Đối mặt thách thức
Ở Việt Nam, ngành công nghiệp giấy đang tăng trưởng mạnh mẽ thông qua việc các doanh nghiệp áp dụng các công nghệ tiên tiến, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về các sản phẩm thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, Việt Nam là nước xuất khẩu, hoạt động xuất khẩu tăng trưởng cao cũng đã và đang kéo theo sự gia tăng mạnh về nhu cầu giấy làm bao bì. Đây là sản phẩm phụ trợ cho các ngành hàng khác, đặc biệt là đối với các ngành có tỷ trọng xuất khẩu cao.
Số liệu của VPPA cho thấy, trong những năm gần đây, ngành giấy Việt Nam có tốc độ phát triển trung bình khoảng 10-12%/năm, riêng giấy bao bì khoảng 15-17%/năm, trong lĩnh vực này đã có những dự án đầu tư công suất lớn đang hoạt động, với công suất mỗi dự án khoảng 400.000 – 500.000 tấn/năm; một số doanh nghiệp đang dự kiến đầu tư dự án với công suất trên 1.000.000 tấn giấy bao bì/năm. Với nhu cầu lớn đáng kể và vai trò đa dạng đối với kinh tế, sản xuất của ngành giấy đóng góp khoảng 1,5% giá trị GDP, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, ngành giấy đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như chính sách quản lý trong nước còn nhiều điểm chưa khuyến khích phát triển ngành, sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường nội địa và xuất khẩu, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông kỹ thuật số dẫn đến sụt giảm nhu cầu sử dụng giấy in báo, nhưng lại làm tăng trưởng mạnh mẽ giấy bao bì, hộp giấy...
Theo ông Hoàng Trung Sơn - Phó Chủ tịch VPPA, tại thời điểm này, thị trường giấy Việt Nam còn nhiều khoảng trống, đặc biệt là phân khúc sản phẩm giấy bao bì cao cấp. Sức cạnh tranh cũng kém so với các nước trong khu vực do quy mô nhỏ. thiết bị công nghệ lạc hậu. “Ngoài ra, ngành giấy không được bảo hộ do hầu hết thuế nhập khẩu các loại giấy là 0% trong khi Trung Quốc hiện vẫn duy trì thuế suất nhập khẩu 7% với hầu hết các loại giấy. Thị trường nguyên liệu giấy thu hồi (phế liệu) lệ thuộc nhiều vào tình hình và chính sách của Trung Quốc” - ông Hoàng Trung Sơn bày tỏ.
Đồng quan điểm trên, TS. Vũ Ngọc Bảo, nguyên Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký VPPA cho biết, việc đầu tư vào ngành công nghiệp giấy Việt Nam của các doanh nghiệp chưa bài bản, chiến lược đầu tư chưa rõ ràng theo phong trào; đầu tư còn manh mún, không tập trung, quy mô nhỏ, công nghệ thiết bị cũ; chủ đầu tư là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm khoảng 90% số lượng và 60% năng lực sản xuất), năng lực tài chính hạn chế; liên kết doanh nghiệp trong ngành yếu, không hình thành được các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn.
Từng bước mở rộng và gia tăng thị phần
Trước những khó khăn mà ngành giấy đang gặp phải, ông Hoàng Trung Sơn kiến nghị, Nhà nước cần coi công nghiệp sản xuất giấy và tái chế giấy là ngành công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, do nguồn nguyên liệu có thể tái tạo được (rừng trồng); sản phẩm sau sử dụng có thể tái chế 100%; các chất thải trong quá trình sản xuất (nước thải, khí thải, chất thải rắn,…) đều có thể được xử lý triệt để đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường... “Bên cạnh đó, có chính sách khuyến khích hoạt động thu gom tái chế giấy và sớm ban hành Luật Tái chế và sử dụng hiệu quả tài nguyên, vì đây là hoạt động bảo vệ môi trường. Tạo thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất của Việt Nam để đáp ứng nhu cầu sử dụng giấy đang tăng nhanh. Không nên coi giấy thu hồi là phế liệu mà là nguyên liệu sản xuất” - ông Hoàng Trung Sơn kỳ vọng.
Ngoài ra, ngành công nghiệp giấy có nhiều cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường. Đó là hiệu ứng của các hiệp định thương mại tự do mang lại như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) trong năm 2018. EU luôn được đánh giá là thị trường “màu mỡ” đối với các sản phẩm tiêu dùng nói chung, do đó, đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp mở rộng thị trường, gia tăng sản xuất.
VPPA cũng kiến nghị, cần tập trung xây dựng Chiến lược phát triển ngành giấy Việt Nam giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2045 làm cơ sở, định hướng cho việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh của ngành, giúp ngành giấy phát triển cân đối, đúng hướng và bền vững. Đồng thời thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sản xuất giấy sử dụng công nghệ cao, đặc biệt đối với các dự án đầu tư các sản phẩm giấy trong nước chưa sản xuất được.