Ban tổ chức họp báo thông tin về Ngày hội trái cây Lục Ngạn lần thứ nhất |
Thông tin tại buổi họp báo về ngày hội trái cây lần đầu tiên vào sáng nay (ngày 8/11), tại Hà Nội, ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Lục Ngạn, Trưởng ban tổ chức cho biết: Ngày hội trái cây Lục Ngạn lần thứ nhất là dịp để địa phương quảng bá sản phẩm nông sản sạch đến người tiêu dùng, xúc tiến thương mại sản phẩm giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm nông sản chất lượng cao, an toàn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Qua việc thu hút khách đến thăm quan, mua sắm tỉnh có thêm cơ hội phát triển du lịch sinh thái, vườn đồi.
Theo kế hoạch, sẽ có 60 gian hàng giới thiệu, bày bán sản phẩm cây ăn quả và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh như: Mỳ gạo, giấm, mật ong, phấn hoa, hàng may mặc… Ngoài ra, Ban tổ chức còn tôn vinh 10 hộ nông dân tiêu biểu; thi gian hàng đẹp; thi chất lượng 4 trái cây đặc sản của Lục Ngạn là cam Canh, cam Vinh, bưởi Diễn và bưởi da xanh. Đặc biệt, trong khuôn khổ Ngày hội sẽ tổ chức hội thảo “Kết nối trái cây với các kênh phân phối” và “Phát triển vùng cây ăn quả bền vững”.
Lễ khai mạc Ngày hội trái cây Lục Ngạn lần thứ nhất sẽ được truyền hình trực tiếp vào 20 giờ ngày 25/11 trên sóng của Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Giang và một số đài khu vực. Các buổi tối trong thời gian diễn ra ngày hội đều có chương trình văn nghệ và mở cửa miễn phí để nhân dân tham quan, mua sắm.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn: Lục Ngạn là huyện miền núi nhưng được thiên nhiên ưu đãi tạo nên một vùng khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt thích hợp để phát triển nhiều loại cây ăn quả hàng hóa chất lượng cao như: Vải, nhãn, cam, bưởi, táo… thậm chí có chất lượng cao hơn nơi khởi sinh ra nó. Hiện nay, toàn huyện có trên 20.000ha cây ăn quả các loại, trở thành vùng trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc; trong đó vải thiều gần 16.300ha, nhãn trên 800ha, cây có múi gần 4.000ha… Uớc tính mỗi năm người dân huyện Lục Ngạn thu về khoảng 2.600 tỷ đồng từ tiêu thụ cây ăn quả, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, nông sản Lục Ngạn thời gian qua cũng vấp phải tình cảnh “được mùa mất giá và được giá thì mất mùa”. Để khắc khục tình trạng này, từ năm 2015, đặc biệt trong năm 2016, chính quyền địa phương đã tích cực đẩy mạnh hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap; chú trọng chuyển đổi mô hình sản xuất bền vững; vận động, khuyến khích nông dân tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã để có tổ chức ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, từ đó phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ cũng như thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn dễ dàng hơn…