Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động của ngành Công Thương tỉnh Thanh Hóa cho thấy, hầu hết các chỉ số đều vượt kế hoạch đề ra và tăng cao so với cùng kỳ.
Sản xuất xi măng luôn có đóng góp lớn cho công nghiệp tại Thanh Hóa |
Trước hết là lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trong năm 2019 giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương đạt trên 126 nghìn tỉ đồng, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm 2018. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu giữ ổn định và có mức tăng khá như đường tăng 14,4%, quần áo may sẵn tăng 28%, xi măng tăng 14%, thủy sản đông lạnh tăng 11%..
Công ty CP. Bia Hà Nội - Thanh Hóa có bước chuyển lớn trong năm 2019 |
Hay như Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa, một trong những đơn vị có bước phát triển mạnh trong năm 2019. Nhờ triển khai thực hiện có hiệu quả các phương án mở rộng, phát triển thị trường, Công ty đã có bước chuyển biến lớn so với năm 2018. Tính đến hết tháng 11/2019, Công ty đã sản xuất 63,26 triệu lít bia các loại, tăng 21,61% so với cùng kỳ, doanh thu 1.277 tỷ đồng...
Về lĩnh vực thương mại, thị trường hàng hóa, dịch vụ luôn giữ ổn định, sức mua của thị trường tiếp tục có xu hướng gia tăng. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 108.666 tỉ đồng, đạt 103,5% kế hoạch và tăng 15,25 so với cùng kỳ... Trong năm, ngành Công Thương tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành công bố hợp chuẩn 34 chợ kinh doanh thực phẩm, như vậy đến nay Thanh Hóa đã có 153 chợ hoàn thành công bố hợp chuẩn kinh doanh thực phẩm. Toàn tỉnh cũng có 219 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn.
Không chỉ thành phố, hạ tầng thương mại khu vực miền núi ở Thanh Hóa đã được cải thiện đáng kể |
Năm 2019, Thanh Hóa cũng đã thực hiện xong 100% kế hoạch khuyến công và tiết kiệm năng lượng với tổng kinh phí 21.089 triệu đồng gồm các đề án: xây dựng mô hình trình diễ kỹ thuật sản xuất bao bì chất lượng cao, chế biến lâm sản. Hỗ trợ máy móc thiết bị cho các cơ sở tái chế, sản xuất sản phẩm nhựa, lâm sản…
Ông Lê Tiến Lam – Giám đốc sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, những kết quả mà ngành Công Thương địa phương đạt được trong năm qua là sự nỗ lực chung của mỗi đơn vị, cá nhân ngành Công Thương và cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt là sự chủ động, chỉ đạo sát của Bộ Công Thương, của tỉnh Thanh Hóa đối với lĩnh vực công nghiệp, thương mại, đến từng chương trình, dự án và tháo gỡ những vướng mắc cụ thể… Ngoài ra, Thanh Hóa nói chung và lĩnh vực Công Thương địa phương đã, đang xây dựng môi trường tốt thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh nên đã có tác động tích cực đến kết quả chung…. Như năm 2019, ngành Công Thương Thanh Hóa đã có bước chuyển lớn trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến (Quyết định số 5235/QĐ-UBND ngày 24/12/2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa). Theo đó, Sở Công Thương thông báo đến các cơ quan, tổ chức và cá nhân 38 thủ tục hành chính được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến qua mạng Internet… Thời gian tới, ngành Công Thương tỉnh Thanh Hóa tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường nắm bắt hoạt động, kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn phát sinh đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo môi trường thuật lợi nhất thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thương mại tương xứng với tiềm năng của địa phương.