Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2020 sản xuất giấy đạt 687.570 tấn, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2019; tổng tiêu dùng giấy các loại đạt 837.855 tấn, tăng 9,8%, nhập khẩu đạt 327.474 tấn, tăng 11,9%; xuất khẩu giấy các loại đạt 167.684 tấn, tăng 26,3%. Giá giấy sản xuất nội địa tháng 2/2020 về cơ bản không thay đổi so với tháng trước.
Các doanh nghiệp cần theo dõi tình hình dịch bệnh và diễn biến thị trường để duy trì sản xuất |
Đại diện Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết, trong tháng 2/2020, dịch Covid- 19 khiến ngành giấy chịu cả tác động tích cực và tiêu cực. Việt Nam nhập rất ít từ Trung Quốc các sản phẩm giấy và nguyên liệu, do đó, về nguyên liệu được đánh giá là ít chịu tác động của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, chiếm khoảng 75% phụ gia, hóa chất và các sản phẩm phụ trợ cho ngành sản xuất giấy được các doanh nghiệp nhập khẩu từ Trung Quốc. Khi dịch bùng phát, khiến việc giao thương gặp khó ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất. Hiện, các doanh nghiệp đã chuyển hướng sang nhập của Hàn Quốc và Ấn Độ. Tình hình dịch Covid- 19 tại Hàn Quốc đang diễn biến phức tạp nên các doanh nghiệp chuyển sang nhập chủ yếu từ thị trường Ấn Độ. Hiện, Trung Quốc đang thiếu hụt lượng lớn giấy bao bì, đây lại là mặt tích cực của Việt Nam các doanh nghiệp đang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Trong tháng 1 và tháng 2/2020, tất cả lĩnh vực của ngành giấy đều có tăng trưởng rất mạnh. Riêng giấy bao bì tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc lên tới 25%. Tuy nhiên, tiêu thụ giấy bao bì tại thị trường trong nước lại giảm. Nguyên nhân do dịch bệnh Covid-19 tác động lên các ngành hàng phải sử dụng nguyên liệu của ngành giấy làm bao bì, ví dụ như nông sản, hải sản, may mặc, điện tử... Việc này được bù đắp 1 phần bởi nhu cầu tiêu dùng online tăng đẩy nhu cầu sử dụng giấy bao bì ở phân khúc giấy bao bì, hộp giấy - sản phẩm phụ trợ cho thương mại điện tử, buôn bán online, bao gói sản phẩm…
Theo đại diện Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, nếu dịch bệnh Covid-19 phức tạp kéo dài có thể sẽ tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, các dự án đang đầu tư, máy móc và thiết bị ngành giấy, lao động… Đặc biệt, nhiều chuyên gia từ Trung Quốc chưa thể sang Việt Nam làm việc, dẫn đến tiến độ dự án có thể bị chậm trễ…
Bên cạnh đó, tình trạng xuất khẩu và tiêu thụ trong nước kém do kinh tế suy giảm có thể làm tăng hàng tồn kho, cạnh tranh cao, gây áp lực mạnh đến doanh nghiệp, nhất là năng lực sản xuất giấy bao bì với tỷ trọng trên 80% tổng công suất toàn ngành nên tác động sẽ càng lớn.
Các chuyên gia khuyến cáo, các nhà máy giấy Việt Nam cần theo dõi hoạt động phòng chống dịch cũng như các diễn biến thị trường để duy trì sản xuất và điều chỉnh giá bán hợp lý; đồng thời, cần đảm bảo cung ứng ổn định cho nhu cầu giấy trong nước…
Theo nhận định của Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam, trong tháng 3/2020, tất cả các mặt hàng của ngành giấy gồm: Giấy bao bì, giấy in, giấy viết, đặc biệt là giấy tissue đặc chủng sử dụng sản xuất khẩu trang, giấy dùng trong y tế đều tăng trưởng từ 2-5% so với tháng 2/2020. |