*Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 21/1/2009, Bộ Công Thương ra Thông tư số 02/2009/TT-BCT hướng dẫn việc phân bổ và sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của cơ quan cấp trên lực lượng quản lý thị trường.
Ngày 21/1/2000, Bộ Công Nghiệp ban hành Quyết định số 05/2000/QĐ-BCN về việc ban hành đơn giá xây dựng cơ bản chuyên ngành lắp đặt, thí nghiệm hiệu chỉnh thiết bị và đường dây thông tin điện lực
Ngày 21/1/1968, Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị phát lệnh nổ súng tiến công Khe Sanh, với trận mở màn từ hướng Tây, đánh chiếm Chi khu quân sự quận lỵ Hướng Hóa và điểm cao 832. Từ đó đến ngày 9-7-1968, ta đã mở 4 đợt tấn công địch. Chúng phải rút chạy ở Khe Sanh. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 11 nghìn tên địch (trong đó có 2/3 là lính Mỹ), bắn rơi và phá huỷ 197 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 80 tàu vận tải, phá hủy 78 xe các loại và nhiều phương tiện chiến tranh khác, buộc Mỹ - ngụy phải tháo chạy khỏi thung lũng Khe Sanh, tạo bước đột phá cho Cuộc tiến công chiến lược Xuân 1968.
Quân giải phóng đánh chiếm các mục tiêu của địch trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh 1968. Ảnh: Baoquankhu4.com.vn |
Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh cùng với thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 trên khắp các đô thị miền Nam đã làm thất bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ. Hy vọng giành thắng lợi quân sự của Mỹ trở nên mỏng manh, buộc chúng phải chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đơn phương từng bước xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, cử đại diện đàm phán với đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Paris, tiến tới rút quân về nước. Ý chí xâm lược của Mỹ bị giáng một đòn nặng nề. Ta thu được thắng lợi lớn cả về quân sự, chính trị và ngoại giao.
Ngày 21/1/1976 là ngày đã thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng thành phố Sài Gòn - Gia Định do đồng chí Võ Vǎn Kiệt, Ủy viên ban chấp hành Trung ương Đảng lao động Việt Nam làm Chủ tịch, thay cho Ủy ban quân quản thành phố.
Ngày 21/1/1983, theo Quyết định số 14/QĐ-TM của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung đoàn 665 được thành lập (nay là Công ty Cổ phần đầu tư và Xây lắp Thành An 665 trực thuộc Binh đoàn 11 - Tổng công ty Thành An).
Trong những năm tiếp theo, sau nhiều lần đổi tên, cho đến nay với truyền thống đơn vị Anh hùng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và người lao động Công ty đã đoàn kết, quyết tâm phấn đấu vì sự tồn tại và phát triển của đơn vị, vượt qua khó khăn thực hiện chuyển đổi cơ chế thành công và ngày càng khẳng định được uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường. Trải qua 39 năm xây dựng và trưởng thành, Công ty vinh dự được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1986. Được Nhà nước Lào tặng thưởng Huân chương Isala hạng Nhất, Nhì. Đảng Nhà nước ta tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Huân chương Quân công hạng Ba. Huân chương lao động hạng Nhì. 5 cờ thi đua xuất sắc của Tổng cục Hậu cần, nhiều phần thưởng của các Bộ, Ban, Ngành và Binh đoàn 11.
Ngày 21/1/1875: Ngày thành lập Ngân hàng Đông Dương. Ngân hàng Đông Dương là một ngân hàng và cơ sở tài chính được thành lập vào ngày 21 tháng 1 năm 1875. Ngân hàng này có nhiệm vụ phát hành tiền mặt cho các xứ thuộc địa của Pháp ở Châu Á. Hai chi nhánh đầu tiên được đặt tại Sài Gòn và Hải Phòng. Trụ sở chính của ngân hàng đặt tại Paris.
Ngày 21/1/1887: Khởi nghĩa Ba Đình bị dập tắt. Sáng này 21 tháng 1 năm 1887, quân Pháp chiếm được chiến khu Ba Đình, cuộc khởi nghĩa Ba Đình do Đinh Công Tráng, Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, Nguyễn Đôn Tiết lãnh đạo bị dập tắt, các thủ lĩnh bị bắt và xử tử.
Khởi nghĩa Ba Đình là một trong các cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần Vương tại Ba Đình, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
* Sự kiện quốc tế
Ngày 21/1/1793: Vua Louis XVI của Pháp bị hành quyết bằng máy chém tại Quảng trường Concorde, Paris sau khi bị kết tội phản quốc.
Ngày 21/1/1875: Ngân hàng Đông Dương được thành lập ở Paris theo sắc lệnh của tổng thống Pháp.
