Ngày này năm xưa 15/12: Thành lập Công ty Tài chính Dệt - May, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII |
Ngày này năm xưa 17/12 với những sự kiện trong nước, quốc tế và ngành Công Thương cùng những sự kiện về Bác
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 17/12/1946: Từ 7h đến 12h, máy bay thám thính Pháp bay dò xét bầu trời thành phố Hà Nội. Chúng đem xe ủi đất và cần trục tới phá các ụ chiến đấu của anh em tự vệ phố Lò Đúc, nã đại bác vào phố Hàng Bún, Yên Ninh làm sập những dẫy nhà, hàng trǎm người bị giết hại.
Ngày 17/12/1980: Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội (skda.edu.vn) được thành lập trên cơ sở sáp nhập các ngành thuộc khối nghệ thuật của Trường Điện ảnh Việt Nam và Trường Sân khấu Việt Nam. Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực đại học, sau đại học, hoạt động chuyên sâu trong các lĩnh vực nghệ thuật sân khấu, điện ảnh.
17/12/1923: Ngày mất nhà yêu nước Trần Xuân Soạn, ông sinh nǎm 1849, quê ở Thanh Hoá. Nǎm 1885, kinh thành Huế thất thủ, ông cùng Đại thần Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi ra Hà Tĩnh, rồi về Thanh Hoá chỉ đạo kháng chiến. Khi nghĩa quân suy yếu, ông sang Trung Quốc, tìm gặp Tôn Thất Thuyết ở Long Châu nhằm tổ chức các toán quân về hoạt động ở biên giới.
Ngày 17/12/1985: Thiếu tướng, giáo sư, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp qua đời, ông sinh năm 1906 tại Hà Nội. Năm 26 tuổi ông đã là trợ lý giảng dạy bộ môn giải phẫu trường Đại học Y khoa Hà Nội. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp đã có nhiều đóng góp cho ngành quân y, từ cấp cứu, điều trị thương binh, phụ trách bệnh viện đến tổ chức đào tạo cán bộ. Ông đã viết nhiều sách và có nhiều công trình nghiên cứu về y học. Nổi bật nhất là bộ sách giáo khoa về giải phẫu học (gồm 4 tập) có giá trị lớn cả về thực tiễn mà ông đã biên soạn trong gần 20 năm. Giáo sư Đỗ Xuân Hợp được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 1996.
Ngày 17/12/2008: Bộ trưởng Bộ Công Thương có Quyết định số 46/2008/QĐ-BCT ban hành Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển ngành Công Thương Việt Nam”. Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển ngành Công Thương Việt Nam” là hình thức khen thưởng của Bộ Công Thương ghi nhận công lao của các cá nhân có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Công Thương Việt Nam.
Tiêu chuẩn được xét tặng Kỷ niệm chương là những cá nhân đã hoặc đang công tác tại các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, bao gồm cả các doanh nghiệp thuộc Bộ; những cá nhân đã hoặc đang công tác tại các đơn vị quản lý nhà nước về công thương ở địa phương; những người trực tiếp làm công tác công thương tại các cơ quan, đơn vị ngoài ngành Công Thương đang làm việc hoặc đã chuyển sang ngành khác, đã nghỉ chế độ, nghỉ hưu, có đủ thời gian công tác trong ngành là 20 năm đối với nam, 15 năm đối với nữ và 10 năm đối với những người trực tiếp lao động trong các nghề độc hại, nguy hiểm.
Những cá nhân trong ngành Công Thương có từ 3 công trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp ngành hoặc có 5 Bằng Lao động sáng tạo được áp dụng vào sản xuất thì thời gian tính thâm niên công tác là 15 năm đối với nam, 10 năm đối với nữ.
Ngày 17/12/2010: Nhà máy thuỷ điện Sơn La đưa tổ máy số 1 có công suất 400 MW vào hoạt động, phát điện hoà lưới điện quốc gia và chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
Công trình Thuỷ điện Sơn La |
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 39/NQ-CP về việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, thông qua phương án đơn giản hoá thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương.
Sự kiện quốc tế:
Ngày 17/12/1865: Giao hưởng số 8 cung Si thứ của thiên tài âm nhạc người Đức Franz Schubert được trình diễn lần đầu tiên. Bản giao hưởng này được Schubert viết năm 1822 nhưng ông không bao giờ hoàn thành nó. Bởi vậy bản giao hưởng này còn được gọi là bản giao hưởng dang dở. Mấy chục năm sau khi Franz Schubert mất, bản thảo tác phẩm này mới được tìm thấy và được mang ra trình diễn.
