Năng lượng tái tạo chiếm xu thế
Theo dự báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhu cầu tiêu thụ điện sẽ hồi phục và tăng trưởng với tốc độ 8 - 10% trong năm 2021. Điều này xuất phát từ việc các tổ chức nghiên cứu đánh giá kinh tế Việt Nam sẽ có sự phục hồi tích cực trong năm 2021.
Với những dự báo này, theo Trung tâm điều tiết điện quốc gia, tổng sản lượng điện năm 2021 sẽ đạt 267,9 tỷ kWh, tăng 7,15% so với năm 2020. Do đó, nhu cầu điện được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất điện, đặc biệt là doanh nghiệp năng lượng tái tạo.
Điện mặt trời hấp dẫn nhà đầu tư |
Nhóm chuyên gia Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt đánh giá, trong năm 2021, điện mặt trời và điện gió sẽ tiếp tục mở rộng và hưởng cơ chế ưu đãi của EVN nhờ chính sách tập trung nguồn năng lượng xanh trong quy hoạch điện VIII. Mảng năng lượng tái tạo sẽ có một lợi thế về nguồn vốn vay, dòng tiền và nguồn thu khá ổn định nên được cơ chế ưu đãi từ những ngân hàng lớn và nước ngoài cho vay với lãi suất thấp. Do đó lợi nhuận từ những nhà máy điện mặt trời và điện gió khá hấp dẫn. Dự kiến, năm 2021, công suất điện mặt trời và điện gió sẽ gia tăng, có thể chạm mức 20.198 MW, gấp đôi so với hiện tại.
Trong đó, về điện mặt trời, đấu thầu cạnh tranh sẽ bắt đầu từ năm 2021, chỉ có những doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời với suất đầu tư thấp, vị trí gần với đường truyền tải mới có thể thể cạnh tranh trong giai đoạn này. Về điện gió, hiện có rất nhiều đề xuất dời hạn đóng điện hưởng giá FiT, tuy nhiên vẫn chưa có công văn chính thức nào thay đổi thời hạn trước tháng 11/2021. Tựu trung lại, những doanh nghiệp có kinh nghiệm xây dựng nhà máy nhanh chóng cùng với khả năng xây dựng hiệu quả với suất đầu tư thấp sẽ hưởng được những ưu đãi của cơ chế ngành.
Doanh nghiệp nhanh chân đầu tư sẽ hưởng lợi
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năng lượng tái tạo của Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 20% trong 10 năm tới, gấp hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng bình quân ngành điện khoảng 9%.
Nắm bắt được những cơ hội kể trên, trong thời gian qua đã có rất nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nước tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo. Cụ thể, với doanh nghiệp nội có thể kể tới Công ty Trung Nam với các dự án khắp các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, và đồng bằng sông Cửu Long. Hay Công ty CP Điện Gia Lai (GEG) hiện đang sở hữu 6 dự án điện mặt trời với tổng công suất 290 MWp cùng với 3 dự án điện gió 130 MW dự kiến đóng điện vào cuối năm 2021. Theo dự báo, mảng điện gió sẽ đóng góp 173 tỷ đồng năm 2021 (chiếm 10% tổng doanh thu GEG) và hơn 700 tỷ đồng cho những năm tiếp theo (hơn 30% tổng doanh thu GEG). Còn mảng điện mặt trời ước tính đóng góp vào doanh thu và lợi nhuận gộp lần lượt 55% và 60% cho GEG.
Với doanh nghiệp ngoại, có thể kể tới như Tập đoàn Super Enegry Corpration Public Company (Super Energy) đến từ Thái Lan đã quyết định chi 456,7 triệu USD để sở hữu cổ phần và đầu tư vào 4 dự án điện mặt trời tại Việt Nam bao gồm dự án gồm Lộc Ninh 1 (200 MW), Lộc Ninh 2 (200 MW), Lộc Ninh 3 (150 MW) và Lộc Ninh 4 (200 MW). Trước đó, Super Energy đã trình Ủy ban Chứng khoán Thái Lan kế hoạch đầu tư vào 3 dự án điện mặt trời tại Việt Nam với tổng công suất 136,72 MW. Đó là các dự án điện mặt trời Phan Lâm, Bình An và Sinenergy Ninh Thuận. Ngoài ra, Super Enegry còn đầu tư vốn vào dự án điện mặt trời Văn Giáo 1 (50 MW), Văn Giáo 2 (50 MW) tại tỉnh An Giang và Dự án Điện mặt trời Thịnh Long (50 MW) tại Phú Yên. Đáng chú ý, doanh nghiệp này ước tính rằng khi giá điện mặt trời giảm xuống mức 7,09 US cent/kWh theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Chính phủ thì các dự án điện mặt trời vẫn mang lại hiệu quả.
Theo giới chuyên gia, với những dự án được đầu tư và dự kiến vận hành trong năm 2021 sẽ giúp các doanh nghiệp hưởng lợi. Bởi lẽ dự báo nhu cầu điện cho tiêu dùng có thể tăng trưởng bền vững, đặc biệt nhu cầu điện của khối sản xuất công nghiệp sẽ góp phần thu hút đầu tư vào các dự án nguồn điện mang tính ổn định.