Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 2/11 trong nước và quốc tế; các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày 2/11.
Sự kiện trong nước:
-Ngày 2/11/1946: bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được trình ra Quốc hội (khoá I) để Quốc hội thảo luận, sửa chữa và thông qua.
Bản Hiến pháp này được Quốc hội thông qua ngày 9/11/1946 tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội (khoá I) với 270 phiếu tán thành trên tổng số 242 phiếu, gồm 7 chương và 70 điều.
Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá I sau ngày Tổng tuyển cử 6/1/1946 |
Với Hiến pháp năm 1946, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, hai tiếng thiêng liêng “công dân” đã được ghi nhận trong văn bản pháp lý cao nhất của quốc gia. Hiến pháp quy định tất cả công dân Việt Nam ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa và đều bình đẳng trước pháp luật, đồng thời hiến định về nghĩa vụ gắn liền với quyền của công dân, đó là người dân được hưởng các quyền do Hiến pháp quy định nhưng phải có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, tôn trọng Hiến pháp và tuân theo pháp luật.
Dù đã hơn 3/4 thế kỷ trôi qua, nhưng tư tưởng vượt thời đại của bản Hiến pháp này vẫn vẹn nguyên những giá trị sâu sắc, đặc biệt là tư tưởng về quyền con người, quyền công dân...
-Từ ngày 2 đến ngày 4/11/1988, tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội, đã tiến hành Đại hội lần thứ ba Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá III gồm có 166 vị, Đoàn chủ tịch có 30 vị, Ban thư ký có 6 vị. Chủ tịch danh dự: Cụ Hoàng Quốc Việt. Chủ tịch: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ.
-Ngày 2/11/1997, bão Linda đổ bộ vào các tỉnh phía Nam và là bão thảm khốc nhất tại miền Nam Việt Nam trong ít nhất 100 năm.
Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đánh giá bão Linda là thiên tai thế kỷ với 21 tỉnh thành bị thiệt hại, “nặng nề nhất là về sinh mạng, phương tiện tàu thuyền, cơ sở vật chất và mùa màng”. Toàn khu vực có hơn 770 người chết, 2.120 người mất tích, 1.230 người bị thương, chủ yếu là ngư dân. Hơn 3.000 tàu bị đánh chìm. 107.890 nhà bị đánh sập, 120.000 ha nuôi trồng thủy sản và 320.000 ha lúa bị ngập. Ước tính thiệt hại vật chất là 7.200 tỷ đồng. Trong đó, riêng Cà Mau có 128 người chết, 1.164 người mất tích và 600 người bị thương.
Cơn bão này bên cạnh gây ra những thiệt hại chưa từng có cũng để lại nhiều bài học sâu sắc về công tác ứng phó, phòng chống và giảm nhẹ hậu quả thiên tai. Trong đó phải nâng cao khả năng ứng phó tại chỗ của người dân và chính quyền. Phải tăng cường công tác thông tin, liên lạc, dự báo, cảnh báo. Đặc biệt phải trang bị phương tiện, thiết bị liên lạc cho mỗi tàu thuyền khi ra khơi. Nâng cao chất lượng công tác dự báo, áp dụng đưa khoa học kỹ thuật vào dự báo và dự báo phải càng chi tiết, càng sớm càng tốt.
-Ngày 2/11/2010: Cờ “Thăng Long-Hà Nội 1.000 năm tuổi” được cắm trên đỉnh Fansipan. Đây là một trong các sự kiện của Chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, cũng là lần đầu tiên cờ Tổ quốc và cờ lễ hội cấp quốc gia được cắm trên đỉnh núi Fansipan.
Cờ cắm trên đỉnh Fansipan được gọi là Đại linh kỳ do Sở Văn hóa- Thể thao- Du lịch Hà Nội trao có thêu biểu tượng Khuê Văn Các cùng đôi rồng thời Lý chầu hai bên và dòng chữ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.Vận động viên Nguyễn Tiến Vững, thuộc khối doanh nghiệp 8 tỉnh Tây Bắc là người về nhất chặng 2 ở điểm cao 2.800m trong Chương trình leo núi cắm cờ “Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm tuổi” được vinh dự cắm cờ trên đỉnh Fansipan.
