Ngày 2/9/1945: Điểm hẹn diệu kỳ của lịch sử |
Ngày 2/9/1945, hàng trăm nghìn người dân Sài Gòn đổ về quảng trường Norodom, chờ nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lễ đài được đặt trên đường Norodom, ngay phía sau Nhà thờ Đức Bà. Buổi lễ đó luôn là ký ức đẹp trong lòng người dân Sài gòn năm xưa và TP. Hồ Chí Minh hôm nay.
Tại công viên 30/4 có dựng một tấm bia kỷ niệm về Lễ đài Độc lập 2/9 được đặt trên đường Norodom (nay là đường Lê Duẩn, quận 1) |
Lễ đài được đặt trên đường Norodom, ngay phía sau Nhà thờ Đức Bà. Buổi lễ đó luôn là ký ức đẹp trong lòng người dân Sài gòn năm xưa và TP. Hồ Chí Minh hôm nay.
Kế hoạch thay đổi
Theo kế hoạch trước đó, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cùng lúc đó, lễ độc lập cũng được tổ chức tại Sài Gòn khi nền độc lập bị bủa vây tứ phía. Ngày 31/8/1945, Trung ương điện vào cho biết lúc 14 giờ ngày 2/9 tại Hà Nội, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ ra mắt quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam bộ quyết định tổ chức một cuộc mít-tinh và diễu hành thật lớn nhằm biểu dương lực lượng toàn dân đoàn kết xung quanh chính quyền cách mạng.
Lễ đài lễ độc lập 2/9/1945 tại Sài Gòn đặt trên đường Norodom (nay là đường Lê Duẩn, quận 1, TP. Hồ Chí Minh), ngay phía sau nhà thờ Đức Bà. Hầu hết người dân Sài Gòn đều đổ ra đường, thành một biển người chưa từng thấy ở thành phố này. Cờ rợp trời: Cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc, cờ các nước đồng minh, cờ của các đoàn thể. Khẩu hiệu giăng đầy các con đường lớn: "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm!", "Đả đảo thực dân Pháp!", "Độc lập hay là chết!"… bằng năm thứ tiếng: Việt, Hoa, Anh, Pháp, Nga.
Hòa trong dòng người đang có mặt tại Quảng trường Norodom trong ngày 2/9/1945 lịch sử, ông Nguyễn Trọng Xuất, Phó Chủ nhiệm Thường trực Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến TP. Hồ Chí Minh lúc bấy giờ chỉ là một cậu thiếu niên 14 tuổi. Tuy nhiên, với ông, không khí ấy, tinh thần ấy đã tạo nên thời khắc thiêng liêng.
Đã 77 năm trôi qua nhưng ông Nguyễn Trọng Xuất vẫn nhớ như in ngày Tết Độc lập đầu tiên, lúc đó đường phố Sài Gòn ngập cờ hoa, cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới và những khẩu hiệu giăng đầy các con đường lớn. Lễ độc lập cử hành đúng 14 giờ chiều. Nhưng mới 12 giờ trưa, dưới mặt trời đứng bóng, các đoàn thể dân chúng, các toán dân quân từ trong các trụ sở ở Châu Thành, từ các vùng ngoại ô kéo về đại lộ Cộng Hòa (tức đại lộ Norodom vừa đổi tên) tập trung sau nhà thờ Đức Bà. Buổi lễ bắt đầu bằng nghi thức chào quốc kỳ.
