Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 12/6 trong nước, quốc tế và ngành Công Thương; các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày này năm xưa 10/6: Bác Hồ ra “Lời kêu gọi trong dịp 1.000 ngày kháng chiến” Ngày này năm xưa: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc |
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
- Ngày 12/6/1945, Khâm sai Bắc bộ Phan Kế Toại ra nghị định đổi tên trường trung học Bảo hộ ở Hà Nội thành trường Quốc lập Trung học hiệu Chu Vǎn An. Đây là một trong những trường trung học lớn nhất Đông Dương được thành lập từ cuối thế kỷ XIX ở khu vực làng Bưởi. Trường này chủ yếu nhằm đào tạo những viên chức bản xứ theo Tây học cho bộ máy hành chính của thực dân Pháp.
Trường THPT Chu Văn An (phường Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) do chính quyền Pháp xây dựng năm 1908. Ảnh: Vnexpress |
Về lâu dài, trường nhằm đào tạo những thế hệ trí thức Tây học, phục vụ chế độ thuộc địa. Nhưng chính ở đây đã hình thành một trung tâm phong trào yêu nước của học sinh Hà Nội, với thế hệ những học sinh sau này trở thành những chiến sĩ cách mạng xuất sắc như: Nguyễn Vǎn Cừ, Ngô Gia Tự, Đỗ Ngọc Du, Phạm Vǎn Đồng, Lê Vǎn Lương, Hà Huy Giáp...
Ngày 17/2/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định xây dựng trường Chu Văn An trở thành một trong 3 trường trung học phổ thông trọng điểm của Việt Nam cùng với Trường Quốc học Huế và Trường chuyên Lê Hồng Phong Thành phố Hồ Chí Minh.
- Ngày 12/6/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 12/2015/TT-BCT quy định việc áp dụng chế độ cấp Giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép.
Đến ngày 28/8/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 14/2017/TT-BCT bãi bỏ Thông tư số 12/2015/TT-BCT ngày 12/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định việc áp dụng chế độ cấp Giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép.
Theo Thông tư số 14/2017/TT-BCT, thương nhân nhập khẩu một số sản phẩm thép quy định tại Phụ lục số 01 kèm theo Thông tư số 12/2015/TT-BCT làm thủ tục hải quan theo quy định hiện hành và không phải đăng ký giấy phép nhập khẩu tự động của Bộ Công Thương.
- Ngày 12/06/2012, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 12/2012/TT-BCT về Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Amôni Nitrat dùng để sản xuất thuốc nổ Anfo.
- Ngày 12/06/2012, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 13/2012/TT-BCT về Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về thuốc nổ Anfo.
- Ngày 12/06/2007, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 28/2007/QĐ-BCN về Quy chế xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công nghiệp. Đến nay, văn bản này đã hết hiệu lực.
- Ngày 12/06/2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.
- Ngày 12/06/2002, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 26/2002/QĐ-BCN về việc Ban hành tiêu chuẩn ngành (Sợi bông đơn chải thô).
- Ngày 12/06/2001, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 34/2001/QĐ-BCN về việc bổ sung sản phẩm nhôm hợp kim định hình vào danh mục các sản phẩm cơ khí được hưởng ưu đãi ban hành kèm theo Quyết định số 67/2000/QĐ-BCN ngày 20/11/2000 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp.
- Ngày 12/06/1999, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 35/1999/QĐ-BCN về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội.
- Ngày 12/06/1996, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 1614/1996/QĐ-BCN về việc thành lập Tổ công tác xây dựng Luật Điện lực.
Sự kiện quốc tế
- Ngày 12/6/1898, Quốc khánh nước Cộng hòa Philippines.
- Ngày 12/6/1968, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân và kêu gọi các nước phê chuẩn hiệp ước này.
Hiệp ước nhằm ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân và công nghệ vũ khí hạt nhân, thúc đẩy hợp tác trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và đạt mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân.
Ngày 12/6/1990, Tuyên ngôn về chủ quyền quốc gia của Liên bang Nga đã được thông qua, từ đó ngày này trở thành Ngày Quốc khánh của Nga |
- Ngày 12/6/1990, Tuyên ngôn về chủ quyền quốc gia của Liên bang Nga đã được thông qua, từ đó ngày này trở thành Ngày Quốc khánh của Nga. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nước Nga giờ đây đã hình thành hệ thống chính trị dân chủ và nền kinh tế thị trường, bảo đảm tiềm lực quốc phòng và củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế.
