Bộ Công Thương sẽ tổ chức tọa đàm "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024" Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam |
LTS: Thực tiễn hơn 90 năm thành lập Đảng, hơn 75 năm thành lập nước đã cho thấy “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng). Từ một nước nhỏ bé, nghèo nàn lạc hậu, trình độ dân trí thấp… ngày nay Việt Nam không chỉ có mức tăng trưởng khá, có các chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhân văn vì con người. Những thành tựu về kinh tế - xã hội ở nước ta chính là luận cứ đanh thép phản bác mọi xuyên tạc, phủ nhận kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo nên những thành tựu to lớn cho Việt Nam trong gần 40 năm đổi mới. (Ảnh: Chinhphu) |
Từ khi thành lập nước cũng như thời kỳ đổi mới, mỗi thành tựu về phát triển kinh tế của đất nước Việt Nam đều có sự góp phần không nhỏ của giới/ngành Công - Thương và cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam. Ngày nay, chúng ta đã có một nền kinh tế thị trường vận hành ổn định, cơ động, dồi dào hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu… Các ngành hàng, lĩnh vực trọng yếu, năng lượng luôn đảm bảo cho sản xuất, tiêu dùng, đảm bảo an ninh năng lượng. Hình ảnh đất nước Việt Nam với sản phẩm dồi dào, hàng hóa, dịch vụ ngày một chất lượng được khẳng định qua giá trị Thương hiệu quốc gia luôn tăng về thứ bậc…
Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu với Thương hiệu quốc gia ngày một tăng giá trị, thứ bậc. (Ảnh: CT) |
Sự quan tâm, ghi nhận, đánh giá vị thế của ngành Công Thương trong sự phát triển của nền kinh tế quốc dân đã thể hiện trong “Thư gửi các giới công thương Việt Nam” ngày 13/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị. Công thương thịnh vượng thì nền kinh tế quốc dân thịnh vượng…
Bài 1: Đột phá cơ bản về lý luận, quá trình cách mạng trong nhận thức
Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Đó là kết quả của quá trình tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, vận dụng sáng tạo quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu có chọn lọc những quan điểm, kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển kinh tế thị trường của các nước trên thế giới vào điều kiện cụ thể của Việt Nam…
Liên quan đến kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rất rõ, coi đây là đột phá lý luận rất cơ bản, sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng trong 35 năm thực hiện đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm thế giới. Đó là nền kinh tế thị trường chấp nhận đa thành phần sở hữu, chấp nhận đầu tư của tư bản nước ngoài vào Việt Nam. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế hiện đại hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ theo các quy luật của thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Việt Nam tạo nên nền sản xuất phát triển, hàng hóa dồi dào, kênh phân phối hiện đại |
Tại sao kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được coi là đột phá cơ bản về lý luận? GS.TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương phân tích: Kinh nghiệm thế giới, đó là nền kinh tế thị trường chấp nhận đa sở hữu, chấp nhận đa thành phần sở hữu và kể cả chấp nhận đầu tư tư bản nước ngoài… Đây là một quá trình cách mạng trong nhận thức.
Kênh phân phối giúp hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn đảm bảo. (Ảnh: baodantoc) |
GS.TS Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh, kinh tế thị trường không phải do chủ nghĩa tư bản đẻ ra. Một số nước tư bản “họ” tự hào rằng, kinh tế thị trường là 1 trong 3 trụ cột của chế độ dân chủ tư bản chủ nghĩa gồm: Xã hội dân sự, nhà nước pháp quyền và kinh tế thị trường. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng những trụ cột ấy là quy luật của xã hội nhân loại, chứ không phải là chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản là giai đoạn phát triển tất yếu của nhân loại và những cái vấn đề liên quan đến quy luật ảnh hưởng đến nền kinh tế tư bản ấy là những vấn đề quy luật của nhân loại. Không riêng chủ nghĩa tư bản, nền kinh tế thị trường cũng là thành tựu phát triển của nhân loại và chúng ta tiếp thu những giá trị nhân loại ấy giải quyết vấn đề đất nước ta gắn với sự việc đặc thù của ta, đặc biệt là vì lợi ích của người dân đất nước ta…
Hơn nữa, bản thân nền kinh tế thị trường trên thế giới luôn có sự định hướng, không phải là nền kinh tế thị trường duy nhất mà có nhiều biểu hiện khác nhau. Kinh tế thị trường ở Mỹ khác, kinh tế thị trường Bắc Âu khác, kinh tế thị trường ở Đức khác và kinh tế thị trường ở Thụy Sỹ càng khác…
Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước kinh tế chưa phát triển, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa nên việc phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là rất cần thiết, nhằm giải phóng lực lượng sản xuất, khai thác mọi tiềm năng, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển. Mô hình này là một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội…
“Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế và theo pháp luật, kinh tế thị trường là một nền kinh tế có sự quản lý nhà nước, của Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” - GS.TS Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh lại một lần nữa.
An ninh năng lượng đảm bảo, phục vụ sản xuất, tiêu dùng ổn định. (Ảnh: mpi) |
Nhiều nhà lý luận đã phân tích, thống nhất nhận thức chung về vai trò quản lý, điều tiết của nhà nước trong nền kinh tế thị trường như: Các nền kinh tế thị trường hiện đại trên thế giới hiện nay đều có sự kết hợp giữa cơ chế thị trường và vai trò quản lý, điều tiết của nhà nước. Nhà nước vừa bảo đảm, tôn trọng, tạo môi trường hoạt động cho các quy luật kinh tế thị trường; vừa hạn chế, khắc phục những tác động tiêu cực, tự phát do các quy luật kinh tế thị trường gây ra; giữ môi trường ổn định cho phát triển kinh tế và hướng sự phát triển kinh tế vào các mục tiêu xã hội, bảo đảm công bằng xã hội, quan tâm đến an sinh xã hội…
Từ thực tiễn quá trình đổi mới, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam về cơ bản đã hội đủ các yếu tố của nền kinh tế thị trường hiện đại theo các chuẩn mực quốc tế, như: Đa dạng các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, tự do sản xuất, kinh doanh, lưu thông những hàng hóa mà pháp luật không cấm, các chủ thể kinh tế cạnh tranh bình đẳng, hệ thống các loại thị trường phát triển ngày càng đồng bộ...; vai trò của nhà nước về quản lý kinh tế đã được đổi mới, như quản lý bằng luật pháp, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và sử dụng nguồn lực kinh tế của nhà nước, không can thiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế, khắc phục khuyết tật của cơ chế thị trường.
Trong điều kiện đó, các quy luật của kinh tế thị trường vận hành đồng bộ, các chủ thể kinh tế cạnh tranh để tồn tại và phát triển; giá cả hàng hóa cơ bản do thị trường quyết định; sản xuất và lưu thông hàng hóa phải chú ý đến tín hiệu giá cả, quan hệ cung – cầu trên thị trường; thị trường đóng vai trò trực tiếp điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hóa, điều tiết hoạt động của các chủ thể kinh tế, huy động và phân bổ các nguồn lực của sản xuất...
Các yếu tố bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường gắn với vai trò quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo để hạn chế, khắc phục những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Bài 2: Thành tựu kinh tế - luận cứ đanh thép phản bác mọi xuyên tạc