Tập trung phòng chống dịch
Trước kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội đã yêu cầu các điểm tham quan du lịch, cần chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, lữ hành điều phối các đoàn khách tham quan, hạn chế tập trung đông người cùng thời điểm; theo dõi tình hình sức khỏe của du khách.
Đối với các đơn vị lữ hành, vận chuyển khách du lịch, hướng dẫn viên du lịch, phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; riêng các cơ sở lưu trú du lịch, cần nghiêm túc thực hiện việc khai báo y tế, khai báo lưu trú trực tuyến đối với khách theo quy định; nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống cháy nổ, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Theo đó, ngay trong kỳ nghỉ lễ dịp 30/4-1/5, công tác phòng chống dịch tại các cơ sở lưu trú, điểm tham quan, các khu di tích trên địa bàn được ngành du lịch tăng cường siết chặt, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho người dân, du khách.
Các biện pháp phòng chống dịch được các điểm tham quan tại Hà Nội thực hiện nghiêm túc |
Với sự chủ động, tích cực, đại diện Sở Du lịch Hà Nội - cho hay, ngay trong suốt thời gian kỳ nghỉ lễ, việc thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 được các điểm tham quan, cơ sở lưu trú, khách sạn nghiêm túc triển khai, tuân thủ các biện pháp vệ sinh, khử khuẩn hàng ngày đảm bảo đúng quy trình; thực hiện đo thân nhiệt cho khách, bố trí nước sát khuẩn, lau rửa bề mặt các vật dụng thường xuyên tiếp xúc với khách; phối hợp chặt chẽ và giám sát việc thu gom, vận chuyển xử lý rác thải, đặc biệt rác thải y tế; thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế và thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, hiện dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp mới, ngành du lịch thủ đô cũng như cả nước tiếp tục đứng trước những khó khăn mới. Vì vậy, theo đại diện Sở Du lịch Hà Nội - cho biết, ưu tiên hiện nay là phòng chống dịch trong hoạt động du lịch, đơn vị này đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; kiểm soát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh gây ra ảnh hưởng đến lĩnh vực du lịch; đảm bảo chất lượng dịch vụ và quyền lợi cho khách du lịch.
Đồng thời, Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục rà soát, phối hợp với Sở Y tế trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt bổ sung khách sạn đảm bảo làm nơi cách ly y tế tập trung phục vụ phòng chống dịch Covid-19. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 19 khách sạn được UBND Thành phố đồng ý làm nơi cách ly y tế tập trung với 1.930 phòng, 3.042 giường.
Tìm giải pháp vượt khó
Thời gian qua, để ứng phó với những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, ngành du lịch Thủ đô đã chủ động tái cơ cấu triệt để, xoay trục trọng tâm sang thu hút, phục vụ du khách nội địa. Nhờ đó, hoạt động du lịch đang có những tín hiệu "hồi sinh" tích cực.
Du lịch Hà Nội phát huy lợi thế thành phố văn hóa, di sản để tăng sức hút với du khách hâu Covid-19 |
Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội - cho biết, dự kiến, tháng 4, khách du lịch nội địa ước đón khoảng 850 nghìn lượt khách, tăng 24% so với tháng 3/2021 và tăng gấp 25 lần so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch nội địa ước đạt 2,37 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với tháng 3/2021 và tăng gần 17 lần so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, tháng 4/2021, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1- 5 sao ước đạt khoảng 28.1%, tăng 10.6 % so với tháng 3/2021 và tăng 15.3 % so với cùng kỳ năm 2020.
Theo đó, 4 tháng năm 2021, khách du lịch nội địa đến Hà Nội ước đạt 2,78 triệu lượt khách, giảm 27,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch nội địa ước đạt 7,78 nghìn tỷ đồng, giảm xấp xỉ 50% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2019, ngành công nghiệp không khói chiếm 12,54% tổng GRDP của TP Hà Nội, nhưng năm 2020, do đại dịch Covid-19, con số này giảm xuống còn 3,54%. Ngoài ra, theo báo cáo hàng năm, trước dịch bệnh Covid-19, lượng khách du lịch nội địa đến Hà Nội luôn gấp 3 lần lượng khách quốc tế (chiếm 75%), trong đó chiếm phần lớn là người dân đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội.
Vì vậy, để phục hồi ngành du lịch khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội - bà Đặng Hương Giang - cho biết, Hà Nội sẽ tập trung vào thị trường nội địa, đồng thời xác định người Hà Nội là một bộ phận quan trọng thúc đẩy sự phục hồi và trở lại của ngành du lịch Thủ đô. "Sở Du lịch Hà Nội đang tăng cường triển khai các chương trình, kế hoạch trong chiến dịch kích cầu “Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội” với kỳ vọng sẽ làm nóng lại thị trường trong bối cảnh chưa thể thu hút du khách quốc tế"- bà Giang nói.
Theo đại diện Sở Du lịch Hà Nội, nếu triển khai hiệu quả chiến dịch này, ngành du lịch Thủ đô sẽ từng bước hồi phục, có thể tăng trưởng nhanh vào cuối năm, đạt mục tiêu đón từ 10,96 triệu - 15,34 triệu lượt du khách nội địa, bằng 50%-70% so với năm 2019, gấp đôi lượng khách năm 2020. Đặc biệt, điều mà ngành du lịch Thủ đô mong muốn hơn nữa là tăng mức chi tiêu của du khách, kéo dài thời gian lưu trú tại Hà Nội từ 1,3 ngày lên trên 2 ngày.
Ngoài ra, để sớm hồi sinh cho ngành công nghiệp không khói, hiện ngành du lịch Hà Nội đặc biệt coi công tác quảng bá, xúc tiến liên kết du lịch là trọng tâm giúp thu hút du khách đến với Thủ đô. Theo đó, Sở Du lịch Hà Nội đang tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá trên hệ thống báo đài, cổng thông tin điện tử, giúp lan tỏa hình ảnh đẹp, đặc trưng của Thủ đô đến du khách cả nước. Đồng thời, Sở cũng đang tham mưu với UBND TP Hà Nội triển khai chương trình quảng bá hình ảnh Hà Nội, hợp tác với kênh truyền hình quốc tế CNN vào nửa cuối năm nay, nhằm đón đầu làn sóng du khách quốc tế đầu năm 2022.
Với thế mạnh là thành phố của di tích, di sản và những danh thắng đẹp, theo lộ trình ngành du lịch Thủ đô cũng sẽ kết hợp với các quận, huyện, thị ở những nơi có danh lam thắng cảnh, di tích xây dựng các sản phẩm/điểm đến có dịch vụ đa dạng, hấp dẫn, hoàn chỉnh. “Chúng tôi đã chuẩn hóa thuyết minh, chuyển nhiều ngữ khác nhau và có thuyết minh tự động bằng Autoguide. Đặc biệt, chất lượng dịch vụ của sản phẩm/điểm đến muốn hoàn chỉnh phải đáp ứng rất nhiều yếu tố, mà trong đó trải nghiệm những giá trị đặc biệt riêng có, dấu ấn của điểm đến là rất quan trọng”- bà Giang cho hay.