Thế hệ trẻ TP. Hồ Chí Minh luôn tràn đầy nhiệt huyết để chung tay xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình và đất nước giàu đẹp |
Theo thông báo của ban tổ chức buổi lễ, đúng 14 giờ chiều hôm ấy, tại Quảng trường Ba Đình ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đài tiếng nói Việt Nam (lúc đó đặt tại Bạch Mai nên được gọi là Đài Bạch Mai) sẽ trực tiếp truyền thanh buổi lễ ở Hà Nội trên làn sóng 32m. Ban tổ chức sẽ tiếp sóng Đài Bạch Mai để đồng bào Sài Gòn nghe bản Tuyên ngôn độc lập qua hệ thống loa phóng thanh đặt dọc theo đường Cộng Hòa và các ngả đường gần đó. Tuy nhiên, việc tiếp sóng không thành công. Nửa giờ trôi qua, dân chúng bắt đầu bàn tán xôn xao. Một số người cảnh giác đặt ra nghi vấn: Phải chăng có kẻ phá hoại? Mặc dù hoài nghi này không có chứng cớ, song trong bối cảnh lúc đó nó vẫn thuyết phục được nhiều người. Mãi về sau này người ta mới biết lý do của sự cố này: Đài phát của ta quá yếu, máy thu của ta quá cũ, thời tiết chiều hôm ấy tại Hà Nội lại xấu.
Để trấn an quần chúng, ban tổ chức buổi lễ đề nghị ông Trần Văn Giàu (tức cố Giáo sư Trần Văn Giàu) phát biểu. Ông Trần Văn Giàu lúc đó là Bí thư Xứ ủy Nam bộ, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Nam bộ, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam bộ… Đây là điều nằm ngoài dự kiến của chương trình buổi lễ. Ông Trần Văn Giàu suy nghĩ vài phút, ghi vội lên giấy mấy ý chính, rồi bước lên lễ đài, ứng khẩu một bài diễn văn. Và ông kết thúc bài diễn văn bằng lời kêu gọi: "Quốc dân hãy sẵn sàng chiến đấu!... Đứng lên! Ngày độc lập bắt đầu từ nay! Tiến tới, vì độc lập, vì tự do, tiến tới mãi! Không một thành lũy nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng!".
Tiếp nối cha anh xây dựng đất nước
TS Đỗ Văn Hào, Nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam cho biết, sau khi nghiên cứu các tài liệu lịch sử cách mạng của dân tộc Việt Nam và đọc nhiều cuốn sách của ông Trần Văn Giàu, tôi thấy tại lễ đài Norodom năm đó tuy ứng khẩu, ông Trần Văn Giàu không chuẩn bị trước bài phát biểu khi đứng ở lễ đài nhưng ý tưởng của ông sâu sắc, giọng văn của ông hùng hồn, bài nói của ông thu hút tâm hồn cả triệu người có mặt trong buổi lễ khiến toàn thể người dân Sài Gòn bây giờ ai cũng cảm thấy sục sôi ý chí cách mạng và một lòng theo Đảng, Nhà nước và Bác Hồ.
Có thể nói, trong kho tàng các bản hùng văn của mảnh đất phương Nam, bên cạnh bài hịch của Trương Định, văn tế của Đồ Chiểu..., bài diễn văn ngày 2/9/1945 của Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam bộ Trần Văn Giàu giữ một vị trí xứng đáng.
Theo TS Đỗ Văn Hào, một trang sử mới, một kỷ nguyên mới đã mở ra khi đất nước giành được độc lập và đi cùng đó là một tiền đồ rực rỡ của thế hệ trẻ gắn liền với những nhiệm vụ quan trọng của đất nước. Trong năm học đầu tiên khi đất nước độc lập, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã từng nói với các em thanh thiếu niên cả nước: "Nước nhà mong chờ ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em". Đây là một lời động viên và cũng là một nhiệm vụ mới được giao cho thế hệ trẻ của nước nhà, lực lượng này không thể thiếu của sự nghiệp cách mạng, của tương lai đất nước sau này.
Ngày nay, sống trong thời bình, thế hệ trẻ luôn khắc ghi công ơn của các cha ông đã lấy thân mình để đổi lại tự do hòa bình cho thế hệ sau này. Tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của bao lớp cha anh ngày ấy vẫn sẽ sống mãi và tiếp thêm lửa để những thế hệ thanh niên thành phố ngày nay tiếp tục cống hiến trên con đường dựng xây đất nước đẹp giàu.