Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm quê hương lần thứ hai |
Phát biểu tại hội thảo bà Trần Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, đây là diễn đàn giúp tỉnh có cơ hội tham vấn ý kiến các nhà khoa học, nhà quản lý đề xuất ý tưởng để định hướng cho quá trình bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Hồ Chí Minh, trước hết là sự tôn vinh, tri ân của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Nghệ An đối với Bác, đồng thời tạo điều kiện giúp Nghệ An trở thành một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống lịch sử, yêu nước và cách mạng; hướng đến phát triển kinh tế di sản, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững trên cơ sở kế thừa và phát huy giá trị nền tảng di sản văn hóa của tỉnh.
Hội thảo "Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Hồ Chí Minh trên quê hương của Người" |
Các tham luận, ý kiến tại hội thảo đã tập trung làm rõ ba nội dung: Di sản văn hóa Hồ Chí Minh - những giá trị lý luận và thực tiễn trong thời đại ngày nay; Hiện trạng bảo tồn, phát huy di sản văn hóa tinh thần và các di tích gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh trên quê hương Nghệ An; Giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh trong định hướng phát triển kinh tế xã hội và mục tiêu của cuộc vận động học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đề cập đến vấn đề “Gia đình, quê hương Nghệ An với việc hình thành chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh”, Đại tá, PGS.TS Đặng Bá Minh – Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) - nhấn mạnh, từ thuở ấu thơ, Nguyễn Sinh Cung được nuôi dưỡng trong tinh thần yêu quê hương, đất nước, đã nhận thấy những cảnh khổ cực của đồng bào ở quê hương, ở nhiều nơi đi phu làm đường Vinh-Cửa Rào. Khi vào Huế, Người càng nhận thấy rõ sự cách biệt trong đời sống xã hội giữa người giàu và người nghèo, giữa quan lại với người dân bị áp bức. Từ việc được nuôi dưỡng truyền thống yêu nước đã hình thành lòng yêu nước, phát triển thành ý thức cứu nước và thể hiện dần ở những hành động cứu nước.
Theo Đại tá, PGS.TS Đặng Bá Minh, bài học ở đây là phải giáo dục cho thế hệ trẻ lòng yêu quê hương, tinh thần, ý thức trách nhiệm đối với quê hương trong cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay. Việc giáo dục lòng yêu quê hương – cơ sở của lòng yêu nước cần tiến hành toàn diện, trong trường, ngoài xã hội, ở gia đình, khai thác những ưu thế của các bộ môn khoa học xã hội và nhân văn theo hướng phát huy tính tích cực của thế hệ trẻ, với tinh thần tự nguyện, tự giác, học đi đôi với hành.
Liên quan đến hiện trạng bảo tồn, phát huy di sản văn hóa tinh thần và các di tích gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh trên quê hương Nghệ An hiện có Trường Tiểu học Pháp – Việt là cơ sở giáo dục đầu tiên theo tân học học ở Nghệ Tĩnh, ra đời đầu thế kỷ XX cùng với trường Quốc học Vinh (Collège de Vinh) được thành lập năm 1920. Nơi đây, Nguyễn Tất Thành đã theo học suốt gần một năm học trong giai đoạn hết sức quan trọng của việc hình thành tri thức, nhân cách và chí hướng của cuộc đời một con người. Với tầm vóc của ngôi trường như vậy, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần đề xuất cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về ngôi trường này. Trong đó, cần tập trung xác định chính xác năm ra đời của trường; sưu tầm, nghiên cứu để làm rõ hơn việc theo học tại trường của anh em Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Tất Thành.
Bảo tồn, phát huy không gian văn hóa Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên trong thời kỳ khoa học kỹ thuật số cũng đã được Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Cường – Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam - đề xuất, như: Cần ứng dụng công nghệ thông tin quản trị các hoạt động tại di sản, bao gồm các module phần mềm quản lý giới thiệu các cụm di tích trong không gian văn hóa Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên; quản lý các văn bản, tài liệu liên quan đến hoạt động bảo tồn khu di tích; quản lý di vật, hiện vật gốc, các di tích bất động sản tại cụm di tích Làng Sen và cụm di tích Hoàng Trù; quản lý nhân sự và tra cứu hồ sơ tài liệu. Ngoài ra, theo Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Cường, nên ứng dụng khoa học công nghệ kỹ thuật số để quảng bá, hỗ trợ thuyết minh di sản. Đối với những hiện vật gốc trưng bày thì ngoài việc xử lý hóa chất hoặc áp dụng kỹ thuật truyền thống thì việc sử dụng công nghệ in 3D tạo ra các bản sao từ hiện vật gốc để trưng bày cũng nên được quan tâm thử nghiệm.
Các nhà khoa học, các nhà quản lý cũng đã nêu lên những sáng kiến, giải pháp, đề xuất rất cụ thể, có giá trị thực tiễn cao nhằm định hướng, áp dụng thực hiện trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh nói riêng và hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung gắn với phát triển du lịch.