Chuyên mục “Ngày này năm xưa” trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương và quốc tế; các sự kiện, kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 17/10.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày này năm xưa 17/10/2013, Chính phủ ban hành Nghị định 134/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nghị định này quy định hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; thủ tục và thẩm quyền xử phạt vi phạm trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Ngày này năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực - Ảnh minh họa |
Ngày 17/10/2007, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định số: 1518/QĐ-TĐC về việc ban hành phương pháp lấy mẫu xăng dầu.
Ngày 17/10/2000, hưởng ứng ngày Quốc tế Xóa nghèo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và chính thức công bố lấy ngày 17/10 hàng năm là “Ngày vì người nghèo”, và tổ chức “Tháng cao điểm vì người nghèo” từ ngày 17/10 đến ngày 18/11 hàng năm.
Ngày 17/10/503 (tức ngày 12/9 năm Quý Mùi), Ngày sinh của vua Lý Nam Đế. Vua tên húy là Lý Bí, quê ở huyện Long Hưng, tỉnh Thái Bình. Ông là người có tài kiêm văn võ, được tôn là thủ lĩnh địa phương. Năm 542, ông lãnh đạo nhân dân khởi binh, tấn công quân Lương đô hộ nước ta. Chỉ trong vòng 3 tháng, Lý Bí đã đánh chiếm được hầu hết các quận huyện và quét sạch quân Lương đô hộ nước ta. Năm 544, ông lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân và đóng đô ở Long Biên. Ông mất năm 548.
Ngày 17/10/1634, ngày mất của danh sĩ Đào Duy Từ. Đào Duy Từ sinh năm 1572 ở làng Hoa Trai, Ngọc Sơn, Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Ông thông kinh sử, tinh thông lý số và binh thư đồ trận, được chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên trọng dụng, phong làm Nội tán. Năm 1630, ông đề xuất việc đắp luỹ Trường Dục ở huyện Phong Lộc, Quảng Bình. Năm sau, ông lại đắp thêm một luỹ nữa từ của biển Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu, thị xã Đồng Hới, Quảng Bình (tục gọi là Luỹ Thầy). Ông viết bộ binh thư “Hổ trướng khu cơ” và hai khúc ngâm “Ngọa Long cương vãn” và “Trẻ Dung văn”, trong đó, khúc ô ngâm “Ngọa long cương vãn” dài 136 câu lục bát được phổ biến trong lịch sử văn học.
Ngày 17/10/1808, ngày sinh của Cao Bá Quát. Ông sinh ra tại làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội, là người có tài nhưng bị sự ghen ghét của quan trưởng nên ông chỉ đỗ cử nhân. Bất bình với triều đình về nhiều mặt, năm 1854, ông tham gia phong trào lãnh đạo nông dân khởi nghĩa do Lê Huy Cự làm thủ lĩnh, nổi dậy ở Mỹ Lương (vùng Mỹ Đức, Chương Mỹ, Hà Nội ngày nay). Cuộc khởi nghĩa thất bại, Cao Bá Quát hy sinh năm 1855. Người đương thời đã suy tôn ông là "Thánh Quát". Ông nổi tiếng về chữ đẹp, còn để lại bút tích đến ngày nay.
Ngày 17/10/1954, Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru (Nê-ru) thăm Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một vị Nguyên thủ quốc gia nước ngoài đến thăm Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Ngày 17/10/1954 Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru có chuyến thăm Việt Nam và nói chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Ngày 17/10/1887, Thực dân Pháp hoàn thành xâm lược nước ta, thống nhất Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ và Campuchia thành thứ gọi là “Liên bang Đông Dương”. Tới năm 1893, chúng sáp nhập nốt Lào.
Ngày 17/10/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên”.
Sự kiện quốc tế
Ngày 17/10/1987, tổ chức lần đầu ngày Quốc tế Xóa nghèo, khoảng 100.000 người đã tập họp tại “Sân Nhân quyền và Tự Do” ở Quảng trường Trocadéro, Paris, Pháp, để vinh danh các nạn nhân của nghèo, đói, bạo lực và sợ hãi, theo lời kêu gọi của linh mục Joseph Wresinski (1917–1988). Họ tuyên bố rằng nghèo đói là một vi phạm nhân quyền và khẳng định sự cần thiết phải đến với nhau để đảm bảo rằng các quyền được tôn trọng. Những niềm tin được ghi trong một hòn đá kỷ niệm công bố vào ngày này. Kể từ đó, mọi người thuộc mọi tầng lớp, niềm tin và nguồn gốc xã hội đã tập hợp hàng năm vào ngày 17/10 để nhắc lại những cam kết của mình và thể hiện tình đoàn kết với người nghèo. Ngày 22/12/1992, Liên Hợp Quốc chính thức công nhận đây là ngày lễ quốc tế.
