Thứ bảy 23/11/2024 00:19

Ngành da giày: Thoát hiểm nhờ FTA

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam đã ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp da giày. Tuy nhiên, nhờ tận dụng tốt ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), từ đầu năm đến nay, xuất khẩu (XK) mặt hàng này vẫn ghi nhận tăng trưởng. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Phan Thị Thanh Xuân -Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày- túi xách Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Thưa bà, xuất khẩu giày dép được ghi nhận vẫn có mức tăng trưởng, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đây là thành quả - như nhiều chuyên gia đánh giá - do các FTA mang lại. Xin bà cho biết ý kiến về vấn đề này?

Có thể nói, các doanh nghiệp da giày đã thực hiện khá tốt những ưu đãi mà các FTA mang lại, nhất là FTA Việt Nam - EU (EVFTA). Thống kê cho thấy, 6 tháng năm 2021, tốc độ tăng trưởng XK giày dép rất tốt, có những tháng đạt trên 20%. Riêng xuất khẩu sang các thị trường có các FTA như: EVFTA, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đều có tốc độ tăng trưởng cao.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày- túi xách Việt Nam

Thực tế, đến quý III, xuất khẩu giày dép và túi xách đã có sự sụt giảm, nhưng sự sụt giảm này được bù đắp từ các thị trường có FTA, nên tổng kim ngạch xuất khẩu da giày 9 tháng vẫn tăng. Cụ thể, 9 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu da giày đạt gần 15,6 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thị trường EU, Vương quốc Anh tăng trưởng 7%, các nước thành viên trong khối CPTPP tăng 15%.

Đến cuối tháng 9, ngay sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách, các doanh nghiệp da giày đã sản xuất trở lại, XK giày dép các loại tháng 10 đã tăng gần 38% so với tháng 9, đạt kim ngạch hơn 930 triệu USD. Đây là tín hiệu tốt để xuất khẩu da giày tiếp tục duy trì đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm.

Mặc dù ngành da giày tận dụng tốt các FTA mang lại, tuy nhiên chủ yếu lại rơi vào các doanh nghiệp FDI. Theo bà, đâu là nguyên nhân của thực trạng này?

Hiện nay, các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu xuất khẩu da giày Việt Nam, còn doanh nghiệp trong nước mới chỉ trên dưới 20%. Sở dĩ các doanh nghiệp FDI xuất khẩu thành công, bởi họ tham gia vào chuỗi cung ứng từ rất lâu, toàn bộ hệ thống chuỗi cung ứng được kiểm soát chặt chẽ từ đầu đến cuối chuỗi. Trong khi đó, năng lực nội tại của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế và chuỗi cung ứng của họ xây dựng chưa chuyên nghiệp, thiếu chặt chẽ. Ngoài ra, quy mô của các doanh nghiệp này vẫn nhỏ lẻ, manh mún và theo phương thức truyền thống. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường XK, nhất là các thị trường khó tính. Đây chính là một trong những điểm yếu mà doanh nghiệp Việt Nam cần cải thiện trong thời gian tới.

Theo bà, doanh nghiệp da giày Việt Nam cần phải làm gì để có thể tận dụng những lợi thế mà các FTA mang lại?

Theo tôi, để đẩy mạnh XK, trước tiên doanh nghiệp trong nước phải nắm đầy đủ thông tin từng thị trường cụ thể và chuẩn bị tốt nguồn lực, đáp ứng các đòi hỏi của thị trường XK, nhất là các thị trường FTA có quy định, yêu cầu cao về phát triển bền vững.

Đối với các đối tác, doanh nghiệp cũng cần chủ động, không thể ngồi một chỗ, đợi khách hàng tìm đến như cách đây 15-20 năm trước mà cần nắm được đâu là điểm mạnh của mình và những sản phẩm tốt nhất để đàm phán với khách hàng. Ngoài ra, khi doanh nghiệp tham gia một khâu trong các chuỗi cung ứng, cần nắm bắt những thông tin về các khâu còn lại, từ đó vươn lên và nắm bắt, tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn.

Trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết, thực thi nhiều FTA, doanh nghiệp không chỉ tham gia đơn lẻ một mình mà cần có mạng lưới cộng đồng doanh nghiệp để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cũng như nắm bắt, tiếp cận những chương trình, dự án, hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực, xây dựng chiến lược kế hoạch cụ thể. Ngoài ra, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy từ thế bị động sang chủ động, tiếp cận thị trường, tiếp cận nguồn thông tin và có sự chuẩn bị chiến lược sẵn sàng trong bối cảnh sắp tới.

Bên cạnh lợi thế truyền thống về nhân công, môi trường chính trị ổn định, tham gia vào nhiều FTA song phương và đa phương, thì việc kiểm soát tốt dịch bệnh được dự báo sẽ mang lại ưu thế lớn, giúp doanh nghiệp da giày Việt Nam đón được đơn hàng dịch chuyển từ các quốc gia khác

Xin cảm ơn bà!

Thu Phương - Hoa Quỳnh (thực hiện)
Bài viết cùng chủ đề: Da giày

Tin cùng chuyên mục

Doanh nghiệp da giày chịu nhiều sức ép trong 'xanh hóa' sản xuất

Hàn Quốc đầu tư 6 tỷ USD vào ngành dệt may Việt Nam

Hội thảo ngành dệt may Việt Nam năm 2045: Nơi tăng trưởng xanh gặp năng suất

Doanh nghiệp dệt may bắt nhịp chuyển đổi số

Bộ Công Thương tiếp tục lấy ý kiến đóng góp cho Chiến lược phát triển ngành sữa

Tình hình quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay ra sao?

Dồi dào đơn hàng, doanh nghiệp dệt may lại lo thiếu lao động

Cách nào phát triển thời trang Việt?

Sản xuất công nghiệp của Nam Định “chạy nước rút”

Bộ Công Thương dự kiến cắt giảm, đơn giản hoá nhiều thủ tục hành chính lĩnh vực công nghiệp nhẹ

Chính phủ giao Bộ Công Thương tăng cường đối thoại để triển khai Cơ chế CBAM

Giải pháp căn cơ cho ngành Công Thương 'chắc chân' trước biến động thị trường

Ngày 27/9, sẽ diễn ra Ngày hội Cotton Day Việt Nam 2024

Xung đột tại Bangladesh có làm chuyển hướng chuỗi cung ứng dệt may?

Phát triển thị trường ngách cho ngành dệt may: Cuộc chơi của các “ông lớn”

Ngành dệt may: Nâng cao năng suất, hóa giải sức ép chi phí nhân công

Dệt may Việt Nam có bao nhiêu thị trường xuất khẩu tỷ USD?

Doanh nghiệp dệt may lo đơn hàng, đơn giá quý IV/2024

Ứng phó với quy định mới tại EU: Doanh nghiệp dệt may lưu ý gì?

Doanh nghiệp dệt may kiến nghị “mềm hóa” quy tắc xuất xứ trong CPTPP