Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4: Thống nhất xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng Sắp diễn ra diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 |
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm nay có chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức” , là sự kiện quan trọng do góp phần triển khai cụ thể hóa các chỉ đạo của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và các nghị quyết, kết luận của Đảng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 |
Khơi mở tạo nền tảng cho tăng trưởng năm 2023
Theo các chuyên gia, những gì mà kinh tế Việt Nam có được trong năm 2022, năm được coi là dị thường của kinh tế thế giới thực sự là con số biết nói, khi các dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 đạt từ mức 2,4%-3,2%, mức này thấp hơn mức tăng trưởng trung bình toàn cầu giai đoạn 2000-2021 là 3,6%. Cùng đó là việc lạm phát là dấu hiệu bất ổn vĩ mô nổi bật nhất năm 2022 với nhiều nền kinh tế.
Với Việt Nam, dự báo đến hết năm 2022, có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có những chỉ tiêu tăng trưởng ấn tượng như GDP, kim ngạch xuất khẩu, mức lạm phát cơ bản, giải ngân vốn FDI… Theo nhận định của một số chuyên gia quốc tế, Việt Nam đã vượt qua những khó khăn, thách thức để có được con số tăng trưởng đầy ấn tượng này.
Ông Andrew Jeffries - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận xét thì nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc đã hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh và bền vững. Đây cũng là điểm khác biệt của Việt Nam so với các quốc gia ở châu Á.
Trước thềm Diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá năm 2022 Việt Nam đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế xã hội. “Dự báo chúng ta sẽ đạt được mức tăng trưởng GDP từ 8-8,2% cũng như rất nhiều những kết quả khác tương đối ấn tượng và tích cực”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nói.
Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, năm 2023 sẽ là năm có rất nhiều khó khăn, thách thức với những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, cả trong khu vực và quốc tế. Trước hết đó là sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế thế giới ở rất nhiều các quốc gia quốc gia lớn, các nền kinh tế lớn của thế giới và thậm chí ở nhiều nền kinh tế đã chứng kiến dấu hiệu của suy thoái. Bên cạnh đó, những xu thế của lạm phát đang tăng nhanh cũng gây ra rất nhiều hệ lụy và tác động tới kinh tế và thương mại quốc tế.
“Chúng ta đang chứng kiến sự suy giảm của tăng trưởng không chỉ kinh tế mà thương mại và đầu tư trên toàn cầu. Những vấn đề này sẽ gây ra câu chuyện tác động và hệ lụy có thể nói rất tiêu cực đến các nền kinh tế nhất là các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhìn nhận.
Ông Trần Tuấn Anh cho biết, Diễn đàn sẽ giúp phân tích, dự báo các kịch bản cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, và đưa ra các đề xuất chính sách, các giải pháp nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giúp giải tỏa các điểm nghẽn trên các thị trường.
“Chúng ta sẽ đưa nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong năm 2023, năm bản lề của kế hoạch 5 năm, góp phần vào việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước như Đại hội Đảng XIII đã thông qua”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
4 vấn đề lớn
Ban Kinh tế Trung ương đã đặt ra 4 vấn đề lớn để thảo luận tại Diễn đàn. Thứ nhất, theo Ban Kinh tế Trung ương là tập trung vào kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng mới. Đây không phải vấn đề mới, nhưng bắt buộc phải đào sâu trong năm sau.
Theo đó, các thảo luận sẽ tập trung vào việc tháo gỡ các khó khăn, đẩy mạnh triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia; khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do; đẩy nhanh chuyển đổi số; khai thác bền vững nguồn lực đất đai; khơi thông các rào cản cho phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo.
Thứ hai là phải làm lành mạnh hoá thị trường tài chính, bất động sản. Đơn cử như về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cần giải quyết các vấn đề vướng mắc xung quanh, hoàn thiện các nghị định. Bên cạnh đó, cơ quan này cho rằng cần xem xét cách tiếp cận chung với các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu để vừa đảm bảo thượng tôn pháp luật, vừa giữ được tính thanh khoản thị trường, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền.
Thứ ba là tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn đầu tư công và nút thắt về vốn cho doanh nghiệp. Theo Ban Kinh tế Trung ương, đầu tư công tiếp tục được xem là một động lực cho phát triển nền kinh tế mà nếu đột phá được việc giải ngân, Việt Nam sẽ không chỉ giải quyết được bài toán dài hạn về hạ tầng, nhân lực, công nghệ, mà còn xử lý được vấn đề ngay trước mắt là mất cân đối trong thị trường tiền tệ.
Cuối cùng là vấn đề lao động việc làm. Cuối năm nay, tình trạng thất nghiệp, mất việc diễn ra mạnh, tập trung với nhóm lao động trong ngành sản xuất. Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hơn 41.000 công nhân trong ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, thuỷ sản, gia công linh kiện điện tử... đã mất việc.
Theo Ban Kinh tế Trung ương, khác với thị trường hàng hoá, đầu tư, dễ dàng chuyển đổi từ ngành này sang ngành khác, thị trường lao động sẽ cần rất nhiều thời gian vì kỹ năng của người lao động không thể thay đổi một sớm một chiều. Việc chuyển dịch, hệ quả sau đó, là thiếu lao động cục bộ mà nếu xử lý không tốt sẽ tạo thành tâm lý e ngại với các nhà đầu tư.
Do đó, năm 2023 là thời điểm Việt Nam cần giải được bài toán phát triển thị trường lao động bền vững, đảm bảo an sinh, phúc lợi cho người lao động, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động.
4 hội thảo chuyên đề của Diễn đàn sẽ diễn ra sáng 17/12 bao gồm: Hội thảo chuyên đề 1 với chủ đề “Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới” do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì . Hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề “Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững” do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng đồng chủ trì. Hội thảo chuyên đề 3 với chủ đề “Đẩy nhanh tháo gỡ những điểm ngẽn về đầu tư công và nút thắt về vốn cho doanh nghiệp” do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đồng chủ trì. Hội thảo chuyên đề 4 với chủ đề “Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi và việc làm gắn với phát triển kinh tế năm 2023” do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đồng chủ trì. |