Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội nghị |
Hội nghị nhằm mục đích trao đổi, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về công tác quản lý nhà nước, công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực Công Thương; Đánh giá hoạt động ngành Công Thương khu vực phía Nam, công tác phối kết hợp giữa các tỉnh, thành phố nhằm phát triển công nghiệp, thương mại và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới; Thảo luận, đề xuất cơ chế, chính sách và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ của ngành.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, năm 2015 và 6 tháng của năm 2016 trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, song kinh tế trong nước nói chung, khu vực phía Nam nói riêng luôn giữ mức tăng trưởng ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tăng trưởng hoạt động sản xuất công nghiệp của cả khu vực năm 2015 đạt 9,8% và trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 7,5%. 12/20 tỉnh có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở mức cao như Cần Thơ đạt 19,8%, Tây Ninh 15%, Tiền Giang 14,1%, Sóc Trăng 13,6%... Công nghiệp chế biến tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu ngành công nghiệp với chất lượng, hiệu quả tăng trưởng cao đi vào chiều sâu nhờ tăng đầu tư cho công nghệ, đổi mới máy móc, thiết bị, giảm thâm dụng lao động phổ thông chuyển sang sản xuất công nghiệp có hàm lượng chất xám cao, giá trị gia tăng lớn.
Về phát triển các khu công nghiệp - cụm công nghiệp (KCN - CCN), theo quy hoạch các tỉnh thành khu vực phía Nam có 193 KCN với tổng diện tích 67.996,2 ha. Hiện nay, đã có 125 KCN với tổng diện tích 30.678,4 ha đi vào hoạt động. Các địa phương có tỷ trọng diện tích KCN cao, hoạt động hiệu quả trong toàn vùng là Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Các tỉnh, thành phố trong khu vực đã thực hiện 373 đề án khuyến công với tổng kinh phí là 53 tỷ đồng. Các đề án chủ yếu tập trung vào hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất, thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, hỗ trợ tham gia hội chợ triển lãm, thực hiện thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Trong 6 tháng của năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khu vực phía Nam đạt 922.134 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện 43.879 triệu USD, đạt 44,4% kế hoạch năm; tăng 11% so với cùng kỳ năm 2015, cao hơn bình quân cả nước (5,9%), chiếm tỷ trọng 53,3% so với cả nước.
Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả thị trường được tiến hành thường xuyên, liên tục và đạt kết quả tốt, góp phần ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, các hành vi vi phạm được xử lý kịp thời.
Chương trình liên kết, hợp tác phát triển Công Thương giữa các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã tạo được mối liên kết để cùng hỗ trợ phát triển; học tập, trao đổi thông tin, kinh nghiệm lẫn nhau, cùng thúc đẩy phát triển hoạt động Công Thương trong khu vực.
Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ 3 - năm 2016 |
Chia sẻ tại hội nghị, ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - cho biết, kinh nghiệm thực hiện cải cách hành chính của Sở Công Thương TP.HCM thời gian qua trong công tác thông báo đăng ký khuyến mãi qua mạng internet đã tiết kiệm rất nhiều thời gian cho cơ quan quản lý, DN và được DN đánh giá cao. Ngoài ra, Sở cũng chú trọng công tác cán bộ, thực hiện đào tạo cán bộ công tác quản lý hành chính để có thể đáp ứng tốt công việc. Nhân đây, ông Kiên cũng kiến nghị trong các kỳ họp giao ban định kỳ của Bộ Công Thương cần phân chia theo chủ đề và có sự tham gia của các DN hoạt động trong ngành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, công tác quản lý điều hành hoạt động của ngành.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương - trong phần đóng góp ý kiến của mình thì cho rằng cần đẩy mạnh phân cấp quản lý và giải quyết thủ tục hành chính về địa phương nhằm giảm bớt chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Về công bố thủ tục hành chính cần có quy định chung về mức độ nâng cấp dịch vụ công thống nhất trong toàn ngành.
Nhân dịp này, Đại diện Vụ Thị trường trong nước, Cục Hóa Chất (Bộ Công Thương) cũng đã thông tin thêm các vấn đề liên quan đến hoạt động quản lý ngành, các quy chuẩn, hành lang pháp lý sẽ được ban hành trong việc tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thị trường đặc biệt là thị trường phân bón... để các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã đánh giá cao những kết quả mà ngành Công Thương các tỉnh thành phía Nam đạt được trong thời gian qua. Thứ trưởng cũng đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong khu vực cần tiếp tục chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ theo các Nghị quyết và văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Công Thương; tham mưu Bộ Công Thương và UBND tỉnh, thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc triển khai và đưa cơ chế, chính sách vào cuộc sống, phát huy hiệu quả hoạt động của ngành. Về công tác xuất khẩu, cần đẩy mạnh xuất khẩu nông lâm thủy sản, gỗ, giúp DN xuất khẩu tham gia vào mạng phân phối toàn cầu. Các địa phương cần chú trọng phát triển những sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực, tham gia nhiều chương trình xúc tiến hội chợ trong và ngoài nước. Đặc biệt Thứ trưởng nhấn mạnh ngành Công Thương cần tăng cường tham gia kiểm soát thị trường, chống buôn lậu gian lận thương mại, thực hiện thông tin tuyên truyền về hội nhập một cách hiệu quả nhất trong toàn ngành và cộng động DN.
Hội nghị nhất trí giao cho Sở Công Thương TP.HCM đăng cai tổ chức Hội nghị Ngành Công Thương khu vực phía Nam lần thứ 4 - năm 2017 tại TP.HCM.