Cú huých trăm năm
Trong bối cảnh khó khăn 6 tháng đầu năm 2020, ngành thông tin và truyền thông đã nỗ lực hoàn thành mục tiêu kép đề ra trên cả 6 lĩnh vực quản lý nhà nước là bưu chính, viễn thông, ứng dụng CNTT, an toàn và an ninh mạng, công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), báo chí tuyên truyền.
Chuẩn bị nguồn lực để sẵn sàng chuyển đổi số mạnh mẽ |
Tiêu biểu như bưu chính đã duy trì dòng chảy vật chất không ngừng nghỉ, giao thương thông suốt hàng hoá, đặc biệt trong giai đoạn “giãn cách xã hội”, với tổng sản lượng gói, kiện trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt trên 377 triệu, tăng trên 40% so với cùng kỳ năm 2019.
Về ứng dụng CNTT, 12 nền tảng và hàng trăm ứng dụng phục vụ cuộc sống, làm việc không tiếp xúc đã ra mắt. Doanh thu an toàn an ninh mạng 6 tháng đầu năm tăng 67,8% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, công nghiệp ICT đặt dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển khi Việt Nam chủ động đầu tư nghiên cứu, sản xuất các thiết bị mạng 5G và thiết bị đầu cuối 5G; đã thực hiện cuộc gọi đầu tiên trên thiết bị 5G Make in Việt Nam và dự kiến một số thiết bị 5G đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam sẽ được thương mại hóa vào cuối năm 2020.
Tại Hội nghị sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đại dịch Covid - 19 mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội để bứt phá vươn lên, trong đó có cơ hội của ngành thông tin và truyền thông. Việt Nam có lợi thế so sánh về chuyển đổi số, đồng thời có nhiều DN viễn thông và CNTT mạnh. Đây là lúc phát huy để bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng. Đất nước có thể nhân lúc này đầu tư cho chuyển đổi số, phát triển các DN công nghệ số Việt Nam.
Nhiệm vụ trọng tâm
Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung thúc đẩy triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi số quốc gia với 3 trụ cột chính lần lượt là: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Bộ sẽ coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên triển khai của toàn ngành thông tin và truyền thông để đưa chuyển đổi số tới mọi ngõ ngách của đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tập trung hỗ trợ phát triển các DN công nghệ số trên khắp cả nước, hướng tới mục tiêu 1.000 dân sẽ có một DN công nghệ số để thực hiện việc đưa CNTT vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; hỗ trợ và thúc đẩy 100% địa phương ban hành kế hoạch phát triển DN công nghệ số. Việc phát triển DN công nghệ số sẽ phải gắn với thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
Đồng thời, thúc đẩy các DN viễn thông, DN sản xuất smartphone và các DN công nghệ số nói chung hợp tác, để đảm bảo mỗi người dân sẽ có 1 máy điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình có 1 đường cáp quang, tạo tiền đề cho chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và chính phủ điện tử.
Ngay trong năm 2020, Bộ sẽ cho phép các DN viễn thông tiến hành triển khai cung cấp dịch vụ 5G tại các khu CNTT tập trung, khu công nghiệp, trường đại học và tại khu vực trung tâm các tỉnh/thành phố.
Trong nửa cuối năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chiến lược quốc gia về phát triển DN công nghệ số Việt Nam đến năm 2030; triển khai Chương trình phát triển công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030… |