Nguồn gốc, ý nghĩa của Ngày vía Thần Tài
Thần Tài trong tín ngưỡng phương Đông là vị thần đảm nhiệm việc trông coi tiền tài, đem tài lộc may mắn cho gia chủ. Vị thần này sẽ mang lại nhiều may mắn, giúp cho công việc làm ăn của gia chủ trong năm sẽ được tiến hành một cách thuận lợi, ít gặp trở ngại.
Tục thờ Thần Tài bắt nguồn từ Trung Quốc, sau đó xuất hiện tại Việt Nam vào khoảng đầu thế kỷ XX. Có nhiều câu chuyện trong dân gian để kể giải thích về phong tục này. Tuy nhiên, riêng phong tục thờ cúng Thần Tài vào ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch được tương truyền khá đồng nhất.
Thần Tài trong tín ngưỡng phương Đông là vị thần đảm nhiệm việc trông coi tiền tài, đem tài lộc may mắn cho gia chủ. Ảnh minh họa |
Chuyện kể rằng, dưới trần gian không có Thần Tài, chỉ có Thần Tài trên trời, cai quản tiền bạc, tài lộc. Trong một lần đi chơi uống rượu, Thần Tài say quá nên rơi xuống trần gian. Khi Thần Tài vào nhà nào xin ăn thì nhà đó giàu có, buôn may bán đắt… Đến ngày mồng 10 tháng Giêng thì Thần Tài bay về trời.
Để tưởng nhớ Ngài, mọi người chọn ngày mồng 10 tháng Giêng là ngày vía Thần Tài. Do vậy, cứ tới mồng 10 tháng Giêng, mọi người sẽ sắm sửa lễ vật cúng Thần Tài để cầu tài lộc, may mắn, sung túc cho cả năm.
Năm nay, Ngày vía Thần Tài sẽ rơi vào thứ Hai (tức ngày 19/2/2024 Dương lịch). Ngoài việc chuẩn bị mâm lễ vật đầy đủ, chu đáo để cúng Thần Tài, dân gian cũng rất coi trọng việc mua vàng cầu may trong năm mới. Bởi họ tin rằng, những đồng tiền vàng đầu tiên sẽ mở đường cho công việc kinh doanh buôn bán trong năm được suôn sẻ, tiền của dồi dào như nước.
Trước đây, chỉ những người kinh doanh buôn bán mới mua vàng vào Ngày vía Thần Tài với mục đích cầu tài lộc. Song nhiều năm trở lại đây, rất nhiều người Việt cũng theo phong trào đổ xô đi mua vàng trong ngày này với hy vọng sẽ có nhiều tiền của trong năm, vì vàng mang ý nghĩa phú quý, cát tường.
Một số ý kiến chuyên gia phong thủy cho rằng thực tế, tích Thần tài được một số người làm kinh doanh tuyên truyền mạnh trong những năm gần đây nhằm thúc đẩy việc bán hàng đầu năm. Khách hàng có thể đi mua bán nhưng không nhất thiết phải chen lấn, mua giá cao trong ngày này.
Mua vàng trước Ngày Thần Tài có được không?
Theo quan niệm xưa, tiền vàng vào nhà đầu năm thì cả năm sẽ dư dả, ấm no. Vì vậy, người dân thường chọn mua vàng đầu năm hoặc mua vàng vào đúng Ngày Thần Tài để đón lộc cầu phúc đồng thời để tiết kiệm.
Mọi người có thể mua vàng trước Ngày vía Thần Tài để tránh cảnh xếp hàng, xô đẩy. Ảnh minh họa |
Việc xếp hàng, chen lấn khi mua vàng vào Ngày Thần Tài sẽ gây mệt mỏi và người mua có thể mua sản phẩm không được như ý muốn, do vậy, ngay khi các cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, mọi người có thể mua vàng luôn, vừa có thể chọn được sản phẩm như ý muốn, vừa không lo giá vàng tăng cao vào ngày này.
Lưu ý khi mua vàng Ngày Thần Tài
Trên thị trường hiện nay bán rất nhiều loại vàng, sản phẩm vàng khác nhau để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong Ngày Thần Tài. Do vậy, tuỳ vào nhu cầu sử dụng cũng như điều kiện kinh tế mà mỗi người nên lựa chọn mua loại vàng cho phù hợp.
Với nhu cầu mua vàng để cầu may và tích lũy có thể chọn mua những phẩm hợp tuổi, hợp mệnh.
Nếu mua vàng cầu may sau đó muốn bán thì khách hàng nên chọn mua vàng nhẫn tròn trơn loại ép vỉ hoặc vàng miếng để không lo bị mất giá. Không nên mua nhẫn tròn trơn không ép vỉ vì khó xác định được chất lượng, tuổi của vàng.
Nên chọn mua vàng ở những cửa hàng uy tín, lấy hóa đơn đầy đủ để đảm bảo chất lượng cũng như thuận tiện cho các giao dịch mua đi bán lại.
Nếu mua vàng trang sức, người mua sẽ thường phải chịu thêm chi phí làm (công đánh vàng) nhưng khi bán đi sẽ bị lỗ khoản tiền này. Với mỹ nghệ vàng (sản phẩm mạ vàng), các cửa hàng sẽ không thu mua lại các sản phẩm này. Vì vậy, người mua cần cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn.