Chuyên mục "Ngày này năm xưa" Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 22/4 trong nước và quốc tế; các sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
* Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 22/4/1916: Toàn quyền Đông Dương lập thêm một số nhà tù ở các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Sơn La, Lai Châu. Đây chính là kế hoạch khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đối với Đông Dương. Việc đàn áp phong trào nổi dậy đấu tranh của nhân dân ta được chính quyền Pháp coi là một phần của kế hoạch đó.
Đập tràn Ka Nak 1 (Ảnh Internet) |
Từ ngày 22/4 đến 28/4/1952: Diễn ra Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Phân tích tình hình thế giới và trong nước, hội nghị đề ra ba nhiệm vụ lớn là: Tiêu diệt sinh lực địch, đẩy mạnh chiến tranh du kích; Phá chính sách "dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh" của địch; Bồi dưỡng lực lượng của nhân dân, của kháng chiến. Hội nghị đã kết luận tình hình quốc tế có lợi cho ta, phe hòa bình dân chủ ngày càng mạnh, chúng ta nhất định sẽ giành được thắng lợi cuối cùng.
Ngày 22/4/1975: Đồng chí Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị Trung ương Đảng từ Hà Nội điện cho Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh như sau: “Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc Tổng tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày, kịp thời phát động tiến công địch trên các hướng, không để chậm. Nếu để chậm thì không có lợi cả về chính trị và quân sự. Kịp thời hành động lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn.
Các anh chị ra chỉ thị ngay cho các hướng, hành động kịp thời, chú trọng kết hợp tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng. Sự hiệp đồng giữa các hướng cũng như giữa tiến công và nổi dậy sẽ thực hiện trong quá trình hành động. Hiện nay, thời cơ thúc đẩy chúng ta phải có hành động nhanh nhất. Nắm vững thời cơ lớn, chúng ta nhất định toàn thắng”.
Cũng trong ngày 22/4, Bộ Chỉ huy Chiến dịch duyệt lại lần cuối kế hoạch chính thức của Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Ngày 22/4/1975: Thủ tướng Chính phủ ký các quyết định: Quyết định số 146/TTg phê chuẩn nhiệm vụ xây dựng đường dây 110kV Hà Đông - Mai Động; Quyết định số 149/TTg phê chuẩn thiết kế xây dựng đường dây 110kV An Lạc - Thái Bình
Ngày 22/4/1991: Tổng công ty Thái Sơn là doanh nghiệp kinh tế - quốc phòng, tiền thân là Công ty ứng dụng Khoa học kỹ thuật nhiệt đới (Tripico) thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt-Xô được thành lập.
Ngày 22/4/2003: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 64/2003/QĐ-TTg về việc phê duyệt "Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng"
Ngày 22/4/2005: Quyết định 1249/2005/QĐ-BTM của Bộ trưởng Bộ Thương mại ủy quyền ban quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Hà Tây quản lý hoạt động xuất nhập khẩu và hoạt động thương mại của các doanh nghiệp khu công nghiệp.
Ngày 22/4/2008: Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 14/2008/CT-TTg về các biện pháp tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện các điều ước quốc tế trong lĩnh vực kinh tế - thương mại.
Ngày 22/4/2011: Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak (AKKN) được Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết định thành lập. Sự kiện này đánh dấu quan trọng việc khai thác tiềm năng về thủy điện, bổ sung cho nguồn điện quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn hai tỉnh Bình Định, Gia Lai nói riêng, khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước nói chung.
Hiện nay, Thủy điện An Khê - Ka Nak là Công ty trực thuộc EVNGENCO 2, có nhiệm vụ quản lý vận hành 2 nhà máy (Nhà máy Thủy điện An Khê thuộc huyện Tây Sơn - tỉnh Bình Định; Nhà máy Thủy điện Ka Nak thuộc huyện KBang - tỉnh Gia Lai) có tổng công suất lắp máy 173MW.
Ngày 22/4/2013: Bộ Công Thương ban hành Thông tư 08/2013/TT-BCT quy định chi tiết về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Ngày 22/4/2013: Chính phủ ban hành Nghị định 33/2013/NĐ-CP về việc ban hành Hợp đồng mẫu của Hợp đồng Chia sản phẩm dầu khí.
Ngày 22/4/2013: Bộ Công Thương ban hành Thông tư 07/2013/TT-BCT quy định việc đăng ký sử dụng hoá chất nguy hiểm để sản xuất sản phẩm, hàng hóa trong lĩnh vực công nghiệp.
* Sự kiện quốc tế
Ngày 22/4/1870: Là ngày sinh của Vladimir Ilyich Lenin (Lênin), người sáng lập nước Nga Xô viết. Ông sinh tại thành phố Ômxcơ (thành phố Ulianôpxcơ thuộc Cộng hoà Liên bang Nga). Ông là người vận dụng thành công những lý luận của Các Mác - Ǎngghen và xây dựng thực tiễn để trở thành chủ nghĩa Mác - Lênin.
Nước Nga Xô Viết do Lênin sáng lập và lãnh đạo là đất nước đầu tiên tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những nền tảng của lý luận Mác - Lênin đã được loài người tiến bộ, yêu hòa bình và tiếp thu và vận dụng vào điều kiện cách mạng của mỗi nước.
Ngày 22/4 hàng năm: Ngày Trái Đất nhằm mục đích khuyến khích mọi người trên khắp thế giới cùng nhau thân thiện với môi trường. Sự kiện Ngày Trái Đất đầu tiên được tổ chức tại Mỹ gần 5 thập kỷ trước, do Cựu Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ Gaylord Nelson khởi xướng sau khi ông chứng kiến một sự cố tràn dầu kinh hoàng vào năm 1969 tại Santa Barbara, California.
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng tuyên bố: "Là cha đẻ của Ngày Trái Đất, Nelson đồng thời là người tiên phong để sau này cho ra đời các sự kiện khác nối tiếp Ngày Trái Đất, đó là Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Không khí Sạch, Luật Nước sạch và Luật Nước uống An toàn".
* Sự kiện, kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 22/4/1951: Báo Nhân dân đăng bài: “Hũ gạo kháng chiến của phụ nữ Ngân Sơn” do Bác Hồ viết (bút danh C.B) biểu dương sáng kiến của phụ nữ Ngân Sơn (Bắc Kạn) và khích lệ: “Ý nghĩa của hũ gạo kháng chiến. Đó là một cách thực hiện chữ Kiệm...”. “Việc làm hũ gạo kháng chiến rất giản đơn mà ích lợi thì to lớn”.
Bác Hồ đã phát động phong trào “Hũ gạo kháng chiến” và được toàn dân hưởng ứng nhiệt thành |
Ngày 22/4/1952: Bác Hồ tham dự và khai mạc Hội nghị Trung ương 3 khóa II của Đảng. Kết luận báo cáo: “Tình hình và nhiệm vụ”, Bác khẳng định: “Chúng ta có đủ những điều kiện thắng lợi… Như thế là chúng ta làm đúng đường lối trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh, thiết thực chuẩn bị tổng phản công để giành thắng lợi cuối cùng”.
Ngày 22/4/1960: Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Lênin, Báo Nhân dân đăng bài: “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ những trải nghiệm trong cuộc đời hoạt động yêu nước và cách mạng của mình, tác giả khẳng định: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”.
Ngày 22/4/1966: Phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa III, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra thông điệp: “Nhân dân ta rất yêu chuộng hòa bình, nhưng phải có độc lập, tự do thật sự mới có hòa bình chân chính. Dân tộc Việt Nam ta là một dân tộc anh hùng, chúng ta quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn để giành lấy hòa bình, độc lập, tự do thật sự”.