Ngày này năm xưa 3/5: Ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam – Côoét Ngày này năm xưa 4/5/2012: Bộ Công Thương ban hành Quyết định bổ sung máy móc, thiết bị trong nước sản xuất |
Chuyên mục “Ngày này năm xưa” trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương, sự kiện quốc tế và các sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 5/5.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 5/5/2005, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 23/2005/QĐ-BCN Phê duyệt Đề án phát triển các ngành công nghiệp đến năm 2010 phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.
Ngày 5/5/2004, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 32/2004/QĐ-BCN về việc chuyển Công ty Cơ khí và Xây lắp công nghiệp về trực thuộc Tổng công ty Bia -Rượu – Nước giải khát Sài Gòn.
Ngày 5/5/1997, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp đã ký Quyết định số 659/QĐ-TCCB về việc xếp hạng doanh nghiệp Nhà nước. Theo văn bản thỏa thuận giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài Chính và đề xuất của Công ty Sữa Việt Nam, Bộ Công nghiệp đã ra quyết định chấp thuận xếp hạng 1 cho Công ty Sữa Việt Nam là doanh nghiệp hạch toán độc lập thuộc Bộ Công nghiệp.
Toàn cảnh nhà máy sản xuất sữa bột Công ty sữa Việt Nam ở Bình Dương nay là Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) |
Ngày 5-5-1967, trong trận đánh trả với không quân Mỹ, quân và dân thủ đô Hà Nội đã chiến thắng oanh liệt, bắn rơi 8 máy bay, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái. Nhân dịp này, Hồ Chủ tịch đã ký lệnh thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất và gửi thư khen quân và dân Thủ đô Hà Nội. Bác mong Hà Nội lập nhiều thành tích to lớn hơn nữa, xứng đáng là Thủ đô anh hùng.
Ngày 5-5-1972, toàn bộ sĩ quan, binh sĩ thuộc trung đoàn 56 quân ngụy Sài Gòn, đóng tại cǎn cứ Đầu Mầu - Đức Miếu (Quảng Trị) đã tiến hành phản chiến tập thể và đưa toàn bộ vũ khí (trong đó có đại bác tầm xa 175 mm - Vua chiến trường) tự nguyện trình diện quân giải phóng.
Ngày 5/5//1959, để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của các chiến trường phía Nam, Đoàn 559 được thành lập và ngày đó trở thành Ngày truyền thống của bộ đội Trường Sơn. Bộ đội Trường Sơn là lực lượng hiệp đồng binh chủng quy mô lớn bao gồm nhiều binh chủng làm nhiệm vụ chiến đấu mở đường, đảm bảo ra tiền tuyến lớn, tới các chiến trường toàn quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.
Ngày 5/5/1961, đoàn cán bộ quân sự đầu tiên tăng cường cho Bộ chỉ huy Miền và các khu ở miền Nam xuất phát từ Xuân Mai (Hòa Bình) theo đường dây Trường Sơn có 500 người, phần lớn là cán bộ cao cấp, trung cấp do thiếu tướng Trần Vǎn Quang, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam dẫn đầu. Ngày 28-7-1961, sau 3 tháng hành quân liên tục, trong đó nhiều ngày phải rút bớt tiêu chuẩn lương thực, ǎn rau rừng thay cơm vì gặp địch càn quét, đoàn đã vượt chặng đường dài trên 2.000 km đến vị trí tập kết ở đồi 300 (tỉnh Bình Long). Đồng chí Trần Vǎn Quang được cử làm Phó ban quân sự Miền Nam. Các cán bộ của đoàn được điều về các cơ quan thuộc Ban quân sự Miền, cơ quan quân sự các quân khu 7,8,9 và Sài Gòn - Gia Định, chuẩn bị cho việc thành lập các bộ tư lệnh quân khu và các trung đoàn chủ lực.
Sự kiện quốc tế
Ngày 5/5/1955, Hiệp định Paris về chấm dứt chiếm đóng có hiệu lực, Cộng hòa Liên bang Đức ( tức Tây Đức) giành được chủ quyền hoàn toàn.
Ngày 5/5/1949, Hiệp ước London thành lập Ủy hội châu Âu, thể chế đầu tiên hoạt động nhằm nhất thể hóa châu Âu
Những sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 5-5-1948, Bác Hồ viết “Thư gửi Đội lão du kích huyện Yên Dũng, Bắc Giang” bày tỏ lòng tiếc thương đối với 7 vị lão du kích hy sinh vì nước. Thay mặt Chính phủ, Bác viết: “Các cụ ấy đã hy sinh, nhưng lòng yêu nước, chí quật cường, tinh thần dũng cảm của các cụ sẽ ở trong lòng tất cả đồng bào, tất cả mọi người du kích. Và tiếng thơm của các cụ sẽ giai truyền với non sông của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thống nhất và độc lập”.
Ngày 5-5-1953, đóng góp ý kiến cho văn bản “Đề nghị về chế độ làm việc của cố vấn và cán bộ Việt Nam với Chính phủ và cán bộ Lào”, Bác ghi bên lề văn bản lời căn dặn: “Thật thà đoàn kết về tinh thần và trong công tác. Thật thà tự phê bình và phê bình lẫn nhau. Cán bộ Việt tuyệt đối tránh bao biện. Cán bộ Lào thì nên tránh khách khí”.
Ngày 5-5-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp của Hội đồng Chính phủ tổ chức lễ tuyên thệ nhậm chức cho các thành viên mới của Chính phủ. Bác nói: “...Như các vị vừa mới tuyên thệ, chúng ta phải hết sức phục vụ nhân dân, chí công vô tư; làm gương về mặt đức - tài. Đó là đạo đức cách mạng. Ta có thêm lực lượng mới trong Chính phủ thì phải có tác phong mới và lề lối làm việc mới, tránh quan liêu để công việc không bị bê trễ, cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ nhân dân giao phó. Nhân dân đó cố gắng, chúng ta cũng cố gắng, lại được các nước bạn giúp đỡ, nhất định chủ nghĩa xã hội sẽ được thực hiện và sự nghiệp thống nhất đất nước sẽ thành công”.
Ngày 5-5-1968, Bác Hồ tiếp Hồ Văn Mên, thiếu niên dũng sĩ diệt Mỹ ra thăm miền Bắc và mời cơm thân mẫu cùng vợ của cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Cùng ngày, trên Báo Nhân Dân đăng bài báo “Vừa đi đường vừa nói chuyện về Các Mác” (ký bút danh Việt Hồng). Sau khi kể nhiều mẩu chuyện sinh động từ cuộc đời của mình noi theo tấm gương của “ông thầy chủ nghĩa cộng sản của chúng ta”, Bác kết luận: “Chủ nghĩa Mác rất cao, rất rộng. Những người cách mạng phải học tập Chủ nghĩa Mác. Nhưng có thể nói một cách tóm tắt là Chủ nghĩa Mác dạy chúng ta phải tuyệt đối trung thành với Đảng, phải hết lòng hết sức phục vụ giai cấp công nhân. Mác dạy chúng ta: Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại! Lênin người học trò thiên tài của Mác bổ sung thêm: Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại! Hai câu khẩu hiệu đó là những ngọn cờ vĩ đại dẫn giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức đến thắng lợi hoàn toàn”.