Con đường lên với “cổng trời” Mường Lống, nơi có độ cao hơn 1.400m so với mực nước biển đã được trải nhựa láng mịn. Nơi đây vẫn được ví von là “Sa Pa giữa miền Trung cát trắng”. Trước mắt chúng tôi, con đường ngoằn ngoèo ẩn hiện trong sương sớm. Trời Mường Lống mùa này đỏng đảnh như cô gái mới lớn, trời vừa hừng đông, thoắt cái sương sà xuống bịt kín lối đi. Xe chúng tôi “lướt êm” qua màn sương đã thấy nắng chói chang trước tấm kính chắn gió. Hai bên đường, hoa mận, hoa đào đang khoe duyên với đất trời, Mường Lống đã vào xuân.
Ấn tượng đầu tiên khi đến Mường Lống là những ngôi nhà bằng gỗ Samu kiên cố, khang trang nằm bên triền núi, cửa hàng tạp hóa mọc san sát. Ở đây, người ta tìm thấy đủ thứ, từ các sản vật bản địa như rau rừng, lợn bản… đến quần áo, giày dép, điện dân dụng, công cụ sản xuất…, ngoài ra còn có cả quán ăn, cà phê, tiệm sửa xe… như một phố thị thu nhỏ.
Tại Mường Lống có nhiều mô hình phát triển kinh tế như trồng mận tam hoa, đào đá tết và gần đây là giống chanh leo trồng để xuất khẩu. Anh Vừ Tồng Pó ở Mường Lống 1 - cho biết: “Trồng chanh leo cho hiệu quả khá cao. Gia đình anh được hỗ trợ trồng thử nghiệm khoảng 600 gốc, trung bình mỗi gốc cho thu hoạch 40 kg; với giá 20 ngàn đồng/1kg, như vậy cũng là hiệu quả. Loại cây này cũng dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng ở đây, nếu được hỗ trợ thì gia đình tôi cũng mạnh dạn nhân rộng diện tích, chỉ mong các công ty thu mua bao tiêu sản phẩm để bà con yên tâm sản xuất…”. So với các địa phương khác, Mường Lống có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho chăn nuôi, trồng trọt. Người dân được giúp đỡ về giống, kỹ thuật, do cần cù, chăm chỉ làm ăn nên họ nhanh chóng thoát nghèo. Anh Vừ Giống Và - nông dân đã làm giàu nhờ nuôi bò hàng hóa – chia sẻ, trước đây khi được hỗ trợ ban đầu 5 con bò, sau mười mấy năm, gia đình anh hiện có 40-50 con bò vàng với giá bình quân mỗi con 15-20 triệu đồng, mang lại nguồn thu nhập ổn định hàng năm cho gia đình.
Những năm trước đây, sự học ở Mường Lống còn xa vời, nhưng giờ đây, ý nghĩ về mảnh đất đói những con chữ đã không còn. Cô Vi Thị Sầm – Giáo viên trường PTTHCS Dân tộc bán trú - cho biết: “Các em chăm học lắm, đến trường rất chuyên cần, không còn chuyện bỏ học như trước…”. Hiện, toàn xã có 4 trường học với 1.139 em học sinh. Thế hệ mầm non cũng được các bậc phụ huynh quan tâm chu đáo hơn. Theo lời Phó Chủ tịch xã Và Chá Xà, ngày trước, người dân Mường Lống mỗi lần ốm đều nhờ thầy lang hoặc khiêng cáng hàng chục cây số ra trung tâm huyện mới có thầy thuốc chữa trị. Nhưng nay, trạm y tế xã được xây dựng khang trang, sạch đẹp, có y, bác sỹ túc trực suốt ngày đêm nên công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào được đảm bảo...
Xế chiều chúng tôi mới ghé qua UBND xã Mường Lống. Mặc dù đang bận rộn với nhiều công việc cuối năm, nhưng Phó Chủ tịch xã Mường Lống Vừ Bá Lềnh vẫn thân mật trao đổi về tình hình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội - an ninh trên địa bàn. Những con số dài ngoằng, sự kiện chi chít, phức tạp nhưng anh Lềnh nhớ vanh vách. Đó là diện tích lúa 551 ha, ngô 138,9 ha, khoai 15,7ha, gừng 24,6 ha; mận, đào 173,02 ha, hoa màu khác 26,1 ha, cỏ voi 450 ha. Tổng đàn gia súc, gia cầm hiện nay của xã hiện rất lớn; trong đó có 2.424 con bò, 411 con trâu, 295 con dê, 1.326 con lợn… Có được những thành tích ấy, người dân, chính quyền xã Mường Lống hiểu hơn ai hết là nhờ sự quan tâm của các cấp ủy chính quyền cấp trên, mà trực tiếp tận tình giúp đỡ bà con là các cán bộ ở Tổng đội 8, các chiến sỹ Đồn Biên phòng. Trước đây, tình trạng buôn bán ma túy, vượt biên trái phép, dân làng nghiện hút rất nhiều. Nhưng những năm qua, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với lực lượng biên phòng, tình hình an ninh vùng biên được giữ vững.
Dường như xuân đã về từ trên sườn núi, trong tiếng xập xèng của những đồng bạc gắn trên váy áo các cô gái Mông, trong tiếng khèn dập dìu của chàng trai gọi bạn tình, trong sắc thắm của đào và màu trắng tinh khôi của hoa mận. “Cổng trời” giờ đây không còn là mảnh đất quá đỗi xa xôi…