Nghệ An đầu tư hạ tầng để "săn đón" dự án FDI Khu công nghiệp, khu chế xuất: Làm tổ đón "đại bàng" |
Thời gian qua là giai đoạn khó khăn chung của cả nước bởi đại dịch Covid-19, nhưng tỉnh Nghệ An lần đầu tiên lọt vào Top 10 địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI cao nhất cả nước trong 6 tháng đầu năm 2022.
Có được điều này là do tỉnh Nghệ An đã đổi mới xúc tiến, cải thiện môi trường đầu tư cùng những chính sách hỗ trợ hiệu quả, từ đó góp phần thu hút doanh nghiệp nước ngoài.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài luôn là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế địa phương |
Lũy kế đến nay, Khu kinh tế Đông Nam và các Khu công nghiệp tỉnh Nghệ An thu hút 269 dự án còn hiệu lực; tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 95.581 tỷ đồng (tương đương 4,12 tỷ USD), trong đó có 57 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 1,86 tỷ USD.
Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho biết, từ đầu năm đến nay, Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp tỉnh Nghệ An đã thu hút được 15 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 11.849,4 tỷ đồng, trong đó có 6 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 119 triệu USD; điều chỉnh 21 dự án (có 9 lượt dự án tăng vốn hơn 9.418 tỷ đồng; 5 dự án FDI tăng vốn thêm 417,18 triệu USD). Theo đó, tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm hơn 21.267,7 tỷ đồng; tổng vốn FDI đăng ký mới và điều chỉnh tăng thêm hơn 550 triệu USD.
Hiện Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp tỉnh Nghệ An thu hút 269 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 95.581,3 tỷ đồng (tương đương 4,12 tỷ USD), trong đó có 57 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 1,86 USD.
Một trong những dự án FDI lớn nhất được đầu tư vào Nghệ An thời gian qua, đó là dự án của Goertek Vina của Tập đoàn Goertek. Ngày 11/1/2022 tỉnh Nghệ An đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư lần 2 cho Goertek Vina. Theo đó, Goertek Vina quyết định tăng vốn thêm 400 triệu USD vào dự án tại Nghệ An, nâng tổng vốn đầu tư của dự án lên 500 triệu USD. Dự kiến dự án sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 người lao động sau khi hoàn thành.
Trước đó vào tháng 10/2020, tỉnh Nghệ An đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án nhà máy chế tạo sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện cho Goertek Vina tại Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 100 triệu USD. Đến tháng 1/2021, chỉ 3 tháng sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Goertek Vina đã tiến hành khởi công xây dựng nhà máy. Theo kế hoạch, trong năm 2022, dự án tại Nghệ An sẽ hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào hoạt động, sản xuất.
Để lót ổ đón “đại bàng”, ông Lê Tiến Trị - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho hay, trong bối cảnh giá thuê đất nói chung và mặt bằng giá bất động sản công nghiệp cả nước có xu hướng tăng lên thì việc Nghệ An thông qua bảng giá đất theo hướng giảm so với trước là nỗ lực cố gắng lớn của tỉnh, nhằm tạo lợi thế trong thu hút đầu tư.
Nghệ An đang là điểm đến của các dự án FDI chất lượng cao, công nghệ cao, thân thiện môi trường có quy mô hàng trăm triệu USD |
Theo đó, tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 22/2020 ngày 13/12/2020, bổ sung Nghị quyết số 19/2019 thì mức giá thuê đất tại Khu công nghiệp VSIP giảm từ 525.000 đồng/m2 xuống 285.000 đồng/m2; Khu công nghiệp Nam Cấm khu A, giảm từ 387.000 đồng/m2 xuống 307.000 đồng/m2, khu B từ 396.000 đồng/m2 xuống 330.000 đồng/m2, khu C từ 402.000 đồng/m2 xuống 348.000 đồng/m2; khu D từ 338.000 đồng/m2 xuống 280.000 đồng/m2; Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 tại Nghi Lộc, từ 387.000 đồng/m2 xuống 275.000 đồng/m2.
Tương tự, mức giá thuê đất tại Khu công nghiệp Thọ Lộc, giá hiện hành ở khu A là 318.000 đồng/m2, khu B là từ 313.000 đồng/m2, khu C là 334.000 đồng/m2; nay được giảm xuống mức giá chung là 275.000 đồng/m2; Khu công nghiệp Hoàng Mai I từ hiện hành là 518.000 đồng/m2 và Khu công nghiệp Hoàng Mai II là 221.000 đồng/m2, nay được điều chỉnh một mức chung là 275.000 đồng/m2; mức giá Khu công nghiệp Đông Hồi, từ 375.000 đồng/m2 xuống 275.000 đồng/m2.
Để chủ động nắm bắt cơ hội thu hút đầu tư, Nghệ An chú trọng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch để định hướng rõ ngành, lĩnh vực, địa bàn ưu tiên thu hút đầu tư; tập trung ưu tiên thu hút vốn FDI, trong đó xác định ưu tiên xúc tiến, thu hút đầu tư từ các đối tác truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore và thị trường tiếng Trung như Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc.
Bên cạnh đó, tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ thu hút đầu tư. Hoàn thành việc xây dựng hệ thống điện và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ ngoài hàng rào các khu công nghiệp; đặc biệt, quan tâm đầu tư cảng nước sâu, nhà ở xã hội phục vụ người lao động trong khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp.
Cùng với đó, tập trung thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp như VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt... tạo quỹ đất sạch và hạ tầng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu thu hút các dự án thứ cấp vào đầu tư kinh doanh. Đồng thời, phối hợp với các trường đào tạo nghề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nguồn lao động có kỹ năng nghề gắn với dự báo nguồn nhân lực trong khu công nghiệp, khu kinh tế, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp…Có thể nói, điểm mạnh của Nghệ An là luôn sẵn sàng về quỹ đất, nguồn nhân lực dồi dào, khả năng đáp ứng kịp thời và có cơ chế kết nối, đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực cho các nhà đầu tư để họ yên tâm sản xuất.
Nghệ An sẽ đồng hành cùng các nhà đầu tư, "Hiện nay, Nghệ An không xúc tiến đầu tư đại trà nữa, mà xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trong điểm, cụ thể và thiết thực hơn…", ông Lê Tiến Trị cho biết thêm.