Ngày 17/12/1938: Nhà hóa học người Đức Otto Hahn khám phá ra phản ứng phân hạch hạt nhân của nguyên tố urani nặng, nền tảng khoa học và kỹ thuật của năng lượng hạt nhân. Ông được trao giải Nobel hoá học năm 1944 và được coi là cha đẻ của hoá học hạt nhân.
17/12/1778: Ngày sinh Humphry Davy. Ông sinh ra tại nước Anh, bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu khoa học từ nǎm 20 tuổi. Là người sáng lập ngành khoa học mới điện khí hoá học, là người tìm ra phương pháp điện phân muối của các kim loại, ông cũng chứng minh được bản chất nguyên tố Clo.
17/12/1947: Máy bay ném bom chiến lược Boeing B-47 Stratojet tiến hành chuyến bay đầu tiên. Đây là một kiểu máy bay tầm trung có tải trọng bom trung bình, có khả năng bay nhanh ở tốc độ cận âm, được thiết kế chủ yếu để xâm nhập lãnh thổ Liên Xô. Một sáng chế quan trọng trong thiết kế máy bay phản lực thời kỳ hậu thế chiến II, nó đã giúp đưa đến việc phát triển máy bay phản lực dân dụng hiện đại. B-47 hoạt động từ năm 1951 đến năm 1985.
Sự kiện về Bác Hồ
Ngày 17/12/1921: Mật thám Pháp bám sát mọi hành trang của Nguyễn Ái Quốc, cho biết đảng viên thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp mới thành lập này đã dự cuộc họp Chi bộ quận 17 và phát biểu về nguồn gốc chiến tranh và phê phán Thủ tướng Pháp Poanhcarê đã bỏ trách nhiệm trước những động thái của quân Đức.
Ngày 17/12/1945: Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo tại Hội đồng Chính phủ về những yêu sách của Việt Nam Quốc dân đảng liên quan đến Tổng tuyển cử và quyết định hoãn cuộc tuyển cử đến ngày 6/1/1946.
Ngày 17/12/1949: Bác điều khiển cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, khi tổng kết phiên họp đã chỉ thị: “1. Cần hợp lý hóa việc họp hành; 2. Chính quyền và đoàn thể nhân dân phải liên lạc mật thiết và thiết thực hơn nữa. Làm cho mọi người dân đều hiểu về chính sách của Chính phủ; 3. Hoạt động của các bộ phải ăn khớp với nhau; 4. Tổ chức thi đua ái quốc giữa các bộ”. Cùng ngày, Bác ký Sắc lệnh thành lập Cơ quan Thanh tra Chính phủ cử Hồ Tùng Mậu làm Tổng Thanh tra và Trần Đăng Ninh làm Phó Tổng Thanh tra.
Ngày 17/12/1951, trong bài viết “Mình làm mình chịu” của Bác đăng trên Báo Cứu Quốc, sau khi phân tích chính sách gây chiến của Mỹ, bài báo kết luận: “Mỹ gieo hạt chiến tranh thì được hứng chiến tranh”.
Ngày 17/12/1958: "Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong".
Là lời Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong tác phẩm "Đạo đức cách mạng", đăng trên Tạp chí Học tập (nay là tạp chí Cộng sản) số 12 năm 1958; với nỗi day dứt, trăn trở trước yêu cầu phát triển của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân, không làm được cách mạng. Muốn có đạo đức mạng phải rèn luyện thường xuyên, bền bỉ trong mọi hoạt động thực tiễn; phải tỉ mỉ công phu mới có được phẩm chất đạo đức tốt và ngày càng được bồi đắp, nâng cao.
Sự kiện hôm nay 17/12/2022
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức” tổ chức tại Hà Nội.
Hội thảo Văn hoá 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" tổ chức tại Bắc Ninh.
Bắt đầu Tuần lễ khoa học – công nghệ VinFuture 2022 (đến 21/12) với việc trao Giải thưởng VinFuture - Giải thưởng vinh danh những thành tựu khoa học công nghệ và phát minh có tiềm năng.
TOTO Architect Talk 2022 với chủ đề “Khơi nguồn chất mới” - sự kiện nổi bật cho cộng đồng kiến trúc Việt Nam tổ chức tại Hà Nội có sự tham gia của nhiều kiến trúc sư hàng đầu thế giới.
Hội nghị quốc gia lần thứ XXV về điện tử, truyền thông và công nghệ thông tin diễn ra tại Hà Nội.