Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2021, ngày 11/11/2021, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 7143/BCT-HC yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2021 với chủ đề “Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch Covid-19”. Các hoạt động triển khai gồm: Hoạt động truyền thông đại chúng và truyền thông qua mạng xã hội; tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo về HIV/AIDS theo hình thức trực tuyến kết hợp với trực tiếp…
Theo bà Nguyễn Kim Liên - Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), việc triển khai tổ chức Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS nhằm tăng cường sự quan tâm của toàn xã hội đến công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 để tiếp tục tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Cục Hóa chất là cơ quan giúp lãnh đạo Bộ theo dõi, tổng hợp công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm của Bộ Công Thương.
Hiện nay, HIV/AIDS tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp. Số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho thấy: Tính từ đầu năm 2021 tới nay, cả nước ghi nhận 10.925 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính; 1.528 trường hợp tử vong. Ước tính hết năm 2021, cả nước phát hiện khoảng 13.000 trường hợp HIV dương tính và 2.000 trường hợp tử vong.
Nhằm ứng phó kịp thời tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới chương trình phòng, chống HIV/AIDS, Chính phủ, Bộ Y tế cũng như các địa phương đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm tăng cường phòng, chống HIV trong bối cảnh dịch Covid-19 như: Xây dựng, ban hành kịp thời hướng dẫn đáp ứng khẩn cấp để duy trì tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; đáp ứng khẩn cấp trong lĩnh vực điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bao gồm cả cấp thuốc cho người bệnh mang về và điều trị ARV (cấp thuốc nhiều tháng cho người bệnh)...
Dự báo, dịch Covid-19 có thể còn kéo dài, do vậy song song với công tác phòng, chống Covid-19 cần tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thông qua hoạt động truyền thông đại chúng, qua nền tảng trực tuyến, mạng xã hội như các trang thông tin điện tử, fecebook, zalo, tik tok,…; tăng cường chia sẻ thông tin tích cực về người nhiễm HIV/AIDS nhằm giảm kỳ thị phân biệt đối xử; thành lập các đội đáp ứng nhanh với Covid-19 để kết nối với đại diện mạng lưới người nhiễm HIV để chuyển tải các thông tin, văn bản liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS cho các nhóm đối tượng nhiễm HIV kịp thời.
Theo lãnh đạo Cục Hóa chất, để nâng cao nhận thức trong cộng đồng, trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ Công Thương, các đơn vị cần triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2021 với các hình thức đa dang, phong phú để tạo sự quan tâm, chú ý của mọi người đến công tác phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch Covid-19. Cần tuyên truyền các khẩu hiệu, thông điệp của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2021 đến mọi người như: Cộng đồng chung tay - Kết thúc ngay dịch AIDS; Phòng, chống HIV/AIDS trong đại dịch Covid-19: Không để ai bị bỏ lại phía sau; phụ nữ mang thai cần xét nghiệm HIV để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; dùng bơm kim tiêm sạch giúp phòng lây nhiễm HIV...