V.I.Lenin – lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới, người sáng lập ra Quốc tế Cộng sản; đồng thời lãnh đạo nhân dân Nga tiến hành Cách mạng Tháng Mười Nga. Ảnh: Tư liệu/TTXVN |
Ngày 21/1/1924 là ngày mất của lãnh tụ phong trào cách mạng vô sản Nga Vladimir Ilyich Lenin. Ông là người sáng lập Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, nhà lý luận mác xít và hoạt động cách mạng thực tiễn kiệt xuất, người thầy của giai cấp công nhân và dân tộc bị áp bức toàn thế giới. Lenin đặc biệt chú ý và đưa ra nhiều luận điểm quan trọng về phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc.
Là một nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Lenin đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động toàn thế giới, đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, đấu tranh cho hòa bình, độc lập, tự do của các dân tộc.
Lenin đã phát triển toàn diện và sáng tạo học thuyết Mác và nâng lên thành chủ nghĩa Mác - Lenin ngày nay. Lenin đã biến học thuyết của C.Mác và Ph.Ăng-ghen thành hiện thực: tiến hành thành công cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước Nga, đất nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Tên tuổi của V.I.Lenin mãi mãi gắn liền với phong trào cộng sản Nga và quốc tế.
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 dưới sự lãnh đạo thiên tài của Lenin đã mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc bị áp bức, có ảnh hưởng to lớn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam.
Ngày 21/1/2008: Tiếng Eyak ở Alaska đã bị tuyệt chủng sau khi Marie Smith Jones, người cuối cùng nói thứ tiếng này qua đời, một sự kiện đã trở thành biểu tượng trong cuộc chiến bảo tồn những ngôn ngữ sắp bị biến mất của thế giới.
Ngày 21/1/1931: Ngài Isaac Isaacs trở thành người đầu tiên sinh ra tại Úc được bổ nhiệm làm Toàn quyền Úc.
Ngày 21/1/1793: Vua Louis XVI của Pháp bị hành quyết bằng máy chém tại Quảng trường Concorde, Paris sau khi bị kết tội phản quốc.
Ngày 21/1/1643: Abel Tasman trở thành người châu Âu đầu tiên đặt chân đến quần đảo Tonga.
Ngày 21/1/1949: Tưởng Giới Thạch tuyên bố từ bỏ chức vụ Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc, Lý Tông Nhân trở thành tổng thống.
Ngày 21/1/1976: British Airways và Air France tiến hành các chuyến bay thương mại đầu tiên bằng máy bay Concorde.
* Sự kiện, kỷ niệm về Bác Hồ
Ngày 21/1/1926, nhân hai năm ngày V.I.Lênin mất, Nguyễn Ái Quốc, lúc này đang hoạt động ở Trung Quốc đã viết bài báo “Lênin và phương Đông” đăng trên tờ “Tiếng Còi” (Liên Xô) trong đó khẳng định: “Lênin là người đầu tiên đã đặt cơ sở cho một thời đại mới, thật sự cách mạng trong các nước thuộc địa… Đối với tất cả các dân tộc bị áp bức và bị nô dịch, Lênin đã thể hiện một bước ngoặt trong lịch sử cuộc đời đau khổ và bị mất quyền của họ, là tượng trưng cho một tương lai mới, xán lạn”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình cụ Nguyễn Thị Khánh (phố Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội), ngày 30-1-1957. Ảnh tư liệu |
Ngày 21/1/1946, Bác kêu gọi đồng bào và các đoàn thể làm thế nào để chia sẻ cuộc vui Xuân mừng Tết với: “Những chiến sĩ oanh liệt ở trước mặt trận/ Những gia quyến của các chiến sĩ/ Những đồng bào nghèo nàn/ Sao cho mọi người đều được hưởng các thú vui về Tết Xuân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập".
“Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”
Câu ấy Bác nói khi trả lời các nhà báo nước ngoài, được đăng trên báo Cứu quốc ngày 21/1/1946. Sau thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành Chủ tịch chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Các nhà báo nước ngoài đặc biệt quan tâm đến tiểu sử của Người, nhất là khi đoán biết người chính là Nguyễn Ái Quốc, một nhà cách mạng từ lâu đã nổi tiếng là chiến sĩ kiên cường đấu tranh cho độc lập dân tộc và cho phong trào cộng sản quốc tế. Họ hỏi Bác về rất nhiều điều, cả lý do và ý định của Bác khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch nước. Bác đã trả lời rằng: “Tôi tuyệt nhiên không ham công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi". (Sách Hồ Chí Minh Toàn tập - Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật - tập 4).
Ngày 21/1/1947, ứng với ngày 30 Tết Đinh Hợi, cái Tết kháng chiến đầu tiên nhưng Bác vẫn chủ trì Chính phủ họp tại phủ Quốc Oai bàn về vấn đề tản cư dân, động viên dân chúng và tăng gia sản xuất.
Ngày 21/1/1966, Bác Hồ về thăm Trại Kim Đồng (Hà Tây) nhân Tết Bính Ngọ.