- Ngày 12/6/1994, các phi công bay thử nghiệm của Boeing John E. Cashman và Kenny Higgins đã cất cánh chiếc máy bay Boeing 777 - 200 đầu tiên. Chuyến bay thử nghiệm kéo dài 3 giờ 48 phút.
- Ngày 12/6/2018, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa của Singapore, đã kết thúc tốt đẹp với Tuyên bố chung được ký kết. Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore được xem là một “cú hích” vô cùng quan trọng và quý giá cho các bước đi tiếp theo trên con đường bảo đảm an ninh khu vực, thiết lập hòa bình lâu dài cũng như thịnh vượng cho bán đảo Triều Tiên.
Theo dấu chân Người
- Ngày 12/6/1919, hồ sơ của mật thám Pháp cho biết, Nguyễn Tất Thành đang lưu trú tại ngôi nhà số 56 phố “Monsieur le Prince”.
- Ngày 12/6/1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, Nguyễn Ái Quốc bị chuyển từ nhà giam của Sở Cảnh sát sang Nhà tù Victoria.
- Ngày 12/6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Đại hội Đảng bộ Liên khu IV với lời căn dặn: “Hội thì phải nghị, nghị thì phải quyết, quyết thì phải hành” và nhấn mạnh: “Các đồng chí đều là cán bộ cao cấp tức là những người phụ trách vận mệnh an nguy của nước nhà và dân tộc. Vì vậy, mỗi đồng chí phải gắng làm cho đúng năm chữ: Trí, Nhân, Dũng, Nghĩa, Liêm... Nếu thiếu một trong năm điều đó, tức là một khuyết điểm to và ảnh hưởng đến công tác”.
Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 55/SL, cho phép ông Frey, kiều dân Áo, được nhập quốc tịch Việt Nam và lấy tên là Nguyễn Dân.
Ngục Victoria, nơi giam giữ Nguyễn Ái Quốc thời gian Người bị bắt ở Hồng Kông (1931-1933). Ảnh: hochiminh.vn |
- Báo Nhân Dân số 61 ra ngày 12/6/1952 đăng 4 bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh C.B., về một số tấm gương anh hùng, trí thức tiêu biểu.
+ Bài Trần Đại Nghĩa nêu tấm gương nhà trí thức Trần Đại Nghĩa, người đã nhiệt tình từ Pháp xin về nước để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến. Bác viết: “Kỹ sư Nghĩa đã có công to trong việc xây dựng quân giới, luôn luôn gần gũi, giúp đỡ, dạy bảo và học hỏi anh em công nhân, đã thắt chặt lý luận với thực hành”.
+ Bài Nguyễn Quốc Trị nêu tấm gương anh hùng thi đua diệt giặc lập công, đã đánh 95 trận từ Bình Trị Thiên đến Việt Bắc, tự mình diệt hơn 200 tên giặc, bị thương nặng 5 lần mà vẫn không rời bộ đội. Đồng chí Quốc Trị được Đại hội toàn quốc bầu làm Anh hùng quân đội.
+ Bài Nhi đồng với các anh thương binh kể về một nhi đồng khi được gặp anh hùng La Văn Cầu, bị cụt một tay vì đánh giặc bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhi đồng, đã viết thư cho Người và hứa sẽ ra sức học tập, tăng gia, ủng hộ bộ đội nhất là các anh thương binh.
+ Bài Sau Đại hội toàn quốc khen ngợi những thành tích mà anh chị em công nhân và lao động trí óc đã đạt được, đồng thời, Người chỉ ra những khuyết điểm cần phải sửa và tin tưởng chắc chắn anh chị em công nhân lao động trí óc sẽ sửa được, không những thế còn đẩy mạnh phong trào thi đua tiến lên mãi.
- Ngày 12/6/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến trụ sở Phái đoàn đại diện của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hà Nội, chúc mừng thành công của Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam và việc thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng ảnh của Người cho đồng bào và chiến sĩ đảo Cô Tô, Đảng bộ và nhân dân huyện Cẩm Phả, lực lượng vũ trang đảo Thanh Lân, Ngọc Vừng, Hòn Rêu.
(Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010 và Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2009).