Ngày này năm xưa 18/12: Quốc hội ban hành Hiến pháp năm 1980 Ngày này năm xưa 19/12: Ngày Toàn quốc kháng chiến |
Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 20/12 trong nước và quốc tế; các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày 20/12.
* Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
- Ngày 20/12/1963, khánh thành lò cao số 1 khu gang thép Thái Nguyên. Tại buổi lễ cắt băng khánh thành, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: Sự ra đời khu gang thép Thái Nguyên là thành quả lao động quên mình, một tiến bộ lớn của nhân dân miền Bắc nước ta trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là món quà quý báu của cán bộ, công nhân viên khu gang thép Thái Nguyên và nhân dân miền Bắc tặng đồng bào, chiến sỹ miền Nam yêu quý đang anh dũng chiến đấu trên tuyến đầu của tổ quốc.
- Ngày 20/12/1994, khánh thành Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình sau 15 năm xây dựng công trình, trong đó có 9 năm vừa quản lý vận hành vừa giám sát thi công các tổ máy. Một số dấu mốc quan trọng trong xây dựng Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình: Ngày 6/11/1979 giải phóng mặt bằng bên sông; ngày 12/1/1983 ngăn sông Đà đợt 1; ngày 9/1/1986 ngăn sông Đà đợt 2; ngày 30/12/1988 tổ máy số 1 hòa lưới điện quốc gia; ngày 4/4/1994 tổ máy số 8 hòa lưới điện quốc gia.
- Ngày 20/12/2015, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) chính thức có hiệu lực. Sau khi Việt Nam và Hàn Quốc chính thức ký VKFTA tại Hà Nội vào ngày 5/5/2015, hai Bên đã khẩn trương triển khai thủ tục phê duyệt nội bộ tại mỗi nước. Ngày 16/12/2015, Bộ Ngoại giao hai nước đã trao đổi công hàm về ngày hiệu lực của VKFTA. Ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc sẽ có điều kiện khai thác các ưu đãi thương mại, đầu tư mà hai nước dành cho nhau trong Hiệp định, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư song phương.
- Ngày 20/12/2020, Nhà máy thủy điện Lai Châu (thuộc Công ty Thủy điện Sơn La) đã cung cấp lên hệ thống điện quốc gia 20 tỷ kWh điện, lập thành tích chào mừng 66 năm Ngày Truyền thống ngành Điện lực Việt Nam. Công trình Thủy điện Lai Châu có 3 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200MW, với sản lượng phát điện trung bình hàng năm là 4,67 tỷ kWh.
Thủy điện Lai Châu là một trong số 6 Nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2012/QĐ-TTg ngày 24/10/2016. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 16/4/2019, đưa công trình Nhà máy Thuỷ điện Lai Châu vào Danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh Quốc gia.
Ngày 20/12/1994, Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình khánh thành |
- Ngày 20/12/2021, ban hành Thông tư số 25/2021/TT-BCT của Bộ Công Thương về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 33/2019/TT-BCT ngày 22/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc Quy định Hệ thống tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
- Ngày 20/12/1946, tại Hang Trầm (huyện Chương Mỹ, Hà Tây), Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến".
- Ngày 20/12/1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên), tỉnh Tây Ninh, đại biểu các giai cấp, dân tộc, tôn giáo, đảng phái đã họp và quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
- Ngày và đêm 20/12/1972, lực lượng tự vệ đã bắn rơi 13 máy bay, trong đó có 4 chiếc B52, 2 chiếc F4, 3 chiếc A7, 2 chiếc F111.
- Ngày 20/12/1930, ngày sinh nhà vǎn Phan Tứ, tên thật là Lê Khâm, quê ở tỉnh Quảng Nam, qua đời nǎm 1995. Phan Tứ viết nhiều thể loại, nhưng chủ yếu là tiểu thuyết. Các tác phẩm có tiếng: Bên kia biên giới, Trước giờ nổ súng, Về làng, Trại ST 18. Thành công hơn cả hai tập tiểu thuyết: Gia đình má Bảy (nǎm 1968), Mẫn và tôi (nǎm 1972).
- Ngày 20/12/1907, ngày sinh Ông Đỗ Ngọc Du. Ông sinh tại thị xã Hải Dương, quê chính ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội, nhà hoạt động Cách mạng, từng làm bí thư xứ uỷ Bắc Kỳ kiêm Bí thư Thành uỷ Hà Nội (nǎm 1929). Ông mất tháng 1/1938.
- Ngày 20/12/1873, ngày mất Nguyễn Tri Phương, Đại thần triều Nguyễn, Tổng đốc thành Hà Nội, quê ở tỉnh Thừa Thiên.
* Sự kiện quốc tế
- Ngày 20/12/1991, Hội nghị Alma Ata tuyên bố thành lập Cộng đồng các quốc gia có chủ quyền (SNG). Có nguyên thủ 11 nước cộng hoà thuộc Liên Xô tham dự gồm: Âudơbekixtan, Ucraina, Agiécbaidan, Bêlorútxia, Agiécbaidan, Acmênia, Cadắcxtan, Kiếcghidixtan, Mônđavia, Tuốcmenixtan, Tadikixtan và Gruzia tham gia với tư cách quan sát viên, Liên bang Xô Viết chấm dứt hoạt động (1922-1991) từ đó.
