Ngành Công Thương: Tạo dựng nền tảng để hướng tới những mục tiêu chiến lược
Chỉ đạo điều hành 01/01/2023 07:15
Thứ trưởng Bộ Công Thương: Tình hình cung ứng xăng dầu cơ bản đảm bảo ổn định |
Năm 2022, các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, điều hành của Bộ Công Thương như: hội nhập, năng lượng, xuất nhập khẩu, thị trường trong nước, thương mại điện tử... đều có những thành công ấn tượng; góp phần rất quan trọng cho nền kinh tế đất nước trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức. Ngành Công Thương cũng đang tích cực xây dựng các nền tảng để hướng tới những mục tiêu chiến lược, đáp ứng xu hướng chung của thời đại trong việc phát triển kinh tế - thương mại xanh, theo các cam kết quốc tế của Chính phủ về phát triển bền vững.
Báo Công Thương trân trọng điểm lại một số chỉ đạo và chia sẻ của các Thứ trưởng Bộ Công Thương trong năm 2022 vừa qua.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Doanh nghiệp cần chấp nhận cạnh tranh trong hội nhập
Sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết, vị thế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao. Việt Nam là nước duy nhất có quan hệ thương mại tự do với tất cả các khu vực kinh tế, thị trường lớn trên thế giới. Vì vậy, Việt Nam như là địa điểm, “cửa ngõ” để nhà đầu tư tiếp cận thị trường ASEAN, Hoa Kỳ, EU.
Nhà đầu tư mang chuỗi sản xuất đến và kỳ vọng Việt Nam sẽ là một mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện, doanh nghiệp FDI đang có lợi thế nắm bắt, đón đầu cơ hội hơn doanh nghiệp trong nước, tuy nhiên, trong thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ nắm bắt được cơ hội cho riêng mình.
Doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn theo hướng tích cực, khi tham gia CPTPP và các Hiệp định thương mại tự do giúp xuất khẩu tăng, tạo cơ hội cho các ngành khác trong nước phát triển như cảng biển, ngân hàng, bảo hiểm, thị trường chứng khoán... Tuy nhiên, cơ hội từ CPTPP tự nó không biến thành lợi ích mà tùy thuộc vào việc doanh nghiệp có nắm bắt được cơ hội hay không? Bản thân cơ hội cũng không đều, doanh nghiệp nào chuẩn bị tốt sẽ thu được nhiều thành quả. Cơ hội cũng luôn đi kèm thách thức.
Hội nhập kinh tế là xu thế tất yếu, doanh nghiệp phải bước vào thị trường với tâm thế chấp nhận cạnh tranh một cách chủ động để “ai cũng có thành quả của riêng mình” nếu tận dụng tốt cơ hội.
Lấy ví dụ về thị trường sữa Việt Nam, trước đây, doanh nghiệp nước ngoài “thống trị” nhưng giờ đã khác, doanh nghiệp Việt Nam có thể tự tin tham gia vào “sân chơi” này.
Một vấn đề quan trọng cần được quan tâm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập đó chính là quản trị doanh nghiệp. Đổi mới quản trị không chỉ là quản trị tài chính mà cần đổi mới trong quản trị về nhân sự, lao động, đáp ứng đầy đủ các cam kết hội nhập giữa Việt Nam và quốc tế, có như vậy mới nâng cao được năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Thỏa thuận ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Thỏa thuận ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau đã được Bộ Công Thương lần đầu phát động tại Lễ ký kết “Thỏa thuận giữa các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau” vào năm 2012 nhằm mục tiêu góp phần thiết thực, hiệu quả hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Các bên cam kết ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu, thiết bị, máy móc và hàng hóa, dịch vụ của nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh do các bên sản xuất được; đồng thời, tạo điều kiện tối đa để phối hợp, hợp tác trên tất cả những lĩnh vực mà các bên cùng quan tâm, phù hợp với năng lực của từng bên, với quy định pháp luật hiện hành và định hướng phát triển chung của mỗi doanh nghiệp. Việc hợp tác dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng lợi ích của từng tập đoàn, tổng công ty, công ty thành viên và phù hợp với quy định của pháp luật.
Nhìn chung, thỏa thuận kể trên đã đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của các tập đoàn, tổng công ty với giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đồng thời, cũng góp phần giảm tình hình tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tăng thị phần tại thị trường trong nước của sản phẩm từ tập đoàn, tổng công ty tại thời điểm đó. Sau lễ ký kết, các tập đoàn, tổng công ty, công ty tiếp tục phối hợp, ưu tiên ký kết các thỏa thuận với nhau khi có nhu cầu. Bộ Công Thương cũng triển khai nhiều chương trình, ban hành các văn bản có tác động tích cực, hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục thực hiện tốt thỏa thuận trên.
Việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng như Thỏa thuận ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau đã mang lại hiệu quả thiết thực như xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng Việt Nam bền vững; tăng tỷ lệ hàng Việt Nam có thế mạnh tại hệ thống phân phối… Hiện nay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đã lên đến 80-90%, riêng tỷ lệ hàng Việt tại chuỗi siêu thị Go của Tập đoàn Central Retail đã lên đến 94 - 96%; tại chợ truyền thống đạt 60-70%... Như vậy, Cuộc vận động rõ ràng mang lại hiệu quả hết sức to lớn.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An: 4 mục tiêu lớn trong chuyển dịch năng lượng
Việt Nam đang nỗ lực mạnh mẽ để hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Trong bối cảnh đó, dự báo nhu cầu năng lượng nói chung và nhu cầu điện nói riêng của Việt Nam trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng nhanh. Song song với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam cũng đã xây dựng Chương trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ tới năm 2050.
Cụ thể, tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) được tổ chức tại Glasgow (Vương quốc Anh) vào tháng 11/2021, Việt Nam đã đưa ra cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chuyển dịch từ nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.
Ngay sau COP26, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện cam kết của Việt Nam và phân công các bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động trong từng lĩnh vực. Trong đó, quá trình chuyển dịch năng lượng đang được chỉ đạo đẩy nhanh trên tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường hợp tác, hỗ trợ từ đối tác quốc tế, định chế tài chính song phương và đa phương.
Tính toán của Bộ Công Thương cho thấy, nhu cầu điện và năng lượng sẽ tiếp tục tăng trưởng cao cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế của Việt Nam trong những năm sắp tới. Đáp ứng tốc độ tăng trưởng nhu cầu cao như vậy là thách thức lớn. Vì vậy, xây dựng chiến lược phát triển và chuyển dịch năng lượng phù hợp, khả thi, bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước là nhiệm vụ có tính quan trọng bậc nhất của Việt Nam.
Theo đó, 4 mục tiêu mới nhất mà Việt Nam đặt ra trong chuyển dịch năng lượng, bao gồm:
Thứ nhất, không phát triển thêm các nhà máy điện than mới sau năm 2030, phát triển nguồn điện chạy khí ở mức độ hợp lý để tránh lệ thuộc vào thị trường thế giới và xây dựng lộ trình chuyển đổi nhiên liệu cho nhà máy nhiệt điện chạy than, khí hiện có.
Thứ hai, tiếp tục tăng mạnh tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo để tận dụng thế mạnh của Việt Nam.
Thứ ba, tìm hiểu, tiếp cận sớm công nghệ sử dụng nguồn năng lượng sơ cấp như hydro xanh, amoniac xanh.
Thứ tư, cải thiện hạ tầng truyền tải và phân phối, nâng cấp khả năng kỹ thuật của hệ thống điện quốc gia về vận hành an toàn, đủ khả năng hấp thụ tỷ trọng ngày càng lớn của năng lượng tái tạo.
Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) mà Việt Nam đang xây dựng được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập nền tảng cho một hệ thống năng lượng hiện đại, cơ cấu bền vững, có độ tin cậy và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh là nhiệm vụ trọng tâm
Năm 2021, dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ của Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung. Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định.
Năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Với đà tăng trưởng mạnh mẽ như trên, trong các năm tiếp theo, thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ còn phát triển nhanh hơn nữa và tạo bước đà cho kinh tế phát triển. Đây cũng chính là thời điểm để nước ta xây dựng nên những mô hình và chiến lược mới, từ đó giúp khôi phục lại doanh nghiệp và mở rộng thị trường sau đại dịch Covid-19.
Năm qua, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của doanh nghiệp trong và ngoài nước, tổ chức nhiều chương trình có ý nghĩa quan trọng để cộng đồng cùng chung tay xây dựng những giải pháp hướng đến người dân, người tiêu dùng; xây dựng niềm tin trong giao dịch TMĐT nói riêng và xu hướng giao dịch số.
Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ Công Thương xác định xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy tiêu thụ mạnh mẽ hàng hóa trên TMĐT, cần đảm bảo những yếu tố như: Sản phẩm phải rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ; nâng cao và đảm bảo trải nghiệm của người tiêu dùng; ứng dụng thuận tiện các giải pháp công nghệ số trên nền tảng internet; phát huy vai trò của hàng Việt Nam trong các hoạt động truyền thông, quảng bá. Đẩy mạnh việc sử dụng đồng bộ các giải pháp hỗ trợ TMĐT như: Thanh toán trực tuyến, chuyển phát thông minh, tiếp thị liên kết, các nền tảng mạng xã hội,... nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, dịch vụ ứng dụng TMĐT, tăng trưởng doanh số và phát triển bền vững.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng: Nỗ lực hết mình vì ngành Công Thương
Ngày 21/12/2022, phát biểu nhận nhiệm vụ mới tại Bộ Công Thương, đồng chí Phan Thị Thắng bày tỏ sự xúc động và cảm ơn sự quan tâm, tin tưởng của Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Bộ Công Thương và toàn thể cán bộ, công chức trong Bộ.
Khẳng định việc được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương vừa là vinh dự, vừa là trọng trách. đồng chí Phan Thị Thắng hứa sẽ luôn nỗ lực hết mình, phát huy năng lực, sở trường để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp vào thành tích chung của Bộ Công Thương và sự phát triển của ngành Công Thương.