Ngày 17/10 hàng năm là ngày Quốc tế Xóa nghèo - Ảnh minh họa |
Ngày 17/10/1849, nhà soạn nhạc Ba Lan Frederic Chopin qua đời. Sinh năm 1819, từ nhỏ Chopin đã bắt đầu học đàn. 19 tuổi, ông bắt đầu sáng tác âm nhạc. 20 tuổi, ông rời Ba Lan sang sống ở Pháp làm thầy dạy nhạc. Những tác phẩm của Chopin có nhiều loại: Cho dàn nhạc, cho nhạc thính phòng và chủ yếu cho đàn piano. Những bản nhạc của ông có tính chất lãng mạn dịu dàng, buồn man mác. Ông đã kết hợp truyền thống cổ điển với dân ca Ba Lan. Một số bản nhạc của ông đã nói lên sự phẫn nộ, căm uất và thương nhớ tổ quốc Ba Lan bị nô dịch. Chopin còn là người cách tân phương pháp biểu diễn piano trong lĩnh vực hòa âm và phối khí.
Ngày 17/10/2003, Tháp Đài Bắc 101 tại Đài Loan đã soán ngôi Petronas Towers tại Malaysia để trở thành tòa nhà cao nhất thế giới lúc bấy giờ.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 17/10/1923, Nguyễn Ái Quốc tham dự kỳ họp đầu tiên của Hội đồng Quốc tế Nông dân (gồm 52 người) và được bầu vào Đoàn Chủ tịch với 11 ủy viên.
Ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 51 quy định thể lệ Tổng tuyển cử cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta.
Ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi "Điện văn gửi Tổng thống Mỹ H. Tơruman (Harry Truman)" qua cơ quan đại diện ở Côn Minh (Trung Quốc), nêu rõ lập trường của Chính phủ Việt Nam, về nguyên tắc là ủng hộ việc thành lập Ủy ban tư vấn đối với khu vực Viễn Đông của Liên hợp quốc; phản đối việc Pháp đại diện cho nhân dân Việt Nam tại ủy ban này. Người nhấn mạnh chỉ có Việt Nam là đủ điều kiện và cơ sở pháp lý cử đại diện vào Ủy ban tư vấn này.
Ngày 17/10/1945 Bác đã viết thư gửi các đơn vị hành chính trong cả nước vạch rõ những thói hư, tật xấu dễ mắc của cán bộ |
Ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi Ủy ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”. Trong thư, Người chỉ rõ: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Với một tinh thần nghiêm khắc nhưng rất chân thành, trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch rõ những thói hư tật xấu dễ mắc phải của lớp cán bộ đầu tiên đó là “làm việc trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo... Từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân nghĩa là để gánh việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị Pháp, Nhật”. Đồng thời, Người cũng nhắc lại nguyên lý: “Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta... Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa”.
Lời căn dặn của Bác năm xưa đã khẳng định chân lý của thời đại mới, thời đại nhân dân làm chủ, Đảng muốn mạnh, chính quyền muốn vững thì đội ngũ “công bộc” phải thực sự là những người dũng cảm, biết nhận sai lầm và ra sức sửa chữa khuyết điểm, sai lầm để xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Thông qua tự phê bình mới gột rửa được những hạn chế, yếu kém, những thói hư tật xấu, làm cho dân tin tưởng, từ đó mới có thể xây dựng một chính quyền “của dân, do dân, vì dân”.
Ngày 17/10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 263/SL-M, cử ông Phạm Văn Đồng làm Đặc phái viên của Chính phủ tại Nam Trung Bộ.
Ngày 17/10/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm đồng bào, cán bộ tỉnh Hà Bắc và dự Đại hội Đảng bộ tỉnh. Phát biểu tại Đại hội, Bác nhấn mạnh vấn đề đoàn kết nhất trí trong Đảng và dặn dò cán bộ phải tuyệt đối tránh địa phương chủ nghĩa, phải nhất trí về tư tưởng, về hành động, về tình cảm. Bác chỉ thị cho Đảng bộ tỉnh Hà Bắc “Từ nay phải có một sự chuyển biến mạnh dạn, mới mẻ và vững chắc trong mọi công tác để giành lấy những thắng lợi ngày càng to lớn hơn”.
Ngày 17/10/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi Trung đội lão dân quân Hoằng Hóa, Thanh Hóa dùng súng trường bắn rơi chiếc máy bay thứ 2.400 của Mỹ trên bầu trời miền Bắc. Bức thư có đoạn “Tôi rất vui mừng được tin... các cụ đã bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 2.400 bằng súng bộ binh. Tôi nhiệt liệt mừng chiến công vẻ vang của các cụ. Với lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù địch sâu sắc, các cụ nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Thật là: Tuổi càng cao, chí càng cao. Đây là một gương sáng cho đồng bào cả nước tiến lên đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân ta đến thắng lợi hoàn toàn”.
Ngày 17/10/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 119-LCT, truy tặng 15 Huân chương Chiến công hạng Nhì; 45 Huân chương Chiến công hạng Ba cho 60 liệt sĩ quân đội và dân quân, tự vệ đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010)