Khởi động lại dự án sản xuất pin mặt trời 1,2 tỷ USD Vai trò của Trung Quốc trong sản xuất pin mặt trời Tổng thống Hoa Kỳ phủ quyết Nghị quyết đề xuất bãi bỏ miễn thuế tấm pin mặt trời nhập khẩu |
Theo đó, trước áp lực từ làn sóng nhập khẩu và tình trạng dư thừa nguồn cung khi các bộ phận của tấm pin mặt trời đã chất đống trong các kho hàng và đẩy giá xuống.
Hãng tin Reuters cho biết, ngành công nghiệp sản xuất tấm pin mặt trời châu Âu đã thúc giục Liên minh châu Âu (EU) thực hiện các biện pháp khẩn cấp để tránh các công ty địa phương phải đóng cửa dưới áp lực cạnh tranh từ hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Mới đây, trong bức thư gửi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen, Hội đồng Sản xuất năng lượng mặt trời châu Âu (ESMC) cảnh báo, nếu không có sự trợ giúp nhanh chóng, EU có nguy cơ mất hơn một nửa công suất sản xuất mô-đun quang điện mặt trời đang hoạt động trong vòng vài tuần.
Ngành công nghiệp sản xuất tấm pin mặt trời châu Âu đứng trước nguy cơ phá sản |
“Trong 4-8 tuần tới, các nhà sản xuất mô-đun quang điện lớn và các nhà cung cấp châu Âu sẵn sàng đóng cửa dây chuyền sản xuất trừ khi các biện pháp khẩn cấp được thực hiện kịp thời”, bức thư nêu rõ.
ESMC yêu cầu EU triển khai các biện pháp khẩn cấp bao gồm kế hoạch mua hết lượng mô-đun năng lượng mặt trời dư thừa của EU để giảm bớt tình trạng tồn đọng nguồn cung và thay đổi các quy định viện trợ của tiểu bang để tăng cường hỗ trợ của chính phủ cho các nhà sản xuất năng lượng mặt trời địa phương.
Bên cạnh đó, bức thư chỉ ra, nếu những biện pháp đó không thể thực hiện nhanh chóng, EU cũng nên xem xét các biện pháp tự vệ có thể bao gồm thuế quan và hạn ngạch để chống lại sự gia tăng nhập khẩu.
Trước đó, EU đã nỗ lực hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh từ Trung Quốc bằng cách áp thuế đối với hàng hóa năng lượng mặt trời nhập khẩu của Trung Quốc vào năm 2012, sau khi Bắc Kinh bơm trợ cấp lớn vào ngành công nghiệp này. Nhưng EU lại dỡ bỏ thuế này vào năm 2018 để thúc đẩy lắp đặt năng lượng tái tạo, chỉ một năm trước khi EC tuyên bố Trung Quốc là “đối thủ có hệ thống”.
Brussels đã không khôi phục thuế đối với hàng hóa năng lượng mặt trời của Trung Quốc kể từ đó, dù gần đây hối thúc các công ty châu Âu “giảm rủi ro” chuỗi cung ứng của họ ở Trung Quốc. Đây là một phần trong kế hoạch rộng lớn hơn nhằm đưa hoạt động sản xuất về châu Âu trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.
EU đang hy vọng rằng năng lượng mặt trời sẽ trở thành nguồn năng lượng lớn nhất trong khối khi khu vực hướng đến mục tiêu đưa năng lượng tái tạo lên mức 45% tổng sản lượng điện vào năm 2030.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang thống trị chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời. Nước này chiếm khoảng 3/4 lượng nhập khẩu sản phẩm năng lượng mặt trời của EU. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng EU đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc giống như sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga cho đến khi Moscow phát động chiến sự ở Ukraine.