Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2020 tăng 6,83%
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hưng Yên, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2020 ước tăng 7,18%, trong đó, ngành công nghiệp ngành khai thác tăng 7,44%; ngành chế biến, chế tạo tăng 6,78%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 9,81%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý nước thải, rác thải tăng 14,02%. Chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 10,0%/năm. Như vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra. Về sản phẩm chủ yếu, năm 2020, một số sản phẩm tăng khá như: quần áo các loại tăng 6,90%, bao bì bằng plastic các loại tăng 12,17%, bao bì bằng chất dẻo tăng 5,26%,... Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước tính năm 2020 đạt 42.140 tỷ đồng, tăng 6,83% so với năm 2019, hoàn thành kế hoạch năm 2020, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 10,59%/năm.
Ngành Công Thương Hưng Yên thúc đẩy sản xuất kinh doanh lấy lại đà tăng trưởng |
Ước tính kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 4.500 triệu USD, giảm 5,26% so với năm 2019, bình quân cả giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng 12,31%/năm. Thị trường xuất khẩu dù gặp khó khăn hơn trong việc mở rộng nhưng cơ bản vẫn giữ được thị trường truyền thống như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ,... đặc biệt là đã có thêm nhiều sản phẩm xuất khẩu, mới nhất là các nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc lĩnh vực cơ khí, điện điện tử,... Ước tính kim ngạch nhập khẩu năm 2020 đạt 4.000 triệu USD, giảm 13,04% so với năm 2019, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng 4,46%/năm, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên việc nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện, chi tiết phục vụ sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Thơ - Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên - cho biết, sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá, cao hơn mức bình quân chung của cả nước và là nhân tố quan trọng nhất tạo nên sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục nỗ lực thực hiện các biện pháp khắc phục khó khăn, hạ giá thành, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để duy trì sản xuất kinh doanh; thu hút thêm được 816 dự án đầu tư mới đưa tổng số dự án trên địa bàn toàn tỉnh lên 1.985 dự án với tổng vốn đăng ký tương đương 11 tỷ USD, góp phần nâng cao năng lực toàn ngành. Hoạt động đầu tư phát triển cụm công nghiệp có tiến bộ, đã thu hút và thành lập được 16 cụm công nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo mặt bằng sạch thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Công tác quản lý nhà nước về công nghiệp, thương mại tiếp tục được đổi mới và nâng cao về chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, luôn sát cánh và đồng cảm với cộng đồng doanh nghiệp, tích cực tham mưu giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh kết quả đạt được, sản xuất công nghiệp năm 2020 gặp nhiều khó khăn, không ít doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, thậm chí đóng cửa; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp hơn so với năm 2019. Khu vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát triển mạnh song sự gắn kết với các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nội tỉnh còn hạn chế, tác dụng lan tỏa của các doanh nghiệp này chưa được phát huy mạnh mẽ. Tiến độ triển khai đầu tư xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) còn chậm; vẫn tồn tại không ít dự án đầu tư chậm triển khai, hoặc triển khai không đúng với mục tiêu đã được chấp thuận, buộc phải điều chỉnh mục tiêu; các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, các công trình phục vụ cho người lao động tại các KCN, khu vực tập trung sản xuất công nghiệp triển khai chậm. Thu hút dự án đầu tư vào các KCN, CCN còn hạn chế, còn nhiều dự án triển khai ngoài KCN, CCN đã được quy hoạch. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020 tăng trưởng chậm, chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2020 giá trị xuất khẩu 5,3 tỷ USD).
Nguyên nhân của tình trạng trên là do đại dịch Covid-19 tác động mạnh tới sản xuất, thương mại, đầu tư toàn thế giới làm đứt gãy các chuỗi sản xuất, kinh doanh toàn cầu; các quốc gia, trong đó có Việt Nam đều buộc phải cắt giảm, tạm dừng hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu. Hầu hết các doanh nghiệp trong ngành có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ ở mức trung bình thấp, nhiều lĩnh vực sản xuất gia công, lắp ráp vẫn là chính (trừ một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và số ít doanh nghiệp trong nước) nên sức cạnh tranh chưa cao, khả năng chuyển đổi ngành nghề, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đầu tư đổi mới công nghệ, liên kết làm vệ tinh sản xuất cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp lớn,... còn hạn chế. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, CCN, hạ tầng thương mại đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài, do vậy thu hút nhà đầu tư còn khó khăn; một số CCN được quy hoạch đã có doanh nghiệp hoạt động nhưng hạ tầng không đồng bộ, nhất là hệ thống xử lý chất thải, nên chưa đảm bảo, gây ô nhiễm môi trường. Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng xã hội chưa theo kịp tốc độ phát triển các KCN, quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội nói chung, nhà ở cho người lao động trong các KCN nói riêng còn chậm, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai các dự án thứ cấp.
Đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 4.800 triệu USD
Trong năm 2021, ngành Công Thương Hưng Yên tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp đồng bộ thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đưa công nghiệp, thương mại của tỉnh lấy lại đà tăng trưởng ở mức cao; hiện thực hóa các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với chuỗi sản phẩm toàn cầu; đẩy nhanh đầu tư và đưa vào hoạt động các KCN, CCN đã được quy hoạch, thành lập, tăng số lượng, chất lượng và quy mô doanh nghiệp, thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2021, tạo nền tảng phát triển vững chắc của ngành trong cả giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, ngành Công Thương Hưng Yên đặt ra các mục tiêu cụ thể như: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,50%; kim ngạch xuất khẩu 4.800 triệu USD, tăng trưởng 6,67%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 45.300 tỷ đồng, tăng trưởng 7,50% so với năm 2020.
Để đạt được mục tiêu đặt ra, Hưng Yên sẽ tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế chính sách của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khi triển khai các thủ tục liên quan đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư, đặc biệt là các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước có trọng tâm, trọng điểm, nhằm thu hút tối đa các nguồn vốn đầu tư cho sản xuất công nghiệp, hạ tầng thương mại của tỉnh. Tập trung triển khai có hiệu quả Quy chế phối hợp quản lý CCN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên....