Việt Nam chủ động, nỗ lực bảo vệ tầng ô-dôn Sửa đổi quy định quản lý nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập tái xuất các chất làm suy giảm tầng ô-dôn |
Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn được tổ chức vào ngày 16/9 hàng năm nhằm tăng cường sự hiểu biết về Nghị định thư Montreal, nâng cao nhận thức và truyền tải các thông điệp về bảo vệ tầng ô-dôn tới các cấp, các ngành, cộng đồng và toàn xã hội.
Bảo vệ tầng ô-dôn giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu
Với chủ đề “Nghị định thư Montreal: Khôi phục tầng ô-dôn và giảm thiểu biến đổi khí hậu”, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bên liên quan tổ chức một số hoạt động hưởng ứng Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn năm 2023 nhằm đánh giá và phát huy những thành tựu đạt được của việc thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.
Trong gần 4 thập kỷ qua, Nghị định thư Montreal được xem là công cụ hiệu quả và sẽ tiếp tục bảo vệ sức khỏe con người, thiên nhiên và khí hậu trên quy mô toàn cầu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Hội đồng Đánh giá khoa học về Nghị định thư Montreal đã xác nhận rằng tầng ô-dôn đang được khôi phục theo đúng lộ trình và dự kiến Nam Cực sẽ trở lại như năm 1980 vào khoảng năm 2066. Đến nay, 99% các chất làm suy giảm tầng ô-dôn đã được loại bỏ hoàn toàn, Nghị định thư Montreal đã bảo vệ hàng triệu người khỏi bệnh ung thư da và đục thủy tinh thể, bảo vệ hệ sinh thái và làm chậm quá trình biến đổi khí hậu.
Tập huấn lắp đặt, bảo dưỡng điều hòa đảm bảo an toàn, tránh rò rỉ HFC |
Tuy nhiên, sứ mệnh của Nghị định thư Montreal vẫn chưa kết thúc, Bản sửa đổi, bổ sung Kigali của Nghị định thư Montreal được phê chuẩn thực hiện năm 2016, đến nay đã có 152 quốc gia phê chuẩn Bản sửa đổi, bổ sung Kigali.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mục tiêu của Bản sửa đổi, bổ sung Kigali là giảm dần sản xuất và tiêu thụ các chất HFC - nhóm chất gây hiệu ứng nhà kính được sử dụng phổ biến để thay thế các chất làm suy giảm tầng ô-dôn trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong công nghiệp làm mát. Gần 80% các chất HFC hiện này được sử dụng trong lĩnh vực làm mát (điều hoà không khí, thiết bị lạnh, hệ thống điều hoà trung tâm, kho bảo quản lạnh…) và 10% lượng điện tiêu thụ toàn cầu phục vụ nhu cầu làm mát của con người.
Hành tinh của chúng ta đang dần nóng lên kéo theo nhu cầu sử dụng các thiết bị lạnh và điều hòa không khí ở trong nhà, trường học và nơi làm việc cũng tăng theo. Việc tăng cường khả năng tiếp cận chuỗi lạnh bền vững, giúp bảo quản thực phẩm và vắc xin là yêu cầu thiết yếu cho phát triển bền vững.
"Thông qua việc loại trừ các chất HFC, việc thực hiện Bản sửa đổi, bổ sung Kigali sẽ góp phần không làm tăng nhiệt độ trái đất 0,5 độ C vào năm 2100 và hy vọng sẽ tăng gấp đôi nếu được triển khai cùng với các giải pháp về tiết kiệm năng lượng. Do vậy, việc tìm kiếm các lựa chọn thay thế vừa đảm bảo vừa an toàn, thân thiện với môi trường, khí hậu và đồng thời tăng hiệu suất năng lượng của thiết bị làm mát là hết sức quan trọng"- đại diện Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ.
Cùng với cộng đồng quốc tế, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm bảo vệ tầng ô-dôn, kiểm soát và loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn (CFC, Halon, CTC, HCFC, Methyl Bromide), chất gây hiệu ứng nhà kính (HFC) cụ thể: Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon, CTC; hạn chế nhập khẩu các chất Methyl bromide (chỉ sử dụng cho mục đích khử trùng);
Đặc biệt, trong giai đoạn 2020-2025, loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất hydrochlorofluorocarbons (HCFC), lượng hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC áp dụng cho Việt Nam chỉ còn 2.600 tấn, dự kiến sẽ giảm dần trong giai đoạn sau đó cho đến khi chấm dứt nhập khẩu hoàn toàn các chất HCFC vào năm 2040.
