Ổn định thị trường trong tỉnh
Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang có 133 chợ; 27 siêu thị; 4 trung tâm thương mại lớn. Tình hình dự trữ hàng hoá dồi dào, phong phú, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, như lương thực, thực phẩm, nước... đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh, kể cả trong điều kiện dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp. Người dân hoàn toàn có thể yên tâm về nguồn nhu yếu phẩm trong mọi điều kiện diễn biến của dịch.
Tại một số chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố Hạ Long, theo khảo sát, nguồn hàng hóa vẫn đa dạng đủ cung cấp cho sức mua của người dân. Các loại hàng hóa có nhu cầu lớn như: rau củ, thịt, hải sản các loại…vẫn bình ổn như: giá thịt lợn mông vai tại chợ có giá giao động từ 75-90 nghìn đồng/kg, sườn 90-100 nghìn đồng/kg; rau củ từ 7-15 nghìn đồng/mớ tùy loại…
Nguồn hàng hóa thiết yếu tại Quảng Ninh vẫn đảm bảo đủ cung cấp cho người dân |
Còn tại các chợ, tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn, nguồn hàng dự trữ cung ứng cho nhu cầu mua bán của người dân cũng vẫn đang rất dồi dào, phong phú. Bên cạnh đó, các siêu thị, trung tâm thương mại lớn đã ký cam kết đảm bảo cung ứng và bình ổn giá lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân cả trong trường hợp tình hình dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp.
Theo thống kê của Sở Công Thương, tổng năng lực cung ứng của các đơn vị trong thời gian 30 ngày vẫn sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Cụ thể: Gạo: 3.075 tấn; gia vị, dầu ăn: 13.891 tấn; thịt các loại 1.136 tấn; trứng các loại: 23,98 triệu quả; thủy sản các loại (chủ yếu hàng cấp đông): 421.959 tấn; rau xanh các loại: 1.906 tấn…
Đảm bảo nguồn hàng trong điều kiện giãn cách
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng đã sẵn sàng kế hoạch về các phương án dự trữ, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu đảm bảo về số lượng, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và bình ổn giá trong trường hợp giãn cách xã hội một tháng trên địa bàn tỉnh.
Để bình ổn thị trường và sẵn sàng các phương án đảm bảo nguồn hàng trong điều kiện giãn cách, Sở đã xây dựng 5 phương án đảm bảo hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh phù hợp với từng mức độ diễn biến dịch bệnh. Thành lập 2 tổ điều phối hàng hoá trên địa bàn tỉnh do lãnh đạo Sở Công Thương làm tổ trưởng. Làm việc với các siêu thị về khả năng cung ứng và phương tiện giao thông vận chuyển hàng hoá thiết yếu.
Đồng thời, chủ động rà soát và đánh giá chi tiết năng lực của các đơn vị phân phối lớn thực hiện ký lại cam kết dự trữ, đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho tỉnh Quảng Ninh. Ngoài ra, Sở cũng hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động lưu thông hàng hóa để đảm bảo nguồn cung hàng hóa của các đơn vị phân phối trên địa bàn tỉnh tại các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi cung ứng.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Quảng Ninh, hiện Sở Công Thương đã có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT phối hợp với UBND các địa phương rà soát lại chính xác các số liệu về khả năng tự sản xuất, nuôi trồng, tự cung tự cấp hàng hóa thiết yếu trong tỉnh để tiếp tục thực hiện tính toán các phương án, kế hoạch cụ thể theo diễn biến của dịch.
Sở Công thương đã thống kê về khả năng cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh nếu thực hiện giãn cách xã hội 30 ngày trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đối với mặt hàng gạo: đến hết tháng 7 đã tiêu thụ 28.178 tấn gạo, lượng gạo hiện còn còn là 32.822 tấn. Nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh 30 ngày khoảng 20.157 tấn, do đó lượng gạo sản xuất hiện còn trong tỉnh dự kiến đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong 1,5 tháng.
Sở Công Thương cũng đã sẵn sàng kế hoạch về các phương án dự trữ, cung ứng lương thực, thực phẩm giá trong trường hợp giãn cách xã hội một tháng |
Về mặt hàng rau, củ: tháng 8,9,10 khả năng cung ứng mỗi tháng là 12.799,58 tấn trên địa bàn toàn tỉnh. Nhu cầu tiêu thụ rau trên địa bàn tỉnh trong 1 ngày khoảng 543 tấn và 1 tháng là 15.858 tấn. Như vậy lượng rau trong tỉnh sản xuất 03 tháng (8,9,10) thì mỗi tháng chỉ đáp ứng 81% nhu cầu của người dân. Các mặt hàng thực phẩm khác như: thịt các loại, trứng, thủy sản các loại… sản lượng hàng tháng cung ứng ổn định. Cụ thể: thịt các loại khả năng cung ứng khoảng trên 9.016 tấn thịt các loại/tháng. Nhu cầu tiêu thụ thịt các loại trên địa bàn toàn tỉnh trong 1 ngày là 271,6 tấn và 1 tháng là 8.148 tấn. Như vậy, khả năng cung ứng thịt hàng tháng đáp ứng 111% so với nhu cầu, đủ đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh trong 32 ngày.
Với lợi thế về biển nên thủy hải sản phong phú và đáp ứng vượt nhu cầu tiêu dùng trong 1 tháng, khả năng cung ứng là 180% so với nhu cầu và đáp ứng trong 54 ngày. Hiện khả năng cung ứng khoảng trên 14.644 tấn/tháng. Nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh 1 ngày là 271,6 tấn, 1 tháng là 8148 tấn.
Bên cạnh đó, nhằm hạn chế tối đa việc tụ tập đông người tại các chợ, siêu thị, các điểm bán hàng trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương Quảng Ninh đã công bố danh sách các điểm bán hàng thiết yếu dịch vụ mua sắm trực tuyến và điểm bán hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh để phục vụ nhân dân.
Danh sách các địa điểm bán hàng thiết yếu tại Quảng Ninh xem tại đây