Ngày này năm xưa 25/9: Bộ Công Thương ban hành thông tư về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá Ngày này năm xưa 26/9: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh |
Chuyên mục Ngày này năm xưa Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương và quốc tế ngày 27/9; các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày 27/9.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 27/9/2018, Thông tư 28/2018/TT-BCT quy định vận hành thị trường phát điện cạnh tranh.
Ngày 27/9/2017, Quyết định 3705/QĐ-BCT về việc bổ sung chợ đầu mối, chợ hạng I thuộc "Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035".
Ngày 27/09/2013, Thông tư 135/2013/TT-BTC hướng dẫn áp dụng thí điểm chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với Tổ chức tài chính vi mô.
Ngày 27/9/2012, Thông tư 28/2012/TT-BCT Quy định chi tiết việc đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam.
Ngày 27/9/2006, Quyết định 1545 /QĐ-BTM của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) về việc ban hành Quy định về quy trình xử lý công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của Vụ Thị trường châu Âu.
Thương hiệu gạo Việt được bán tại siêu thị của Pháp |
Ngày 27/9/2006, khánh thành cột mốc biên giới đầu tiên Việt Nam - Campuchia. Tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) - Ba Vẹt (tỉnh Svây Riêng), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã cắt băng khánh thành cột mốc 171 - cột mốc biên giới đầu tiên giữa hai nước. Cột mốc 171 xác định ranh giới giữa tỉnh Tây Ninh (Việt Nam) và tỉnh Svây Riêng (Campuchia). Sự kiện này là thắng lợi chung của hai nước, hai dân tộc Việt Nam - Campuchia trong xây dựng đường biên giới thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, đáp ứng nguyện vọng và lòng mong muốn của nhân dân hai nước, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, thịnh vượng, mở mang đời sống của nhân dân hai vùng biên giới.
Ngày 27/9/1989, Ủy ban Quốc gia chống nạn mù chữ của Việt Nam được thành lập. Ủy ban này có nhiệm vụ chỉ đạo công cuộc chống nạn mù chữ cho người lớn tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học cho trẻ em trong độ tuổi.
Ngày 27 đến 29/9/1988, Đại hội đại biểu công đoàn toàn quân lần thứ III.
Ngày 27/9/1976, Thành lập Viện Kỹ thuật Thông tin, nay là Trung tâm Kỹ thuật Thông tin Công nghệ cao, Binh chủng Thông tin liên lạc.
Ngày 27/9/1950, Tổ điệp báo A13 của Công an Hà Nội đã phối hợp với Công an Thanh Hóa để tiến hành một nhiệm vụ quan trọng. Với tinh thần dũng cảm và mưu trí, họ đã làm nổ tung chiếc tàu chiến Amiô Đanhvin trên vùng biển Sầm Sơn, 200 lính và sĩ quan Pháp cùng hàng trăm tấn vũ khí bị tiêu diệt và phá hủy.
Ngày 27 - 29/9/1947, Hội nghị Quân sự toàn quốc lần thứ tư, đề ra chủ trương "đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung".
Ngày 27/9/1940, Khởi nghĩa Bắc Sơn (Lạng Sơn). Ngay sau khi phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương, Đảng bộ Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) đã phát động quần chúng nổi dậy giành lại chính quyền về tay nhân dân. Ngày 27/9/1940, hơn 600 quân khởi nghĩa đã tấn công đồn Mỏ Nhài (châu Bắc Sơn) tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ. Hai ngày sau đó, quân khởi nghĩa tiếp tục tấn công và đánh tan quân Pháp ở đèo Canh Tiêm, Sập Di. Thực dân Pháp cùng phát xít Nhật thỏa hiệp, đàn áp cuộc khởi nghĩa, chiếm lại các đồn. Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn tuy thất bại, nhưng đã để lại bài học quý báu về khởi nghĩa vũ trang, xây dựng chính quyền, đặt nền móng cho việc xây dựng căn cứ địa cách mạng. Đội du kích Bắc Sơn sau này phát triển thành Việt Nam cứu quốc quân.