Việt Nam từng bước thực hiện theo lộ trình loại trừ các chất HFC nhằm mục tiêu không gia tăng lượng tiêu thụ các chất HFC giai đoạn 2024-2029 và giảm dần tiến tới loại trừ 80% lượng tiêu thụ các chất HFC vào năm 2045.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, để thực hiện cam kết trên, sự hợp tác chặt chẽ giữa các chính phủ, giữa các bộ, ngành, địa phương, sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế và đặc biệt là sự tham gia thực hiện của doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Việc ban hành các quy định về bảo vệ tầng ô-dôn trong Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật góp phần nội luật hóa các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia là thành viên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ô-dôn là hết sức cần thiết.
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Có thể khẳng định, thời gian qua Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc hoàn thiện khung chính sách quy định quản lý, bảo vệ tầng ô-dôn như tại Điều 92 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật bao gồm: Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 07/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo đó, Nghị định số 06 đã đề ra các nội dung cơ bản về lộ trình quản lý, loại trừ các chất theo trách nhiệm và nghĩa vụ của Việt Nam thực hiện Nghị định thư Montreal; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các chất được kiểm soát; quy định nguyên tắc quản lý và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong quản lý các chất được kiểm soát. Ngày 07/7/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bao gồm các điều quy định về mức phạt áp dụng đối với các hành vi vi phạm về sử dụng chất được kiểm soát tại Điều 45, Điều 46.
Trong công tác phối hợp liên ngành trong tổ chức thực thi quy định pháp luật, Cục Biến đổi khí hậu đã phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan và các đơn vị chức năng trực thuộc tổ chức nhiều cuộc hội thảo phổ biến quy định quản lý và tập huấn về kiểm soát xuất, nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo Nghị định thư Montreal cho hơn cán bộ hải quan tại các vùng, miền trong cả nước. Theo kế hoạch, hết năm 2023 sẽ tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho 330 cán bộ hải quan tại các vùng, miền trong cả nước.
Công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng đã có một bước tiến lớn, Cục Biến đổi khí hậu phối hợp với Hội Khoa học kỹ thuật Lạnh và Điều hòa không khí, Viện khoa học công nghệ Nhiệt - Lạnh triển khai hoạt động đào tạo giảng viên nguồn, tập huấn dành cho cán bộ kỹ thuật đến từ các trường cao đẳng, trung cấp nghề và các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh trên cả nước. Kết thúc chương trình,Cục đã đạt mục tiêu đề ra: tổ chức đào tạo giảng viên nguồn cho gần 188 giảng viên đến từ các trường cao đẳng, trung cấp nghề; tập huấn cho 3.068 kỹ thuật viên từ các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng trên cả nước.
Dự kiến đến hết 2023, trang bị tổng số 300 bộ đồ nghề sửa chữa cho 300 cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng điều hoà không khí và 110 bộ đồ nghề giảng dạy cho 110 trường cao đẳng, trung cấp nghề đào tạo về lĩnh vực sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh và điều hoà không khí; 20 bộ thiết bị đo dò gas cho các doanh nghiệp sử dụng thiết bị lạnh công nghiệp để các doanh nghiệp thực hiện quản lý rò rỉ HCFC-22 trong quá trình sản xuất.
Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ |
Ngoài ra, Cục Biến đổi khí hậu đã hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi công nghệ không sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, sau hơn 4 năm triển khai, đã hỗ trợ 10 doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi công nghệ không sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, trong đó có 6/10 tiểu dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động...
Hưởng ứng Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn 16/9 năm 2023 với thông điệp: “Nghị định thư Montreal: Khôi phục tầng ô-dôn và giảm thiểu biến đổi khí hậu”, Cục Biến đổi khí hậu đã tổ chức hội thảo kết hợp tham quan dự án chuyển đổi công nghệ loại trừ các chất HCFC, HFC tại Việt Nam gồm:
Hội thảo tham vấn hoàn thiện Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát và kết quả khảo sát, đánh giá việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ tầng ô-dôn với các nội dung chính: Tham vấn các bên có liên quan để hoàn thiện Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát dựa trên các kết quả khảo sát; Đánh giá việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ tầng ô-dôn
Tham quan mô hình thiết lập trạm trộn hệ nước tại doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất xốp với các nội dung chính: Tham quan khu vực sản xuất của nhà máy áp dụng thành công chuyển đổi công nghệ thiết lập trạm trộn HFO; Trao đổi kinh nghiệm với đại diện doanh nghiệp về những bài học thành công trong chuyển đổi công nghệ, thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.