Ngày này năm xưa 5/7: Phê duyệt Đề án xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước Ngày này năm xưa 6/7: Đưa vào khai thác giếng dầu H4 mỏ Tê Giác Trắng |
Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 7/7 trong nước, ngành công thương và quốc tế; các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
- Ngày 7/7/1910, ngày sinh nhà văn Thạch Lam. Ông tên thật là Nguyễn Tường Vinh (sau đổi tên là Nguyễn Tường Lân) sinh ra tại Hà Nội. Ông qua đời nǎm 1942. Là cây bút xuất sắc trong nhóm Tự lực văn đoàn. Tác phẩm chính của ông: Gió đầu mùa, Nắng trong vườn, Sợi tóc, tập tùy bút Hà Nội 36 phố phường.
Học viện Lục quân ra quân huấn luyện năm 2023 |
- Ngày 7/7/1946, là Ngày truyền thống của Học viện Lục quân.
Ngày 7/7/1946, Bộ Quốc phòng mở lớp bổ túc quân sự trung cấp đầu tiên của quân đội ta, khai giảng tại thị xã Sơn Tây. Lớp có gần 100 học viên. Tuy thời gian học tập ngắn, nhưng nội dung huấn luyện phong phú, tương đối toàn diện cả về quân sự và chính trị. Lớp bổ túc quân sự trung cấp đầu tiên này được coi là tiền thân của Học viện Lục Quân.
- Ngày 7/7/1950, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội ta quyết định mở Chiến dịch Biên Giới, mang mật danh Chiến dịch “Lê Hồng Phong-2”.
Mục đích là tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới, mở đường giao thông nối liền với các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố cǎn cứ địa Việt Bắc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thường vụ Trung ương Đảng làm Bí thư Đảng uỷ, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy chiến dịch. Thiếu tướng Hoàng Vǎn Thái, Tổng tham mưu trưởng làm tham mưu trưởng; đồng chí Trần Đǎng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục cung cấp phụ trách hậu cần chiến dịch; đồng chí Lê Liêm làm Chủ nhiệm chính trị chiến dịch. Chiến dịch được bắt đầu 16/9/1950, kết thúc 14/10/1050.
-Từ ngày 7/7 đến 15/7/1960 đã diễn ra Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá II. Trong kỳ họp đầu tiên, Quốc hội đã bầu ra Chủ tịch nước là cụ Hồ Chí Minh; Phó chủ tịch nước là cụ Tôn Đức Thắng; Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội là ông Trường Chinh; Thủ tướng Chính phủ là ông Phạm Vǎn Đồng. Quốc hội còn bầu Hội đồng quốc phòng, cử Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án toàn án nhân dân tối cao.
- Ngày 7/7/1997, Bộ Công nghiệp ban hành Chỉ thị số 04/1997/CT-BCN về việc tăng cường công tác quản lý và sử dụng con dấu trong các cơ quan đơn vị thuộc ngành Công nghiệp.
- Ngày 7/7/1999, Bộ Thương mại ban hành Thông tư số 14/1999/TT-BTM hướng dẫn điều kiện kinh doanh xăng dầu.
- Ngày 7/7/2003, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 117/2003/QĐ-BCN về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Tin học.
Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025. |
- Ngày 7/7/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 89/2008/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025.
- Ngày 7/7/2008, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 17/2008/QĐ-BCT Quy định về việc biên soạn tài liệu đào tạo thực hiện bằng kinh phí khuyến công.
- Ngày 7/7/2009, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 20/2009/TT-BCT quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
Ngày 7/7/2009, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 19/2009/TT-BCT sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTM-BGTVT-BTC-BCA ngày 31/3/2006 của liên Bộ Thương mại – Giao thông vận tải – Tài chính – Công an hướng dẫn việc nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi đã qua sử dụng theo Nghị định số 12/2006/NĐ – CP ngày 23/1/2006 của Chính phủ.
Sự kiện quốc tế
- Ngày 7/7/1807, Pháp, Phổ và Nga ký kết Hòa ước Tilsit, kết thúc Chiến tranh Liên minh thứ tư.
- Ngày 7/7/1937, bắt đầu Sự kiện Lư Câu Kiều, được xem là mở đầu cho Chiến tranh Trung - Nhật.
- Ngày 7/7/1978, quần đảo Solomon giành độc lập từ Anh Quốc.
- Ngày 7/7/1898, Tổng thống Hoa Kỳ William McKinley ký vào văn kiện sáp nhập Hawaii thành một lãnh thổ của Hoa Kỳ.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Ngày 7/7/1946, tại Paris, Bác tiếp tục gặp gỡ nhiều bà con Việt kiều, tiếp và mời cơm gia đình tướng Raoul Salan; dự những hình thức lễ nghi và Hội pháo hoa tại cung điện Versailles để chào mừng khách quý từ Việt Nam tới.
- Ngày 7/7/1954, Báo Nhân Dân đăng bài “Công giáo Pháp chống chiến tranh xâm lược Việt Nam” trong đó Bác bình luận về việc nhiều giáo dân, giáo chức và tờ báo lớn của Thiên Chúa giáo ở Pháp lên tiếng chống chiến tranh kêu gọi đình chiến, để từ đó đưa ra lời kêu gọi: “Trước thái độ đúng đắn của những người Công giáo Pháp, thì những người Công giáo Việt Nam ai đã lầm đường theo giặc, phản nước phản Chúa, cần phải mau mau hối cải, mau mau quay về với chính nghĩa, với Tổ quốc yêu mến của chúng ta”.
Cùng ngày, trên Báo Cứu Quốc, Bác cũng đề cập vấn đề này và nhấn mạnh rằng: "Những người trung thành với Chúa là những người có nhiều cống hiến cho sự nghiệp hòa bình thế giới".
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục được Quốc hội khóa 3 tín nhiệm bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại kỳ họp thứ nhất, ngày 3/7/1964. Ảnh tư liệu |
- Ngày 7/7/1958, Bác tham dự Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua công, nông, binh toàn quốc lần thứ II và biểu dương: “Anh hùng, chiến sĩ thi đua đó là những người tiên phong trong sản xuất, mà cũng là gương mẫu về đạo đức cách mạng... Họ toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân chứ không phải nửa tâm nửa ý... không suy bì hơn thiệt của cá nhân, không ganh tị về địa vị và hưởng thụ. Họ không giấu nghề, không dìm những anh em xung quanh mình… Họ không tự kiêu, tự mãn, tự tư tự lợi”. Cùng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho 26 tấm gương xuất sắc nhất trong phong trào thi đua yêu nước.
- Ngày 7/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự phiên họp khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa II, tại kỳ họp này Bác tiếp tục được Quốc hội tín nhiệm bầu đảm nhận cương vị Chủ tịch nước.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh – Ngày này năm xưa, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010)