Ngành Công Thương miền Trung - Tây Nguyên: Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các cam kết hội nhập
Tin hoạt động 10/07/2020 17:40
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ VII tổ chức ngày 10/7, tại TP. Đồng Hới (Quảng Bình).
Kết quả tích cực nhưng còn nhiều trăn trở
Thông tin về hoạt động ngành Công Thương khu vực, ông Phan Văn Thường - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình - cho biết, năm 2019, đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Sở Công Thương các địa phương miền Trung Tây Nguyên đều hoàn thành phần lớn các chỉ tiêu quan trọng về công nghiệp, thương mại.
Hội nghị ngành Công Thương khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2020 |
Theo đó, năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp toàn khu vực ước đạt 472.097 tỷ đồng, tăng 8,0% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2019 của khu vực miền Trung - Tây Nguyên đạt 753.322 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2018, kim ngạch xuất khẩu đạt 9,634 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, tổng mức bán lẻ và kim ngạch xuất khẩu đều có mức tăng cao hơn bình quân của cả nước.
6 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp và sự đồng hành, hỗ trợ của Sở Công Thương các địa phương, giá trị sản xuất toàn khu vực ước đạt 217.836 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ (0,1%) so với cùng kỳ. Riêng tổng mức bán lẻ ước đạt 341.097 tỷ đồng (bằng 40,1% kế hoạch cả năm 2020), kim ngạch xuất khẩu đạt 4,485 tỷ USD, bằng 44,5% kế hoạch năm 2020.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, nhất là lấy ý kiến doanh nghiệp về những khó khăn cụ thể do dịch Covid-19 gây ra, thông tin về các tác động Covid-19 có thể gây ra cho sản xuất, kinh doanh được các địa phương triển khai tích cực, hiệu quả, qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động ứng phó, thích ứng và giảm thiểu thiệt hại, duy trì sản xuất, kinh doanh.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, đại diện các Sở Công Thương khu vực miền Trung - Tây Nguyên vẫn còn nhiều trăn trở. Trong đó, nổi lên là vấn đề điện mặt trời và các cơ chế liên quan.
Ông Phan Văn Thường - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình - báo cáo công tác chung của ngành Công Thương khu vực miền Trung - Tây Nguyên |
Theo ông Phạm Đăng Thành - Giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận - được sự chỉ đạo của Bộ Công Thương và quan tâm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hiện tại hệ thống lưới điện 110kV trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận tương đối ổn định. Công tác đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành dự án điện mặt trời Trung Nam, do đó việc giải tỏa công suất lưới điện truyền tải 220kV cơ bản được giải quyết.
Ông Thành kiến nghị cần có các văn bản hướng dẫn tiêu chuẩn và quy chuẩn đối với hệ thống điện mặt trời áp mái mới. Đồng thời EVN cũng cần có văn bản chi tiết về điện mặt trời áp mái để phù hợp với Luật Đầu tư, xây dựng, môi trường...
Ông Nguyễn Duy Lộc - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Gia Lai - đề nghị Bộ Công Thương sớm ban hành Thông tư quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời; tại địa phương, một số công trình tổ chức, cá nhân đầu tư hệ thống điện mặt trời kết hợp với các công trình xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn xong chưa hoàn thành các thủ tục đăng ký về đất đai.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng – bà Nguyễn Thị Thúy Mai - kiến nghị điều chỉnh phân cấp điện mặt trời mái nhà cho địa phương, cần có quy định rõ về việc đầu tư trên các toà nhà công hệ thống điện mặt trời áp mái.
Ngoài ra, các đại biểu cũng trao đổi kinh nghiệm, thảo luận các vấn đề liên quan đến đầu tư phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử.
Tập trung phát huy vai trò ngành Công Thương hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp
Lắng nghe kết quả hoạt động, các khó khăn, kiến nghị của các Sở Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đánh giá cao những nỗ lực của ngành Công Thương miền Trung – Tây Nguyên đã đạt được những kết quả quan trọng về kinh tế - xã hội trong năm 2019, 6 tháng đầu năm 2020. Nhiều địa phương đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước. Sự phối hợp chia sẻ thông tin về công tác quản lý nhà nước, hợp tác phát triển sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại, kết nối giao thương hàng hóa được duy trì thường xuyên và có hiệu quả đóng góp tích cực vào các thành tựu của ngành Công Thương.
Chủ tọa Hội nghị lắng nghe ý kiến của đại diện các Sở Công Thương địa phương |
“Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại của các địa phương vẫn còn một số hạn chế, khó khăn nhất là về pháp luật, cơ chế, chính sách và tổ chức liên kết vùng, kết nối không gian phát triển. Nhưng hạn chế này không chỉ là vấn đề riêng của ngành Công Thương mà còn là vấn đề chung của cả nước” - Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nói.
Để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2020, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020 toàn ngành Công Thương, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đề nghị các Sở Công Thương tiếp tục thực hiện các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường công tác xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu; khai thác triệt để tiềm năng thế mạnh của địa thương về cả công nghiệp, thương mại góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương; phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược của miền Trung – Tây Nguyên, phối hợp với các đơn vị Cục, Vụ của Bộ Công Thương để xây dựng các cơ chế, chính sách, quy hoạch và đồng bộ hạ tầng thương mại khuyến khích logistics phát triển; phổ biến và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các cam kết và tận dụng có hiệu quả các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP… mang lại; phối hợp nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đặc biệt là nâng cao vai trò quản lý nhà nước của sở Công Thương để hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Tăng cường liên kết hợp tác giữa các địa phương, phát huy vai trò các địa phương vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung để tạo động lực kéo theo sự phát triển các địa phương khác trong khu vực miền Trung -Tây Nguyên, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại toàn khu vực trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.