Ông Trần Huy Quân - tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình cho biết, để hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội sau khi dịch bệnh dần được kiểm soát, ngay từ đầu năm 2022, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh gặp mặt các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI; tổ chức Lễ phát động các doanh nghiệp thi đua đẩy mạnh sản xuất kinh doanh năm 2022; Chương trình Đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thăm, chúc tết một số doanh nghiệp nhân dịp đầu xuân Nhâm Dần 2022. Bên cạnh đó, thành lập Hội đồng lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng một số cụm công nghiệp.
Lễ phát động các doanh nghiệp thi đua đẩy mạnh sản xuất kinh doanh năm 2022 |
Sở cũng đã hoàn thiện Đề án phát triển ngành Công Thương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 báo cáo UBND tỉnh, Ban Thường vụ tỉnh ủy, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và được phê duyệt tại Quyết định số 985/QĐ-UBND ngày 13/5/2022 của UBND.
Sở cũng chuẩn bị nội dung báo cáo UBND tỉnh về điều chỉnh, bổ sung Phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Bộ tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình; nội dung phục vụ Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Rà soát, bổ sung cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ven sông Trà Lý thuộc địa bàn TP. Thái Bình để phát triển đô thị.
Ngoài ra, xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý nhà nước về cụm công nghiệp; tham mưu cung cấp thông tin doanh nghiệp liên quan đến cấp nhãn hiệu chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao 2022. Triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đối với lĩnh vực thương mại, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện "Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030" trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2022 và khung giai đoạn 2022-2025. Đồng thời, hoàn thiện Đề án đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trình UBND tỉnh và đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 507/QĐ-UBND ngày 9/3/2022.
Nhờ những giải pháp kể trên, ngành Công Thương Thái Bình đã đạt nhiều kết quả tích cực. Hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại tiếp tục có những chuyển biến tốt. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) năm 2021 tăng 14,5% so với năm 2020. Đến quý I/2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị sản xuất công nghiệp quý I/2022 ước đạt 20.847 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước.
Về thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2022 ước đạt 14.301 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu quý I/2022 ước đạt 474 triệu USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2021. Nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước như: giấy và các sản phẩm từ giấy; xơ sợi dệt các loại; hàng hóa khác; sản phẩm từ sắt thép; hàng dệt may…
Đứng trước sự biến động phức tạp của thị trường xăng dầu, giá xăng tăng cao và thiếu hụt về nguồn cung, Sở đã tham mưu phương án xử lý các cửa hàng kinh doanh xăng dầu chưa được cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu; đồng thời phối hợp với các đơn vị kiểm tra, kiểm soát và chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, cơ sở bán lẻ xăng dầu đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu nhân dân, tránh đầu cơ, găm hàng, hàng giả do đó nguồn cung xăng dầu được đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Thái Bình tham quan dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp |
Tạo điều kiện tốt nhất cho các dự án công nghiệp thương mại
Ông Trần Huy Quân chia sẻ, phát huy các kết quả đã đạt được, thời gian tới, Sở Công Thương Thái Bình đặt mục tiêu tiếp tục triển khai xây dựng phương án xử lý cụm công nghiệp do cấp huyện quản lý; chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành: Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành công thương giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến 2030; Kế hoạch thực hiện “Đề án đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” năm 2022; Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2023; Kế hoạch thực hiện Quyết định 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045; tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp - công nghiệp tỉnh Thái Bình năm 2022.
Tiếp tục rà soát, bổ sung cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ven sông Trà Lý thuộc địa bàn TP. Thái Bình để phát triển đô thị.
Ngoài ra, Sở Công Thương sẽ tiến hành khảo sát thu thập thông tin về năng lực sản xuất của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu an toàn thực phẩm ngành công thương trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các sở, ban, ngành, các huyện và thành phố thẩm định các xã nông thôn mới nâng cao. Kiểm tra kết quả thực hiện xây dựng hệ thống đèn điện “Thắp sáng đường quê” trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND ngày 11/10/2021 của HĐND tỉnh…
Đặc biệt, tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp sản xuất kinh doanh gắn với an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.