Ngày này năm xưa 24/08: Ban hành Thông tư về quản lý địa bàn của cơ quan quản lý thị trường Ngày này năm xưa 27/8: Thành lập Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại |
Chuyên mục “Ngày này năm xưa” trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương, sự kiện quốc tế và các sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 25/8.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 25/8/1911- Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Đại tướng Võ Nguyên Giáp tên khai sinh là Võ Giáp, bí danh là Văn, sinh ngày 25/8/1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu lòng yêu nước. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng và trở thành vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đảm nhiệm trọng trách lớn lao khi tuổi đời còn khá trẻ (37 tuổi); nhưng với sự học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ, đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam.
Vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam khi mới 37 tuổi |
Ngày 25/8/1959, chính thức khánh thành Nhà máy Điện Lào Cai. Nhà máy điện Lào Cai hoàn thành đã cung cấp điện cho mỏ Apatit Lào Cai, ngoài ra còn cung cấp điện cho thị trấn Hà Khẩu của Trung Quốc, vùng biên giới liền kề với Thị xã Lào Cai. Để chuẩn bị vận hành Nhà máy điện Lào Cai, Công ty Điện lực miền Bắc đã đưa hơn 100 học sinh, bộ đội chuyển ngành về Nhà máy điện Vinh để đào tạo công nhân vận hành và hình thành bộ khung cho Nhà máy điện Lào Cai. Đúng ngày 7-11-1959 cũng là ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 Nga, đồng chí Lê Thanh Nghị - Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác của Chính phủ, Bộ Công nghiệp, các chuyên gia Liên Xô và các Ban, ngành của Nhà nước đã cắt băng khánh thành Nhà máy điện Lào Cai giữa những tiếng reo vui như đánh thức cả núi rừng, trở thành sự kiện đặc biệt của người dân vùng biên cương Tổ quốc. Suốt 7 ngày đêm nhà máy sáng rực ánh đèn, điện được đưa lên đường dây 35KV vào vùng mỏ Apatit Lào Cai, nơi ấy máy xúc hoạt động ngày đêm đưa hàng trăm tấn quặng về xuôi để sản xuất phân bón rất cần cho đồng ruộng để sản xuất lương thực.
Nhà máy Điện Lào Cai năm 1959. Ảnh internet |
Nhà máy điện Lào Cai hoạt động được 20 năm đã góp phần rất đáng kể để vùng mỏ Apatit phát triển, sản xuất được hàng ngàn tấn Apatit làm phân bón cho cả miền Bắc làm cho Lào Cai các tỉnh biên giới ngày càng “thay da đổi thịt”, đặc biệt đồng bào các dân tộc có điều kiện cải thiện cuộc sống và sản xuất vì điện về các bản làng đã làm thay đổi phương thức sản xuất có điện sản xuất không còn thủ công thô sơ như bao đời trước… Trong 20 năm nhà máy quản lý, vận hành, con người nhà máy cũng không ngừng biến động rất nhiều công nhân đã được đi học tập đại học trong và nước ngoài trở thành những kỹ sư, cán bộ quản lý làm việc ở các nhà máy, các điện lực khắp cả ba miền đất nước, nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ lãnh đạo từ Bộ Điện lực đến các Công ty Điện lực ở khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Ngày 25/8/1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 146-HĐBT năm 1982 sửa đổi Quyết định số 25-CP theo hướng tăng thêm quyền chủ động của các xí nghiệp quốc doanh, trên 3 lĩnh vực: kế hoạch, vật tư và tiêu thụ sản phẩm.
Ngày 25/8/1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 111-HĐBT về danh mục những hàng hóa Nhà nước độc quyền kinh doanh, cấm tư nhân buôn bán.
Ngày 25/8/2005, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ký Quyết định số 34/2005/QĐ-BCN Quyết định về việc sáp nhập Công ty Đất đèn và Hóa chất Tràng Kênh vào Công ty Hơi kỹ nghệ que hàn.
Ngày 25/8/1999, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 58/1999/QĐ-BCN về việc thành lập Công ty Vật liệu chịu lửa và khai thác đất sét Trúc Thôn.
Ngày 25/8/1966, quân giải phóng Thủ Dầu Một chặn đánh nhiều tiểu đoàn thuộc sư đoàn bộ binh số 1 của Mỹ ở Bông Trang – Lò Gạch (quận Bến Cát). Sau 12 giờ liên tục chiến đấu, quân giải phóng đã đẩy lù 34 đợt tiến công của địch, diệt một tiểu đoàn bộ binh Mỹ, tiêu hao nặng 2 tiểu đoàn khác, giết và làm bị thương hơn 700 tên, phá hủy 14 xe tăng, xe bọc thép và bắn rơi 4 máy bay.
Từ ngày 25/8-27/8/1946, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triệu tập Đại hội giáo giới toàn quốc trong 3 ngày.
