Góp phần vào mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%
Năm 2021 đã mang tới nhiều thách thức trong việc điều hành chính sách tiền tệ với Ngân hàng Nhà nước khi kinh tế thế giới có nhiều biến động, phía Hoa Kỳ có quan ngại về vấn đề thao túng tiền tệ, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải chủ động đàm phán; doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, các tổ chức tín dụng đối mặt với rủi ro nợ xấu gia tăng…
Tại hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, với sự chủ động, linh hoạt, thực hiện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng đã thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, chủ động bám sát tình hình dịch bệnh, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm tập trung mọi nguồn lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, góp phần thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết thanh khoản phù hợp, đảm bảo thị trường tiền tệ, sẵn sàng nguồn vốn phục hồi nền kinh tế, lãi suất liên ngân hàng được duy trì ở mức thấp, hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí vốn để có điều kiện cắt giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khác trong điều hành chính sách tiền tệ, giá cả hàng hóa dịch vụ, dự báo lạm phát để góp phần kiểm soát lạm phát. Nhờ đó, lạm phát năm 2021 được kiểm soát dưới mục tiêu 4% do Quốc hội và Chính phủ đề ra, bình quân khoảng 2%, mức thấp nhất từ năm 2016.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Điều chỉnh linh hoạt chỉ tiêu tín dụng đối với các tổ chức tín dụng, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh, thực hiện tốt giảm lãi suất cho vay, kịp thời cung ứng vốn cho doanh nghiệp, người dân. Tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, các chương trình tín dụng chính sách. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tích cực triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội
Đáng chú ý, với nhiều nỗ lực, cố gắng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, tháng 4/2021, Bộ Tài chính Mỹ đã xác định không có đủ bằng chứng, dấu hiệu cho thấy Việt Nam thao túng tiền tệ và quyết định không có hành động trừng phạt thương mại với Việt Nam. Bộ Tài chính Mỹ đánh giá cao việc Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các thỏa thuận một cách nghiêm túc và minh bạch, tiếp tục duy trì được sự ổn định của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh kinh tế vĩ mô hết sức khó khăn thời gian qua; đồng thời, thể hiện sự hài lòng với những bước tiến mà Việt Nam đã đạt được.
“Đây là kết quả có ý nghĩa rất tích cực, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao, không chỉ giúp Việt Nam tránh được thiệt hại về kinh tế mà còn góp phần tiếp tục xây dựng niềm tin và môi trường đầu tư ổn định, hấp dẫn của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài”- báo cáo của Ngân hàng Nhà nước đánh giá.
Bước sang năm 2022, “Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bám sát chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và các đánh giá, nhận định về tình hình kinh tế, vĩ mô, tiền tệ, năm 2022”- Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Theo đó sẽ thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2022 bình quân khoảng 4%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Năm 2022, định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp nhằm góp phần ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng. Phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để thực hiện tốt chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau khi được Quốc hội phê chuẩn.
Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành linh hoạt các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thiên tai.
Tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Khái- Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định, trong những kết quả rất đáng trân trọng của đất nước trong năm 2021 có đóng góp rất quan trọng của ngành Ngân hàng.
Đồng chí Lê Minh Khái- Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Đó là việc trong năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ động nắm bắt tình hình và điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả. Trước tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách để chủ động hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân
Ngân hàng Nhà nước đã tích cực chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng và trình cấp có thẩm quyền Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và phương án xử lý một số ngân hàng yếu kém, mua bắt buộc.
“Ngân hàng Nhà nước tập trung rà soát, đánh giá tình hình nợ xấu để có biện pháp phù hợp, đồng thời tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất, hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu trong thời gian tới”- Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Liên quan đến những nhiệm vụ của ngành Ngân hàng trong năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ rõ, nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành ngân hàng là điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để vừa kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, vừa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% mà Quốc hội đã thông qua.
Cùng đó tiếp tục tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Có chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể triển khai hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 sau khi được phê duyệt.