Sự kiện quốc tế:
-Ngày 2/11: Ngày quốc tế về Chấm dứt quyền miễn trừ đối với tội ác chống lại các nhà báo (International Day to End Impunity for Crimes against journalists- IDEI). Đây là ngày được Liên hợp quốc công nhận. Ngày IDEI ra đời để kêu gọi bảo vệ các nhà báo, người thực hiện nhiệm vụ quan trọng
Theo báo cáo của UNESCO, từ 2006 đến 2020 có trên 1.200 nhà báo bị giết trên khắp thế giới. Với gần 9 trong số 10 trường hợp giết người này vẫn chưa được giải quyết về mặt tư pháp. Vì vậy chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế đã kêu gọi bảo vệ các nhà báo. Đi kèm với thông điệp “Không dễ dàng tha thứ cho các tội ác chống lại nhà báo”. Đó là nguyên nhân ngày 2/11 hằng năm được ra đời.
-Ngày 2/11/1965, tại Washington DC (thủ đô nước Mỹ), trước cửa toà nhà làm việc của Bộ Quốc phòng Mỹ, anh Norman Morrison ôm chặt con gái út Emily mới được 18 tháng vào ngực. Sau khi hôn con lần cuối cùng, anh tẩm xǎng vào mình và châm lửa tự đốt để phản đối chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Nǎm đó, Norman Morrison - một chiến sĩ hoà bình Mỹ, mới 31 tuổi. Anh mất đi để lại vợ và 3 con.
Xúc động vô hạn trước hành động dũng cảm đầy nghĩa hiệp của Norman Morrison, từ Việt Nam, nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác bài thơ “Emily con” để ngợi ca sự hy sinh cao cả của anh và chia sẻ sự đồng cảm với anh về tình yêu của một người cha dành cho con trước khi quyết tử. Khi bà Anne- vợ ông và các con tới thăm Việt Nam vào năm 1999, họ đã gặp nhà thơ Tố Hữu.
-Ngày 2/11/1886: Bằng sáng chế được cấp cho kỹ sư người Đức Karl Benz. Chiếc ô tô đầu tiên trên thế giới có tên là Motowagen, có 3 bánh, chạy bằng động cơ đốt trong với vận tốc khoảng 16km/h.
Ban đầu, chiếc Motowagen bị chế giễu bởi “xe gì mà không có ngựa kéo”, tuy nhiên đến năm 1888 đã hầu như thay thế hoàn toàn những chiếc xe ngựa tại Đức và Pháp. Những chi tiết trên chiếc ô tô đầu tiên như bộ chế hòa khí, chân ga, bugi, bộ đánh lửa… vẫn là cấu phần quan trọng của ô tô hiện đại.
-Ngày 2/11/1936: Hãng truyền thông BBC của Anh chính thức phát sóng truyền hình độ nét cao đầu tiên từ một studios đặc biệt được hãng thiết kế và đặt tại Alexandra Palace, phía bắc thủ đô London.
- Ngày 2/11/1988, con sâu máy tính đầu tiên mới được tung ra. Sâu máy tính là thuật ngữ được sử dụng lần đầu năm 1975, bắt đầu từ một tiểu thuyết giả tưởng. Con sâu này tên là Morris, được phát triển bởi sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học máy tính tại Đại học Cornell là Robert Tappan Morris. Sau khi xuất hiện trên Internet, sâu Morris lây lan tới 1/10 số máy tính được nối mạnh trên toàn thế giới. Sâu máy tính khác với virus máy tính ở đặc điểm không cần chương trình chủ. Nhờ đó sâu máy tính có thể chạy độc lập, chủ động thực hiện các cuộc tấn công mạng.
-Ngày 2/11/2000: Trạm vũ trụ quốc tế đón tiếp những “cư dân” đầu tiên. Hôm đó là một ngày đặc biệt trong quá trình hoạt động của trạm vũ trụ không gian quốc tế ISS. Con tàu vũ trụ mang tên “Liên minh TM 31” của Nga chở đội bay đầu tiên (Nga-Mỹ) lên làm việc trên ISS, mở ra một trang mới trong lịch sử chinh phục khoảng không vũ trụ của nhân loại.
Đoàn phi hành gia gồm 3 nhà thành viên với mục tiêu lớn nhất mà họ hướng tới trong thời gian 136 ngày, 17 giờ, 9 phút lưu trú tại đây là cung cấp cái nhìn rõ ràng, chi tiết hơn về tác động của môi trường không trọng lực đối với cơ thể con người. Cho đến nay, đã có hơn 200 người sống và làm việc trên Trạm ISS.
Trạm vũ trụ quốc tế ISS |
Trạm Vũ trụ quốc tế là kết quả của sự hợp nhất giữa 2 dự án vũ trụ lớn là Trạm Vũ trụ Tự do của Mỹ và Trạm Vũ trụ Hòa bình 2 của Nga. ISS được phát triển với mục đích nghiên cứu cuộc sống của con người trong môi trường vũ trụ, tạo tiền đề khám phá vũ trụ.
