Với sự góp ý từ các chuyên gia năng lượng, báo cáo khuyến nghị nhập khẩu nhiều năng lượng sạch vào Singapore thông qua các mạng lưới điện khu vực; phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp để sử dụng hyđrô được đốt sạch làm nhiên liệu và tối đa hóa việc triển khai tấm pin năng lượng mặt trời.
Báo cáo này được công bố sau khi Singapore tuyên bố vào tháng 2 năm nay rằng Đảo quốc sẽ hướng đến mục tiêu phát thải quốc gia đạt mức 0 ròng "trước hoặc khoảng" cùng mốc thời gian 2050.
Trong lời tựa của báo cáo dài 55 trang, Chủ tịch Cơ quan Thị trường Năng lượng Singapore (EMA) Richard Lim cho biết: Thế giới hiện đang ở điểm chuyển mình. Việc giải quyết biến đổi khí hậu là một vấn đề khẩn của toàn cầu nhằm hướng đến tương lai với lượng các-bon thấp. Singapore cam kết hướng tới nỗ lực toàn cầu này và ngành năng lượng cần phải đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực cắt giảm khí thải cacbon của đảo quốc.
Ông Lim nhấn mạnh rằng với tình trạng thiếu tài nguyên thiên nhiên và khả năng tiếp cận các dạng năng lượng tái tạo khác ngoài năng lượng mặt trời ở Singapore, việc chuyển đổi năng lượng sẽ đòi hỏi một sự cân nhắc rõ ràng về những đánh đổi giữa an ninh năng lượng, khả năng chi trả và một môi trường bền vững.
Được biết, báo cáo của Ủy ban Năng lượng 2050 - bao gồm 9 đại diện từ các học viện, chính sách và ngành công nghiệp - đã tham khảo ý kiến các chuyên gia năng lượng khác về quan điểm của họ và đưa ra tổng cộng 9 chiến lược cho ngành năng lượng của Singapore để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Các chiến lược bao gồm việc theo kịp các nghiên cứu về công nghệ các-bon thấp mới nổi, chẳng hạn như thu giữ hạt nhân hoặc các-bon; mua tín dụng các-bon quốc tế để bù đắp lượng khí thải từ bất kỳ nhiên liệu hóa thạch nào phải được đốt tại địa phương; quản lý nhu cầu năng lượng; và tận dụng các công nghệ kỹ thuật số.
Phát triển các mạng lưới điện đa lớp; và định hình mức độ tiêu thụ của người dùng thông qua các công nghệ theo nhu cầu, chẳng hạn như hệ thống quản lý năng lượng thông minh, cũng rất được khuyến khích.
Nhìn chung, bất chấp những thay đổi khó dự đoán về địa chính trị và phát triển công nghệ, việc theo đuổi 9 chiến lược khác nhau được nêu trong báo cáo sẽ cho phép ngành năng lượng tại Singapore duy trì sự linh động và sẵn sàng nhằm đạt được mục tiêu của ngành.
Choi Shing Kwok - Chủ tịch Ủy ban Năng lượng 2050, đồng thời là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Trung tâm nghiên cứu ISEAS - Viện Yusof Ishak, cho biết báo cáo cho thấy nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong 30 năm tới sẽ rất phức tạp. Vẫn còn nhiều điều chưa được sáng tỏ về các phương án mà Singapore có thể thực hiện trong tương lai.
Báo cáo đã vạch ra 3 kịch bản tiềm năng cho quá trình đạt đến phát thải bằng trước năm 2050 của ngành năng lượng.
Trong kịch bản lạc quan nhất, những công nghệ năng lượng và kỹ thuật số sẽ phát triển nhanh chóng và bổ sung cho nhau qua sự hợp tác mạnh mẽ toàn cầu. Điều này cho phép Singapore đạt được một hỗn hợp các nguồn cung năng lượng đa dạng vào năm 2050, với khả năng nhập khẩu năng lượng từ nhiều quốc gia và sử dụng hyđrô các-bon thấp như một nguồn năng lượng quan trọng.
Kịch bản thứ 2 giả định rằng giai đoạn phục hồi sau Covid-19 sẽ kéo dài, trì hoãn việc đầu tư vào công nghệ năng lượng sạch, dẫn đến sự trì trệ trong những phát triển mới. Mặc dù vậy, với sự liên kết giữa các quốc gia, Singapore sẽ có thể nhập khẩu năng lượng sạch được tạo ra từ những nơi khác để đáp ứng nhu cầu của mình.
Trong kịch bản này, mặc dù lượng khí thải được giảm thiểu thông qua việc mua tín dụng các-bon từ nơi khác, khí đốt tự nhiên vẫn có trong hỗn hợp năng lượng của Singapore.
Cuối cùng, kịch bản thứ 3 giả định rằng các quốc gia sẽ không có sự liên kết và những tiến bộ công nghệ bị trì hoãn, nhưng về sau, kết quả cuối cùng nhận được sẽ thỏa đáng. Mặc dù vẫn đóng góp vào hỗn hợp năng lượng của Singapore, nguồn điện được cung cấp từ nước ngoài vẫn bị hạn chế do sự phát triển chậm của mạng lưới điện khu vực.
Báo cáo của Ủy ban Năng lượng 2050 đã được EMA ủy quyền vào cuối năm 2020 để lên kế hoạch cho tương lai lâu dài của ngành năng lượng ở Singapore.