Khai mạc Hội chợ hàng tiêu dùng - Hà Nội 2024 tại quận Hà Đông Ngành Công Thương khu vực phía Bắc: Công nghiệp dẫn dắt tăng trưởng |
Nhiều mục tiêu lớn cho giai đoạn 2024-2025
Phát biểu tại Hội nghị Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ X, năm 2024, bà Trần Thị Phương Lan- Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ngành Công Thương đang chịu trách nhiệm thực hiện 9 chỉ tiêu trong mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 của thành phố.
Trong đó, bình quân giai đoạn 2021-2023 vừa qua một số chỉ tiêu lớn như giá trị tăng thêm công nghiệp; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa… đều cách mục tiêu một con số khá thách thức.
Bàn Lan cũng cho hay, để hoàn thành mục tiêu của cả giai đoạn, trong năm 2024-2025, Sở Công Thương sẽ tích cực tham mưu, triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phấn đấu hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu của ngành Công Thương được giao của cả nhiệm kỳ.
Ngành Công Thương Hà Nội tăng tốc nhằm đạt chỉ tiêu giai đoạn 5 năm. Ảnh Hoàng Phương |
Trong đó, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giai đoạn 2021-2025 mục tiêu tăng 7,5-8%. Nhiệm vụ giai đoạn 2024-2025 tăng bình quân trên 8,3%/năm. Trong đó, kế hoạch năm 2024 tăng từ 7,0-7,5%; năm 2025 phấn đấu tăng trưởng khoảng 11,8%. Đảm bảo duy trì cơ cấu công nghiệp – xây dựng trong GRDP chiếm 22,5-23%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng bình quân khoảng 10%/năm (quy mô giá trị đến năm 2025 khoảng 940 nghìn tỷ đồng). Nhiệm vụ giai đoạn 2024-2025 tăng bình quân 10,52%/năm. Trong đó kế hoạch năm 2024 tăng 10-11%; năm 2025 phấn đấu tăng trưởng khoảng 10%.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng bình quân khoảng 5,1%/năm (quy mô giá trị đến năm 2025 đạt khoảng 19.439 triệu USD). Nhiệm vụ giai đoạn 2024-2025 tăng trưởng bình quân khoảng 7,97%/năm. Trong đó năm 2024 tăng 4-5%; năm 2025 phấn đấu tăng trưởng khoảng 11%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng bình quân khoảng 5%/năm (quy mô giá trị đến năm 2025 đạt khoảng 37.049 triệu USD). “Riêng với chỉ tiêu nhập khẩu hàng hoá hết năm 2023, thành phố đã vượt kế hoạch đề ra”, bà Lan thông tin.
Điện thương phẩm giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng bình quân khoảng 6,5%/năm (quy mô giá trị đến năm 2025 đạt khoảng 28,4 tỷ kWh). Nhiệm vụ giai đoạn 2024-2025 tăng trưởng bình quân khoảng 7,6%/năm. Trong đó kế hoạch năm 2024 tăng trưởng khoảng 6,8%; năm 2025 phấn đấu tăng trưởng khoảng 6,4%. Điện thương phẩm bình quân hết năm 2025 đạt 3.133,6 kWh/người.
Ngoài ra, đến năm 2025, thành phố phấn đấu 100% cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề có trạm xử lý nước thải. Hết năm 2023, chỉ tiêu này đã đạt 95%.
Tập trung triển khai những giải pháp quan trọng
Với những mục tiêu trên, bà Lan cho rằng một số chỉ tiêu là thách thức không nhỏ với thành phố, nhất là về công nghiệp. Bình quân giai đoạn 2021-2023 giá trị tăng thêm công nghiệp chỉ tăng khoảng 6,1%, để đạt mục tiêu tăng bình quân trên 8,3%/năm cả giai đoạn 5 năm là không dễ dàng, nhất là khi bối cảnh cho sản xuất, xuất khẩu chưa thuận lợi. Doanh nghiệp đang gặp khó về vốn, nhân lực, logistics.
Bà Trần Thị Phương Lan- Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội |
Dù vậy, ngành Công Thương thành phố quyết tâm triển khai các giải pháp, hoàn thành các chỉ tiêu được giao, đồng thời góp sức đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế của cả giai đoạn.
Theo đó, về công nghiệp, Sở Công Thương sẽ xây dựng và trình UBND thành phố ban hành Chương trình phát triển công nghiệp ưu tiên. Tiếp tục rà soát các quy chế, tiêu chí xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực để sửa đổi cho phù hợp. Tổ chức triển khai có hiệu quả, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đến năm 2025 Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025; Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tiếp tục phối hợp, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thành lập và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp theo quy hoạch nhằm tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát huy hiệu quả sử dụng đất. Triển khai có hiệu quả Chương trình khuyến công quốc gia, Chương trình khuyến công thành phố giai đoạn 2021-2025 gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp - làng nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.
Về phát triển năng lượng, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển điện lực, năng lượng giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt. Tăng cường các giải pháp an toàn điện, quản lý nhu cầu điện, tiết kiệm điện, thúc đẩy phát triển năng lượng mới và tái tạo.
Đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thực hiện quyết liệt các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình điện trên địa bàn theo đúng quy hoạch, kế hoạch được duyệt; tổ chức xây dựng và triển khai các kịch bản cấp điện theo tiêu chí linh hoạt, dự phòng cao đảm bảo cung ứng điện kịp thời trong mọi tình huống, có tính đến phương án tăng trưởng nóng, cục bộ về nhu cầu tiêu thụ điện trong bối cảnh nguy cơ khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
Riêng với lĩnh vực này, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho hay, thành phố phụ thuộc vào nguồn điện cung cấp từ các địa phương trong khu vực, trong khi nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng lớn. “Trong quy hoạch tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt, đề nghị Bộ Công Thương phối hợp cùng các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát, tính toán đặt các trạm biến áp, hệ thống truyền tải ra sao nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện cho thành phố”, bà Lan đề nghị.
Trong lĩnh vực thương mại, ngành Công Thương Hà Nội, tiếp tục phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng thương mại. Tích cực kêu gọi xã hội hóa đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại. Khuyến khích các tổ chức kinh doanh dịch vụ hiện đại nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng đồng bộ, văn minh, coi trọng phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường. Hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, thành phố tăng cường công tác hội nhập quốc tế, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thế giới, các chính sách của các quốc gia có thể tác động ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và hoạt động ngoại thương để có các biện pháp, giải pháp phù hợp kịp thời; thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố về chính sách mới.