-Ngày 2/11/1936: Nhà độc tài người Ý Benito Mussolini tuyên bố thành lập trục Rome-Berlin, sự khởi đầu của liên minh trục với tham vọng thống trị các quốc gia và dân tộc khác không chỉ hàng chục mà hàng trăm năm. Tuy nhiên vào cuối tháng 4/1945, khi đế chế của Hitler sắp cáo chung, Mussolini và tình nhân Clara Petacci của ông đã cố gắng chạy sang Thụy Sĩ, nhưng cả hai đều bị bắt giữ bởi thành viên Đảng Cộng sản Ý và bị xử bắn vào ngày 28 tháng 4 năm 1945 gần Hồ Como. Thi thể của ông sau đó được đưa tới Milan và treo ngược trên quảng trường để mọi người chứng kiến, thể hiện sự khinh bỉ.
Sự kiện về Bác Hồ
-Ngày 2/11/1959: “… chớ nên cái gì tốt thì dành cho mình, xấu để cho người khác”
Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài nói tại hội nghị rút kinh nghiệm công tác quản lý hợp tác xã nông nghiệp toàn miền Bắc, đăng trên Báo Nhân dân, số 2056, ngày 2/11/1959.
Lời dạy của Bác trong thời điểm này, không những chỉ ra những hạn chế, biện pháp khắc phục mà còn là lời căn dặn, nhắc nhở đối với toàn thể cán bộ làm công tác quản lý nhà nước ta nói chung và quản lý hợp tác xã nông nghiệp nói riêng, kịp thời chấn chỉnh những nhận thức, quan điểm lệch lạc của một số tổ chức và cá nhân trong phương thức làm ăn mới, góp phần vào xây dựng tính tập thể, tình đoàn kết toàn dân thành một khối đại đoàn kết dân tộc, tạo cơ sở cho nông nghiệp miền Bắc phát triển và đi lên chủ nghĩa xã hội; đồng thời, để cho mỗi cá nhân trong tập thể “tự soi, tự sửa”, xây dựng ý thức và hành động của bản thân, mình vì mọi người, tất cả vì miền Nam ruột thịt, góp phần vào thắng lợi của cách mạng miền Nam.
Học tập và làm theo lời Bác dạy, đòi hỏi mỗi tổ chức, cá nhân phải luôn đề cao tình đồng chí, đồng đội, biết chia sẻ khó khăn, biết trân trọng những thành quả, quyết tâm khắc phục những hạn chế, thiếu sót, không mắc bệnh “thành tích”, không háo danh, phô trương, không tranh công đổ lỗi cho người khác, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.
-Ngày 2/11/1956: Bác đến thăm Đại hội toàn quốc lần thứ II Đoàn Thanh niên cứu quốc (nay là Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh). Nói chuyện với Đại hội, Bác căn dặn: Thanh niên phải gương mẫu 4 điểm: (i) Giữ vững đạo đức cách mạng, khiêm tốn, cần cù, hăng hái, dũng cảm. Phải tránh tư tưởng kiêu ngạo, công thần, tự tư tự lợi; (ii) Xung phong trong mọi công tác; (iii) Cố gắng học tập chính trị, văn hoá, nghề nghiệp để tiến bộ mãi; (iv) Luôn rèn luyện thân thể cho khoẻ mạnh. Khoẻ mạnh thì mới có đủ sức tham gai một cách dẻo dai bền bỉ những công việc ích nước, lợi dân.
Bác Hồ tại Đại hội toàn quốc lần thứ II Đoàn Thanh niên cứu quốc (tháng 11/1956) |
-Ngày 2/11/1922, trên báo “L’ Humanité” (Nhân Đạo) của Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Sự chăm sóc ân cần” bằng một giọng văn châm biếm tố cáo những chính sách cai trị của thực dân và phản bác lại những luận điệu tuyên truyền của Toàn quyền Đông Dương Albert Pierre Sarraut
- Ngày 2/11/1964, Bác viết bài “Cần phải chăn nuôi tốt trâu bò” đăng trên báo “Nhân Dân”, với bút danh “T.L.”. Bác nêu tầm quan trọng của loại đại gia súc gắn liền với cơ nghiệp của người nông dân cần được chăm sóc, đặc biệt là chống rét. Bài báo cũng biểu dương những gương tốt để bà con học tập.
Sự kiện hôm nay:
- Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV tiếp tục làm việc, thảo luận ở tổ về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Nghe báo cáo về dự án Luật Giá (sửa đổi).
- Khai mạc Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung (Lạng Sơn 2022). Hội chợ diễn tại Trung tâm Hội chợ thương mại Lạng Sơn, số 2A, đường Tam Thanh, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn đến ngày 9/11/2022
-Lễ công bố sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình.