Nhiều lĩnh vực kinh tế tăng trưởng mạnh
Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh - cho biết, mặc dù nhiều hoạt động về sản xuất, giao thương, đầu tư bị đứt gãy bởi Covid-19 tác động nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền cùng với sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp (DN) nên hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại - dịch vụ gần đây của Tây Ninh đã có sự phục hồi mạnh mẽ.
Cụ thể, trong quý I/2021, hoạt động sản xuất công nghiệp của Tây Ninh tương đối ổn định và đạt mức tăng trưởng 9,87% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có một số ngành kinh tế như công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,49%; sản xuất phân phối điện tăng 3,51% so cùng kỳ. Đóng góp cho tăng trưởng công nghiệp trong thời gian qua chủ yếu từ ngành công nghiệp có giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng lớn như dệt may, cao su và plastic, da và sản phẩm có liên quan, chế biến lương thực thực phẩm.
Trong lĩnh vực giao thương, kim ngạch xuất khẩu của Tây Ninh quý I/2021 ước đạt 1.252 triệu USD, tăng 94,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 61,33 triệu USD, tăng 202,3% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cao su đạt 35,6 triệu USD, tăng gần 6 lần; mặt hàng rau quả ước đạt 1,04 triệu USD, tăng 68,9% so với cùng kỳ.
Sản xuất hành phi xuất khẩu, đặc sản của Tây Ninh vẫn đắt hàng trên thị trường. Ảnh/Thế Vĩnh |
Theo ông Lê Anh Tuấn, nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 1.160 triệu USD, tăng 91,5% so với cùng kỳ, chiếm 92,6% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả tỉnh. Trong nhóm hàng này, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực đạt mức tăng trưởng 2 con số, như hàng dệt may đạt 239,4 triệu USD, tăng 17,4%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 230 triệu USD, tăng 53,9%; vải các loại đạt 160,9 triệu USD, tăng 14%; xơ, sợi dệt các loại đạt 110 triệu USD, tăng 51,9% so với cùng kỳ. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu trong quý I/2021 ước đạt 1.174,9 triệu USD, tăng 158,6% so với cùng kỳ.
Đối với thị trường trong nước, mặc dù thời điểm 3 tháng đầu năm dịch Covid-19 tái xuất hiện, làm gián đoạn nhiều hoạt động sản xuất, giao thương, mua sắm, nhưng chỉ số về thương mại - dịch vụ của Tây Ninh vẫn tăng trưởng. Đơn cử, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý I/2021 ước đạt 22.157 tỷ đồng, tăng 13,11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 17.642 tỷ đồng, tăng 14,23% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước tính đạt 4.514,97 tỷ đồng, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Lê Anh Tuấn đánh giá, hoạt động sản xuất công nghiệp trong 3 tháng đầu năm 2021 của Tây Ninh giữ được nhịp độ tăng ổn định với 9,87% so cùng kỳ năm 2020 là do các DN đã thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 vừa đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh nên góp phần giữ vững nhịp độ tăng ổn định. Đối với hoạt động xuất khẩu, trao đổi mua bán hàng hóa qua biên giới từng bước hồi phục. Chỉ riêng tháng 3 tình hình xuất nhập khẩu giảm do các DN giảm xuất nhập khẩu hàng hóa sau dịp Tết Nguyên đán, trong khi tháng 1 và 2/2021 tình hình xuất nhập khẩu tiếp tục xu hướng tăng và hoạt động từng bước ổn định.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất kinh doanh
Kinh tế của tỉnh Tây Ninh đang phục hồi mạnh mẽ trong tình hình đại dịch Covid- 19 vẫn còn tồn tại và gây ra nhiêu bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh đang có sự phụ hồi mạnh mẽ từ đầu năm đến nay nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền, đặt biệt ngành công thương đã sát cách với cộng đồng DN trong việc tháo gỡ khó khăn về đầu tư, tìm kiếm nguyên liệu, xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng hóa, cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh.
Mặc dù hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Tây Ninh đang phục hồi với mức tăng trưởng khá ở nhiều mặt hàng trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, trong hoạt động xuất nhập khẩu, nhiều DN ở Tây Ninh hiện đang gặp khó khăn như thiếu nguyên liệu để sản xuất, một số mặt hàng tồn kho chưa xuất khẩu được, thiếu vốn để duy trì hoạt động…
Chẳng hạn, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, phần lớn chủ sở hữu DN đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại các quốc gia này kiến cho hoạt động nhập khẩu vật tư, nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất bị gián đoạn, khiến cho DN gặp nhiều khó khăn.
Hoạt động thương mại của tỉnh Tây Ninh phục hồi mạnh mẽ dù dịch Covid- 19 vẫn tồn tại . Ảnh: Thế Vĩnh |
Trong khi đó, các DN chế biến bột mì (sắn) xuất khẩu ở Tây Ninh cũng đang gặp không ít khó khăn do thiếu nguyên liệu để sản xuất và bị ngưng trệ trong hoạt động xuất khẩu. Theo các DN sản xuất bột mì, các sản phẩm bột mì, sản phẩm từ khoai mì xuất khẩu khoảng 80% qua Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, Úc nhưng do dịch Covid-19 nhiều lô hàng vẫn còn nằm trong kho chưa xuất khẩu được.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Tây Ninh cho biết, trong niên vụ 2020 - 2021, tỉnh Tây Ninh trồng được 57.149ha khoai mì, dự kiến sản lượng khoai mì sẽ đạt khoảng 1,86 triệu tấn. Tây Ninh hiện có 68 nhà máy chế biến tinh bột khoai mì, tổng công suất mỗi năm đạt khoảng 6,4 triệu tấn củ. Chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu khoai mì đạt khoảng 81 triệu USD, tăng 109,5% so với cùng kỳ. Các nhà máy này đa số đều sử dụng nguồn nguyên liệu khoai mì nhập khẩu từ Campuchia, nhưng đa số các nhà máy hiện đang hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên liệu để sản xuất.
Ông Huỳnh Văn Tuấn, đại diện một DN sản xuất bột mì xuất khẩu ở TP. Tây Ninh cho biết, các nhà máy sản xuất bột khoai mì ở Tây Ninh đang gặp khó khăn không chỉ do thiếu nguyên liệu mà còn bởi giá nguyên liệu nhập khẩu tăng quá cao. Cụ thể, hiện tại giá khoai mì nguyên liệu nhập khẩu từ Campuchia (loại trữ lượng bột 30%) qua cửa khẩu bình quân 3.300 - 3.400 đồng/kg, cao gấp đôi so với cách đây khoảng 1 năm. Theo ông Tuấn, hoạt động sản xuất bột khoai mì xuất khẩu ở Tây Ninh sẽ giảm bớt khó khăn khi trong nước và thế giới khống chế được dịch Covid-19, bằng không những khó khăn tương tự sẽ còn tiếp diễn.