Tích cực hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản
Theo Sở Công Thương Đồng Tháp, các mặt hàng nông sản của Đồng Tháp chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, như mít, khoai lang, ớt... đang trong thời kỳ thu hoạch, nhưng các cơ quan quản lý của Trung Quốc duy trì các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, kiểm soát nghiêm ngặt đối với hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới nên giá cả đang giảm sâu, người dân thua lỗ nặng.
Từ đầu tháng 6 đến nay đã có gần 4.500 tấn khoai lang tím của bà con nông dân huyện Châu Thành (Đồng Tháp) được tiêu thụ, với mức giá trung bình 6 ngàn đồng/kg. Ảnh Mỹ Lý |
Hiện tại, một số loại nông thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đang tồn đọng với số lượng lớn do chuẩn bị vào vụ thu hoạch như: ớt với sản lượng thu hoạch đến cuối vụ ước đạt hơn 32.100 tấn; cá tra, basa với sản lượng ước đạt 184.587 tấn; lúa với sản lượng ước đạt 1.514.900 tấn...
Đặc biệt, tính đến đầu tháng 6/2021, sản phẩm khoai lang tím nhật tại huyện Châu Thành (Đồng Tháp) đang tồn đọng tại ruộng với sản lượng gần 8.500 tấn. Nguyên nhân, do nông dân sản xuất tự phát, thiếu liên kết và không có sự gắn kết chặt chẽ với các đơn vị tiêu thụ; thương lái không thu mua hoặc thu mua rất ít để xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc
Trước khó khăn của nông dân, bà Võ Phương Thủy - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp - cho biết, những ngày qua, Sở đã nhánh chóng phối hợp với UBND huyện Châu Thành và một số đơn vị liên quan vận động cộng đồng và một số DN, siêu thị… trong, ngoài tỉnh chung tay hỗ trợ nông dân tiêu thụ khoai lang. Đồng thời, vận động các DN hoạt động ở lĩnh vực logistic của tỉnh cùng tham gia hỗ trợ nông dân phân phối, vận chuyển khoai lang đến tay người tiêu dùng... Đến nay đã có gần 4.500 tấn khoai lang được tiêu thụ, với mức giá trung bình 6 ngàn đồng/kg.
“Hiện nay sản lượng khoai lang tím trên địa bàn huyện Châu Thành còn tồn đọng khoảng 5.000 tấn, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ nông dân tìm kiếm đối tác, thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm” - bà Võ Phương Thủy khẳng định.
Kiến nghị nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản bền vững
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, bên cạnh một số loại nông sản của Đồng Tháp gặp khó trong tiêu thụ còn có các sản phẩm chế biến thủy sản đông lạnh của Đồng Tháp đang tồn kho trong các DN rất lớn, từ đó làm tăng chi phí lưu kho, đồng thời chịu áp lực về lãi vay, thuế và các khoản chi phí khác.
Thời gian qua, Sở Công Thương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các DN, hợp tác xã (HTX), hội quán, hộ nông dân trong kết nối, liên kết tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thủy sản, giảm thiểu tối đa những nguy cơ, tác động tiêu cực do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng thời, tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm hàng hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tiêu thụ hàng hóa, nông sản của tỉnh qua các kênh phân phối truyền thống và hiện đại.
Để hỗ trợ nông dân, DN và tiêu thụ nông sản bền vững trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp - cho biết, đã có văn bản đề xuất Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước mắt, kịp thời hỗ trợ liên kết tiêu thụ khoai lang tím nhật của Đồng Tháp với các nhà phân phối, các bếp ăn tập thể.
Sở Công Thương Đồng Tháp đề nghị Bộ Công Thương thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối giao thương quốc tế bằng hình thức trực tuyến, đàm phán với các nước để mở rộng thị thường và giới thiệu các đối tác nước ngoài đang có nhu cầu nhập khẩu đến địa phương. Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành triển khai các giải pháp trao đổi, vận động phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục pháp lý, kỹ thuật để mở cửa thị trường sớm cho các mặt hàng nông, thủy sản để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân Trung Quốc, góp phần tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh.
Ngoài ra, để tiêu thụ hàng hóa nông sản bền vững, cần chuyển dần sang chế biến, sơ chế, bảo quản đông lạnh để đảm bảo chất lượng cũng như kéo dài thời gian sử dụng. Sở Công Thương cũng đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ địa phương giới thiệu các nhà đầu tư có năng lực trong lĩnh vực chế biến, sơ chế và bảo quản nông sản về hỗ trợ tỉnh thực hiện chuỗi liên kết ngành hàng chủ lực, đặc thù của tỉnh.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.