Sự kiện quốc tế
Ngày 27/9/1975, Tổ chức Du lịch thế giới ra đời tại Mexico.
Ngày 27/9/1962, Cộng hòa Ả Rập Yemen được thành lập.
Ngày 27/9/1983, Nhà phát triển phần mềm Richard Stallman tuyên bố kế hoạch để xây dựng hệ điều hành GNU, phần mềm tự do đầu tiên của Dự án GNU.
Ngày 27/9/1998, Sinh nhật của Google. Google là công cụ tìm kiếm phổ biến nhất hiện nay, chiếm hơn 90% người dùng trên thế giới sử dụng. Google luôn tự hào về các tính năng nổi bật khiến nó trở thành công cụ tìm kiếm tốt nhất trên thị trường.
Google Doodle mừng sinh nhật thứ 25 của Google - công cụ tìm kiếm hàng đầu thế giới bằng cách tái hiện lại lịch sử của công ty này thông qua các logo "Google" từ những ngày đầu cho đến nay. |
Google còn tự hào có các thuật toán tiên tiến, giao diện dễ sử dụng và trải nghiệm người dùng được cá nhân hóa. Nền tảng này nổi tiếng vì liên tục cập nhật các kết quả và tính năng của công cụ tìm kiếm để mang đến cho người dùng trải nghiệm tốt nhất.
Hôm nay, Google Doodle ngày 27/9/2023 mừng sinh nhật thứ 25 của Google được thiết kế là một hình động tái hiện lại logo của công cụ tìm kiếm này từ những ngày đầu tiên.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 27/9/1961, trong bài “Học hay, cày giỏi”, ký bút danh T.L, đăng Báo Nhân Dân, số 2745, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Dưới chế độ phong kiến, lao động trí óc tách rời hẳn với lao động chân tay. Trước đây hơn 2.500 năm, cụ Khổng Tử (“ông Thánh” khoa học Trung Quốc ngày xưa) đã mắc sai lầm đó. Một hôm học trò hỏi cụ Khổng về nghề làm ruộng và trồng cây. Ông cụ trả lời một cách cay cú: “Ta chả biết!”.
Tiếp tục phát triển cái sai lầm ấy, các nhà nho Trung Quốc đã có câu thơ: “Vạn ban giai hạ phẩm; duy hữu độc thư cao”. Nghĩa là muôn nghề đều là thấp kém; chỉ nghề đọc sách là cao. Các nhà nho Việt Nam ta cũng đi theo con đường sai lầm ấy.
Để sửa chữa sai lầm cổ truyền ấy, chế độ xã hội chủ nghĩa đã nêu rõ khẩu hiệu: Phải kết hợp chặt chẽ lao động trí óc với lao động chân tay. Thực hiện đường lối đó, Hội nghị giáo dục toàn miền Bắc họp vào trung tuần tháng 9/1961 đã quyết định:
Đẩy mạnh hơn nữa việc giáo dục lao động trong nhà trường là một khâu chủ yếu trong toàn bộ sự nghiệp giáo dục xã hội chủ nghĩa… nhằm đào tạo thế hệ trẻ đã có những kiến thức khoa học… lại có những kiến thức cơ bản về kỹ thuật sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, những thói quen lao động, sẵn sàng bước vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa”.
(Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011, t.13, tr.203-204.)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Sở Nông Lâm Hà Nội và sử dụng thử chiếc máy cấy tại ruộng thí nghiệm của Sở (7/1960). Ảnh: TTXVN. |
Trong bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán quan điểm sai lầm cho rằng muôn nghề đều thấp kém, chỉ có nghề đọc sách là cao quý; Người nêu rõ sự cần thiết “phải kết hợp chặt chẽ lao động trí óc với lao động chân tay” và khẳng định chủ trương đẩy mạnh giáo dục lao động trong nhà trường là hoàn toàn đúng đắn.