- Ngày 20/12/1999, Bồ Đào Nha chuyển giao chủ quyền Ma Cao cho Trung Quốc.
- Ngày 20/12/1917, Ủy ban Đặc biệt toàn Nga (Cheka), cơ quan mật vụ của nước Nga Xô Viết, được thành lập.
- Ngày 20/12/1915, ngày sinh của Aziz Nesin- nhà văn nổi tiếng người Thổ Nhĩ Kỳ. Ông chuyên viết truyện với phong cảnh châm biếm, hài hước. Aziz Nesin để lại kho tàng tác phẩm đồ sộ, lên đến hơn 100 cuốn sách. Bên cạnh viết sách, Aziz Nesin cũng tham gia các hoạt động thiện nguyện xã hội và tham gia chính trị. Bản quyền tất cả các cuốn sách của ông được trao cho Quỹ Nesin là một quỹ bảo trợ trẻ em nghèo.
- Ngày 20/12/1999, Bồ Đào Nha trao trả Ma Cao cho Trung Quốc sau gần 500 năm vùng đất này do Bồ Đào Nha quản lý.
* Sự kiện, kỷ niệm về Bác Hồ
- Ngày 20/12/1946, lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” vang vọng trên Đài tiếng nói Việt Nam. Đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra lời kêu gọi "Toàn quốc kháng chiến", khẳng định: "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!". Đây là lời hiệu triệu mãnh liệt, là kết tinh truyền thống yêu nước hàng ngàn năm của dân tộc được hội tụ và lan tỏa sức mạnh thông qua vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, là biểu hiện mạnh mẽ sức mạnh chính trị - tinh thần của dân tộc Việt Nam trong trong thời đại mới.
Trong Toàn quốc kháng chiến, ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập tự do, cuộc sống của cả dân tộc vừa vươn lên làm chủ là động lực to lơn, trực tiếp để nhân dân ta đứng lên chống quân thù. Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm cuộc cách mạng "long trời lở đất", lần đầu tiên trong lịch sử, từ thân phận bị nô lệ, bị áp bức bóc lột đã giành chính quyền về tay mình, làm chủ và xây dựng xã hội mới. Đó là mơ ước, là khát vọng cháy bỏng của Nhân dân, của cả dân tộc Việt Nam mà đến khi cách mạng tháng Tám thắng lợi mới trở thành hiện thực.
- Ngày 20/12/1950, tại Chiến khu Việt Bắc, Bác tiếp Đoàn đại biểu Liên khu IV do Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Liên khu IV làm Trưởng đoàn. Cùng ngày, Bác ký Sắc lệnh về việc truy tố trước Tòa án Quân sự những kẻ đầu cơ tiền tệ, làm tiền giả và các tội phá hoại nền tài chính quốc gia.
- Ngày 20/12/1954, trong bài báo có nhan đề “Từ ngày nhân dân ta bắt đầu kháng chiến, đế quốc Mỹ đã nhúng tay vào chiến tranh xâm lược Đông Dương”, với bút danh “C.B”, Bác khẳng định: “Sự can thiệp của đế quốc Mỹ đã làm cho cuộc chiến đấu của nhân dân Đông Dương kéo dài và gặp thêm nhiều khó khăn, nhưng chúng không thể ngăn cản nổi nhân dân Đông Dương đánh cho bọn xâm lược những đòn chí tử, không ngăn cản nổi nhân dân Đông Dương giành những thắng lợi oanh liệt và nhất định sẽ thu được thắng lợi cuối cùng”.
- Ngày 20/12/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ khai mạc Đại hội thể dục, thể thao toàn quân lần thứ nhất tại Sân vận động Hàng Đẫy (Hà Nội).
- Ngày 20/12/1961, Bác đến thăm và nói chuyện với Đại hội lần thứ hai của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
- Ngày 20/12/1963, trả lời các nhà báo Xô viết nhân kỷ niệm 3 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Bác nêu rõ: “Do sự đoàn kết chặt chẽ và chiến đấu anh dũng của mình và sự nhiệt tình ủng hộ của nhân dân yêu chuộng chính nghĩa và hòa bình trên thế giới, nhân dân miền Nam Việt Nam nhất định sẽ thắng lợi, đế quốc Mỹ và bọn tay sai nhất định sẽ thất bại”.
- Ngày 20/12/1966, trong “Thư khen Hợp tác xã Tân Phong (Thái Bình) đạt năng suất lúa cao nhất miền Bắc” Bác viết: “Bác nhắc các cô, các chú xã viên và cán bộ Tân Phong không nên chủ quan tự mãn với những thắng lợi bước đầu... Nội bộ phải đoàn kết chặt chẽ và thật sự dân chủ...”.