Nghệ An là tỉnh có tiềm năng đất đai và nhân lực dồi dào, tuy nhiên mô hình liên kết trong nông nghiệp lại chưa được coi là bền vững.
Ruộng rau chờ tết của bà con xã Quỳnh Liên - Quỳnh Lưu |
Trung tuần tháng 11, chúng tôi về xã Quỳnh Liên (Hoàng Mai - Nghệ An) cả ruộng rau xanh mướt, rất nhiều bà con nông dân nơi đây vẫn miệt mài phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ. Các chị cho biết: Năm nào bà con cũng phun sớm để hàng đẹp bán những dịp áp tết. Nghe các chị nói hồn nhiên chúng tôi chợt giật mình. Bởi trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, “nguyên tắc vàng” để đạt được hiệu quả cao nhất là phun theo “4 đúng”, trong đó có phun đồng loạt. Vậy mà đây ở đây họ lại chọn phun sớm.
Thực tế, người nông dân trồng trọt nơi đây vẫn giữ một tập quán canh tác lạc hậu đó là mạnh ai nấy làm. Giữa họ không có sự liên kết để triển khai sản xuất một cách đồng bộ. Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ai cũng biết rằng nếu phun riêng lẻ như vậy sẽ không thể diệt được sâu hại mà chỉ có tác dụng đuổi sâu từ ruộng này sang ruộng khác mà thôi. Nhưng các cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo, tuyên truyền mãi mà cho tới nay hầu như chưa có địa phương nào tổ chức được phun thuốc đồng loạt.
Vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật nổi đầy mương ruộng |
Nói như vậy không có nghĩa tất cả lỗi đều thuộc về người nông dân. Trong những năm trở lại đây, được sự quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền, sản xuất nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến. Địa phương nào cũng có ban chỉ đạo sản xuất từ cấp xã cho đến các thôn xóm. Thế nhưng hội nông dân, hội phụ nữ… các tổ chức đoàn thể này chưa thể hiện được vai trò khi người nông dân, các hội viên, đoàn viên của họ vẫn mạnh ai nấy làm trong quá trình sản xuất? Sự liên kết trong sản xuất giữa người nông dân với nhau vẫn rất lỏng lẻo, mong manh. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến làm chậm lại quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất hàng hoá trong sản xuất nông nghiệp.
Gia đình ông Lê Đồng, xã Quỳnh Liên có 4 sào đất chuyên sản xuất rau màu. Vụ đông năm trước ông cũng từng tham gia vào mô hình sản xuất rau sạch của Công ty Cổ phần APG Phủ Diễn. Tuy nhiên đến vụ đông này ông chủ động rút lui, lý do là gia đình ông không thích bị bó buộc vào quy trình sản xuất mà doanh nghiệp đưa ra. Ông Đồng cho biết: “Nhà cũng có ít diện tích, theo công ty thì họ ép làm theo đúng quy trình nên cũng khó theo, giờ ưng trồng gì thì trồng nấy, loại gì bán đắt thì trồng thôi…”.
Sau khi khảo sát điều kiện canh tác phù hợp, tháng 9/2015, Công ty Cổ phần APG Phủ Diễn đã chọn xã Diễn Thành để đầu tư xây dựng mô hình trồng rau sạch theo mô hình liên kết giữa “4 nhà” với mong muốn tạo ra sản phẩm với số lượng lớn đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu phía đối tác. Triển khai được 1 vụ, sang vụ thứ 2, công ty đành phải thu hẹp quy mô bởi nhiều lý do.
Bà Đặng Thị Tâm - Giám đốc Công ty Cổ phần Phủ Diễn APG chia sẻ: Mặc dù dã được tập huấn về kỹ thuật để sản xuất theo tiêu chuẩn nhưng khi người của Công ty không giám sát được thì họ (nông dân) lại tư ý làm theo cách của mình; chăm bón không đúng yêu cầu dẫn tới sản phẩm không đạt tiêu chuẩn như: dư thừa chất kích thích, thuốc BVTV nên khi kỹ sư kiểm tra không đạt thì khó để bao tiêu.
Được xem là đóng vai trò trung gian quan trọng, tuy nhiên chính quyền và các ngành chức năng đôi khi cũng không thể đảm bảo mối liên kết bền vững khi có những phát sinh trong hợp tác giữa doanh nghiệp với người nông dân. Ông Hoàng Ngọc Thủy – Trưởng phòng kinh tế TX Hoàng Mai cho rằng: “Về khoa học kỹ thuật thì có thể tập huấn được nhưng chữ tín thì rất khó, bởi tâm lý của người nông dân là thấy lợi gì trước là họ làm, tự phá vỡ hợp tác, điều này là rất khó để liên kết…”.
Gần 10 năm trước, chủ trương chọn xã Hưng Đông để xây dựng vành đai thực phẩm được TP. Vinh tính tới, cùng với đó là sự đầu tư về hạ tầng nông nghiệp. Với 26ha đất chuyên sản xuất các loại rau cho sản lượng hàng chục tấn mỗi lứa, vùng chuyên canh này đã đáp ứng phần nào về nhu cầu rau xanh tại chỗ. Theo Trung tâm khuyến nông Nghệ An, công tác khuyến nông chỉ có vai trò trong việc trung gian hỗ trợ thôi chứ không thể thay thế hoặc bắt họ duy trì mối liên kết được. Ngoài các điều kiện cần và đủ, theo tôi, cũng nên có hành lang pháp lý cho mối liên kết này.
Với tập quán canh tác thuần túy chủ yếu theo kinh nghiệm, để thay đổi tư duy sản xuất mới, đòi hỏi người nông dân cũng cần phải học nhiều thứ. Và khi kinh tế nông nghiệp phụ thuộc thị trường, đồng nghĩa với việc nông dân phải chấp nhận những đòi hỏi khắt khe của quy luật cung - cầu. Những rào cản về tập quán sản xuất đơn thuần này, nếu không có sự thay đổi sẽ đẩy chính người nông dân vào thế khó khi cạnh trạnh với các sản phẩm ngoại nhập.
Nhiều năm trở lại đây, điệp khúc “được mùa mất giá” không còn là chuyện xa lạ đối với người nông dân. Khi phân tích thấu đáo nguyên nhân, thì lại được nhận định được mùa thì là do chủ quan, còn mất mùa lại đổ tại cho nguyên nhân khách quan. Trong khi đó đến mùa vụ, vai trò của các ban chỉ đạo sản xuất, các tổ chức đoàn thể không được thể hiện một cách rõ ràng, người nông dân vẫn chuyển đổi cây trồng một cách tự phát và “mạnh ai nấy làm”.
Đã đến lúc cần phải nhìn nhận rõ tầm quan trọng của sự liên kết giữa nông dân với nông dân trong quá trình sản xuất, từ đó các ban chỉ đạo sản xuất, tổ chức đoàn thể ở địa phương thể hiện được rõ vai trò là sợi dây liên kết. Khi đó mới nói tới chuyện liên kết 4 nhà, phát triển sản xuất hàng hoá.