Hệ lụy lớn từ thiếu nhân lực
Da giày là một trong những ngành sử dụng nhiều lao động. Một doanh nghiệp có thể sử dụng vài nghìn đến hàng chục nghìn lao động. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 buộc việc sản xuất phải thực hiện theo mô hình “3 tại chỗ”. Song do không đáp ứng được điều kiện, cơ sở vật chất nên nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất. Điều này khiến một lượng lớn người lao động ngừng việc, mất việc.
Nhiều doanh nghiệp nóng lòng tìm nguồn lao động |
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam - cho biết: Để thực hiện sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”, doanh nghiệp trong ngành da giày chỉ duy trì được khoảng 30% công suất và phải bỏ ra một khoản chi phí khá lớn mà doanh thu khó bù đắp được, nhưng để giữ đơn hàng, tránh trường hợp bị huỷ dẫn tới phá hợp đồng.
Một trong những hệ lụy của tình trạng này là kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh. Tính riêng trong tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu của ngành giảm tới 40% và tháng 9 giảm gần 50% đối với cả mặt hàng giày dép, túi xách. “Tổn thất này rất lớn, nhưng quan trọng hơn là khách hàng sẽ chuyển đơn hàng sang các nước khác. Việc dịch chuyển này sẽ không phải một sớm một chiều có thể quay trở lại. Bởi chuỗi cung ứng một khi đã dịch chuyển đi thì họ mất rất nhiều thời gian để quay trở lại, chưa kể việc chúng ta có đủ sức hấp dẫn để kéo khách hàng quay trở lại hay không”, bà Phan Thị Thanh Xuân nói.
Cũng như da giày, dịch bệnh ảnh hưởng lớn tới vận hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp, người lao động trong ngành dệt may. Theo tính toán sơ bộ, một doanh nghiệp dệt may với khoảng 4.000 lao động ngừng sản xuất, chỉ riêng khoản chi trả công nhân 14 ngày đầu bình quân là 10 tỷ đồng; một doanh nghiệp da giày với 9.000 lao động, chi phí triển khai các biện pháp phòng, chống dịch mất khoảng 1 triệu USD, chưa kể các chi phí đầu vào tăng 5 - 10%, cộng với nhiều lao động rời bỏ về quê do địa phương thực hiện giãn cách. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, người lao động và cả nền kinh tế.
Giải pháp phục hồi
Phản ánh của nhiều doanh nghiệp cho thấy, thiếu hụt nguồn nhân lực là vấn đề hiện hữu khi mở cửa kinh tế trở lại. Để người lao động quay lại làm việc trong thời điểm này không dễ, do ngoài vướng mắc các quy định phòng dịch, về quê chưa được tiêm vắc xin, cộng với thời điểm hết năm rất gần nên lực lượng lao động “ngại” trở lại. Như vậy, ngoài khó khăn do chi phí chống dịch, dòng tiền dự trữ của doanh nghiệp ngày càng mỏng đi thì việc đối diện với nguy cơ mất lao động cũ… khiến doanh nghiệp đã khó lại càng khó hơn. Điều này càng đòi hỏi nhà quản lý, doanh nghiệp có những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ hơn, để duy trì hoạt động bền vững.
Để giữ chân người lao động, không ít doanh nghiệp đã hỗ trợ lương thực, thực phẩm, kinh phí chi tiêu hàng tháng trong đợt giãn cách, đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động...; đồng thời rà soát, làm thủ tục kịp thời cho những lao động là đối tượng được hưởng các gói hỗ trợ của nhà nước, giúp bảo đảm an sinh.
Điển hình trong ngành dệt may, xác định để đào tạo một lao động lành nghề rất khó nên xác định người lao động là tài sản của doanh nghiệp. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp tính đến việc có thể hòa hoặc lỗ vốn trong năm 2021 thì vẫn phải giữ chân người lao động, bằng cách trả một phần lương cho người lao động; cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho người lao động trong thời gian giãn cách. Khi dịch được kiểm soát, một số công ty đã ứng trước lương cho người lao động.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân: Dệt may và da giày phải tìm cách nâng tỷ lệ chủ động nguồn cung để tránh phụ thuộc và hưởng lợi từ các FTA. Bên cạnh đó, người lao động là vốn quý của doanh nghiệp, nhất là với các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày. Cho nên, việc giữ chân người lao động, làm cho họ gắn bó với doanh nghiệp là giải pháp căn cơ mà mỗi doanh nghiệp phải làm; trong đó có các vấn đề cấp bách như tiêm vắc xin, chế độ hỗ trợ người lao động...
Cùng với tuyển dụng nguồn nhân công thiếu hụt, nhiều doanh nghiệp cũng tính đến giải pháp nghiên cứu kỹ thuật giúp tăng năng suất, giảm áp lực nhân công; tăng tốc độ dây chuyền sản xuất từ 5% - 35% sản lượng các ngành hàng chủ lực, đáp ứng nhanh việc cung cấp sản phẩm cho thị trường, đặc biệt trong những tháng cao điểm cuối năm.