứng nhận hay xác nhận chính thức nào từ một pháp nhân theo quy định pháp luật Việt Nam. Do đó, người tham gia đầu tư sẽ không có căn cứ để yêu cầu đòi quyền lợi khi có vấn đề trục trặc kỹ thuật trên hệ thống hoặc những chủ dự án hoặc người giới thiệu tuyến trên cố ý thoái thác trách nhiệm.
Từ thực tế của rất nhiều vụ án trước đó, cơ quan chức năng tiếp tục khuyến cáo người dân nên thận trọng, tìm hiểu kỹ trước khi đầu tư hợp tác kinh doanh. Bởi lẽ, khi các đối tượng lừa đảo đánh sập hệ thống, tẩu tán tài sản thì khả năng thu hồi lại được tiền là rất nhỏ.
Sở Công Thương Nghệ An cảnh báo: Qua đánh giá các mô hình hoạt động của các dự án nêu trên có dấu hiệu là hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Do đó, để tránh rủi ro về mặt vật chất và pháp lý, người dân tuyệt đối không tham gia đầu tư, hay phát triển hệ thống kinh doanh vào các dự án nêu trên. |