Về đích 12,5 tỷ USD
Đánh giá về ngành gỗ năm 2020, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam - cho biết, đây là năm cực kỳ khó khăn đối với ngành. 6 tháng đầu năm, dịch Covid-19 diễn ra quá nặng nề, dẫn đến đứt gãy nguồn cung; đến nửa quý III hồi phục, nhưng DN trở tay không kịp. Không chỉ đối mặt với Covid-19, ngành gỗ còn đối diện với nhiều vụ kiện liên quan đến phòng vệ thương mại, bán phá giá, lẩn tránh xuất xứ và giá vật tư tăng lên vùn vụt...
Tháng 11, 12/2020 là cao điểm xuất khẩu hàng gỗ, không có container rỗng khiến doanh thu xuất khẩu của DN giảm mạnh. Chưa năm nào như năm 2020, đơn hàng xuất khẩu tăng gấp đôi, cước vận tải tăng gấp 2-3 lần mà vẫn không có container để chuyển. Dù vậy, các DN ngành gỗ đã chủ động đi tìm thị trường; chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, thậm chí còn phát triển hơn so với những năm trước đây, đặc biệt là đối với các mặt hàng tủ bếp, tủ nhà tắm và ván trang trí - những sản phẩm được xác định là chiến lược của DN. Sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, hiệp hội, nỗ lực từ chính DN đã tạo thăng hoa trong xuất khẩu của ngành gỗ. 11 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt trên 11 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ 2019. Ước tính, giá trị xuất khẩu của cả năm 2020 sẽ cán mốc gần 12,5 tỷ USD. Theo đánh giá của Chính phủ, ngành gỗ là một trong những ngành dẫn đầu trong việc kéo kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng nông - lâm sản trong cả nước lên trong thời gian qua.
Hướng đến mục tiêu 14,5 - 15 tỷ USD trong năm 2021
Nhận định về tình hình năm 2021, ông Đỗ Xuân Lập cho hay, dịch Covid-19 vẫn để lại hậu quả nặng nề, việc khống chế vẫn cần thời gian, có nhanh cũng phải hết quý I/2021, thậm chí đến quý II mới có thể lắng dịu. Nhưng đe dọa trước mắt là qua tháng 1/2021, nếu Mỹ không áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế đối với gỗ Việt Nam, ngành gỗ sẽ có triển vọng. Trong trường hợp bị áp thuế, sẽ gây khó khăn cho ngành gỗ.
Một vấn đề nữa được ông Đỗ Xuân Lập đề cập đó là, một số công ty của Trung Quốc trước đây bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, nay đã miễn giảm thuế (khoảng 14 - 15 công ty), khả năng các DN nhập khẩu của Mỹ sẽ nối lại nguồn cung một phần từ DN Trung Quốc. Việc này sẽ ảnh hưởng khách quan đến DN xuất khẩu gỗ của Việt Nam.
Đánh giá bức tranh toàn cảnh năm 2021, ông Đỗ Xuân Lập nhận định, vẫn còn những yếu tố tác động đến sự phát triển của ngành gỗ, bởi lẽ chuỗi cung đã chuyển dịch về Việt Nam rất lớn. Đây là nền tảng để các nhà máy có nhiều việc làm, thúc đẩy sản xuất và cũng là cơ hội rất tốt cho Việt Nam.
Về thị trường, trọng tâm năm 2021 vẫn là EU, Nhật Bản, Mỹ. Đối với thị trường EU, thuận lợi về chính sách do được hỗ trợ thuế từ Hiệp định EVFTA. Đối với vấn đề thương hiệu, thị trường EU trước đây đã có truyền thống, nền tảng, nay càng tốt hơn do DN Việt Nam đã chuyển đổi mạnh mẽ về công nghệ, kỹ thuật.
Đáng chú ý, trong năm 2020, các DN trong ngành đã tích cực chuyển hướng sang thị trường EU để đa dạng hóa thị trường, tránh tập trung vào một thị trường, nhằm giảm thiểu rủi ro, đặc biệt là từ thị trường Mỹ. Giữ vững và mở rộng thị trường EU, các DN xuất khẩu ngành gỗ nhận định, năm 2021, thị trường này sẽ tăng trưởng.
Còn đối với Mỹ - đang là thị trường lớn của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu lên tới 4 - 5 tỷ USD (chiếm 40% thị trường gỗ Việt Nam), mặc dù, đối diện nguy cơ áp thuế chống bán phá giá, nhưng ông Đỗ Xuân Lập cho rằng, sẽ không có vấn đề gì quá lớn. Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc đang ổn định và phát triển; thị trường Australia, New Zealand cũng rất tốt nhưng xuất khẩu gỗ sang các thị trường này không tăng trưởng nhiều.
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam: Có hai kịch bản phát triển của ngành gỗ trong năm 2021: Nếu Mỹ không áp thuế phá giá đối với sản phẩm gỗ của Việt Nam, dịch Covid-19 được đẩy lùi, vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm đại trà, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ đạt con số 14,5 - 15 tỷ USD. Trong trường hợp xấu hơn, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ đạt từ 13 - 13,5 tỷ USD. |