Ngày 25/8/1945, Bảo Đại đọc chiếu thoái vị tại Huế, kết thúc nhà Nguyễn. Theo lời yêu cầu của Trần Huy Liệu, chiều ngày 25/8/1945, Bảo Đại mặc trào phục và đọc bản Tuyên ngôn Thoái vị trước hàng ngàn người tụ họp vội vã trước cửa Ngọ Môn.
Ngày 25/8/1975, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 22, Quân đoàn 4 được thành lập;
Ngày 25/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã thắng lợi hoàn toàn, giành chính quyền về tay nhân dân. Chấp hành lệnh tổng khởi nghĩa của Ủy ban Kháng chiến toàn quốc và kế hoạch của Xứ ủy Nam kỳ, ngay từ đêm 24/8/1945, quần chúng cách mạng của Sài Gòn – Chợ Lớn và các tỉnh lân cận mang theo giáo mác, tầm vông vạt nhọn… bằng mọi phương tiện rầm rập kéo về nội thành để tham gia khởi nghĩa giành chính quyền…Đến sáng sớm hôm sau 25/8, cả triệu quần chúng Sài Gòn – Chợ Lớn và các tỉnh lân cận ào ạt kéo vào nội thành với một khí thế sục sôi cách mạng. Đoàn người hô vang như sấm dậy khẩu hiệu: “Việt Nam hoàn toàn độc lập!”, “Tất cả chính quyền về tay Việt Minh!”, “Mặt trận Việt Minh muôn năm!”, “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”, “Độc lập hay là chết!”. Cờ đỏ sao vàng tràn ngập đường phố, phấp phới bay trên các công sở. Đến 13 giờ ngày 25-8, trong cuộc mít tinh trước dinh Đốc lý Sài Gòn (trụ sở UBND TPHCM hiện nay), Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ Trần Văn Giàu long trọng tuyên bố: “Đồng bào toàn dân. Hôm nay là ngày vẻ vang nhất trong lịch sử của Nam bộ Việt Nam.
Ngày 25/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Tân Trào về tới làng Gạ (Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội). Tại đây, ngày 26-8, Người đã nghe các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đǎng Ninh báo cáo tình hình khởi nghĩa ở Hà Nội. Chiều 26-8, Người vào nội thành ở và làm việc tại số nhà 48 Hàng Ngang. Tại đây, Người đã chủ toạ phiên họp đầu tiên của Thường vụ Trung ương Đảng bàn việc bắt tay vào những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước cách mạng. Và cũng tại địa điểm lịch sử này, từ ngày 28-8 đến 31-8, Người soạn thảo vǎn kiện lịch sử :"Tuyên ngôn độc lập".
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 25/8/1950, Bác Hồ viết “Thư gửi Hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng Toàn quốc” nhấn mạnh: “Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết: Yêu Tổ quốc, thương đồng bào, chuộng lao động, giữ kỷ luật, biết vệ sinh, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn cái tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng (chớ nên làm cho chúng hóa ra những “người già sớm”. Nhiều thư các cháu gửi cho Bác Hồ, viết như người lớn viết; đó là một triệu chứng già sớm cần nên tránh). Trong lúc học, cũng cần cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học. Ở trong nhà, ở trong trường, ở xã hội, chúng đều vui đều học... Ngày nay chúng là nhi đồng. 11 năm sau chúng sẽ là công dân... Giáo dục nhi đồng là một khoa học. Vậy các bạn phải cố gắng học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, để tiến bộ mãi. Nhất là phải làm kiểu mẫu trong mọi việc”.
Trong bài nói chuyện ngày 25/8/1953 với Lớp chỉnh huấn cho cán bộ, công nhân, viên chức các cơ quan Khu I, Bác khẳng định: “Vậy bất kỳ làm việc gì, cố mà thi đua, giúp anh em thi đua đều là anh hùng của dân tộc, không nên nghĩ chỗ này thì tiến bộ, chỗ khác không tiến bộ. Bất kỳ làm việc gì cũng phải cố gắng, kiên quyết an tâm công tác, sẽ vẻ vang và có thể trở nên anh hùng được”.
Ngày 25/8/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư trả lời Tổng thống Mỹ Risát Níchxơn (Richard Nixon) đưa ra thông điệp: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự. Nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến cùng, không sợ hy sinh gian khổ, để bảo vệ Tổ quốc và các quyền dân tộc thiêng liêng của mình… Trong thư, Ngài bày tỏ lòng mong muốn hành động cho một nền hòa bình công bằng. Muốn vậy, Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài. Đó là cách đúng đắn để giải quyết vấn đề Việt Nam phù hợp với quyền dân tộc của nhân dân Việt Nam, với lợi ích của nước Mỹ và nguyện vọng hòa bình của nhân dân thế giới. Đó là con đường để Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự. Với thiện chí của phía Ngài và phía chúng tôi, chúng ta có thể đi tới những cố gắng chung để tìm một giải pháp đúng đắn cho vấn đề Việt Nam”. Đây cũng là văn kiện cuối cùng của Bác viết chỉ một tuần lễ trước khi qua đời.