Ngày 27/9/1925, Báo Thanh Niên xuất bản ở Quảng Châu đăng bức thư của Nguyễn Ái Quốc “Trả lời bạn nữ sinh viên X của chúng ta”, trong đó chia sẻ nhiều quan điểm về cách mạng. Thư phân tích: “Các vua quan, thư lại, thông ngôn, theo chị là những người phản cách mạng. Chị đã nhầm rồi, bạn thân mến, bởi vì một ông vua có thể suy nghĩ và biết cảm thông với những bất hạnh chưa từng thấy đang giáng xuống dân tộc của ông; vì vậy ông ta thà làm một người dân bình thường còn hơn là trị vì một dân tộc nô lệ... Đàn bà con gái cũng nằm trong nhân dân… nếu dân tộc còn trong cảnh nô lệ thì họ và con cái họ cũng sẽ sống trong cảnh nô lệ đó thôi... Điều đó chứng tỏ rằng vì quyền lợi của đàn bà con gái An Nam mà chúng ta làm cách mạng...”.
Ngày 27/9/1945, tại Nhà hát Thành phố Hà Nội, Bác đến dự Đại hội đại biểu thanh niên Hà Nội và mở đầu bài nói: “Các anh em nếu đến đây để đợi nghe một bài diễn văn bóng bảy, hoa mỹ thì các anh em sẽ thất vọng. Những lời tôi nói với anh em sẽ chỉ rất giản dị, rất thiết thực. Tôi sẽ không khen ngợi anh em, mà chỉ chú ý vạch ra những khuyết điểm của anh em... Bây giờ, cần phải làm sao cho mất những khuyết điểm ấy. Việc cần trước nhất là làm thống nhất các tổ chức thanh niên... Nói tóm lại, phải làm sao cho tổ chức thanh niên Hà Nội phải thành một khối thanh niên khuôn mẫu cho thanh niên toàn xứ và toàn quốc”.
Ngày 27/9/1946, tiếp tục bàn về “Binh pháp Tôn Tử”, trên Báo Cứu Quốc, Bác viết bài “Bàn về kế hư thực”: “Muốn chiến đấu thắng lợi, bao giờ cũng phải chiếm địa vị chủ động... kế hư thực là một kế rất thần diệu trong tất cả các binh pháp... Nói tóm lại, kế hư thực của Tôn Tử rất mầu nhiệm. Muốn đánh được thắng lợi, hành động phải bí mật, đừng để cho quân địch biết mà đề phòng. Trái lại, muốn phòng giữ chắc chắn đừng nên để lộ cơ mưu, hư thực của mình, khiến cho quân địch không biết đánh vào nơi nào, đừng nơi nào. Thi hành đúng kế hư, thực, thắng lợi sẽ cầm chắc trong tay”.
Ngày 27/9/1947, trong Thư gửi các cháu nhi đồng cả nước nhân Tết Trung Thu, Bác Hồ “hứa với các cháu: Các bác, các chú, toàn cả đồng bào, sẽ ra sức tranh đấu, để sớm đuổi bọn thực dân phản động, để trường kỳ kháng chiến sớm thắng lợi, thống nhất độc lập sớm thành công, để các cháu được ăn Tết Trung thu vui vẻ như năm kia, năm ngoái”.
Ngày 27/9/1951, Hội nghị Trung ương lần thứ hai khóa II khai mạc. Bác tham dự Hội nghị và đóng góp những ý kiến thiết thực đối với công tác Đảng: “Điều chú ý là cán bộ xa dân vì quan liêu, không gần gũi quần chúng. Cho nên phải làm thế nào kết hợp được với quần chúng… Công tác trong vùng tạm chiếm cần phải linh hoạt, không máy móc... Học tập cả kinh nghiệm và lý luận ta đều có mặt kém... phải cố gắng, chống khuynh hướng kinh nghiệm chủ nghĩa”.
Ngày 27/9/1954, Bác viết bài “Cái gậy và con gà” đăng trên Báo Nhân Dân nhắc đến ý kiến của một người Pháp từng chứng kiến cuộc kháng chiến của nhân dân ta, đã đưa ra lời nhận xét: “Mỗi người Việt Nam yêu nước đều có thể là người tuyên truyền làm cho thế giới kính trọng dân tộc ta”.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)