Trong báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến các ngành trọng điểm vừa được Bộ Công Thương gửi đến Thủ tướng Chính phủ khẳng định, giai đoạn đầu của quý I, ngành công nghiệp điện tử cũng phải chịu tác động lớn bởi vấn đề thiếu hụt nguồn cung linh, phụ kiện đầu vào nhập khẩu phục vụ sản xuất cũng như thị trường đầu ra do ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ các quốc gia đang bùng phát dịch.
Sản xuất linh kiện điện tử có tốc tăng trưởng khá cao |
Tuy vậy, ngành sản xuất linh kiện điện tử quý I/2020 tăng trưởng khá cao. Kết quả này có thể do Tập đoàn Samsung cho ra đời dòng điện thoại thế hệ mới có sức tiêu thụ tốt; một số doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục chuyển vào Việt Nam, như: LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng; và XK vào các thị trường truyền thống của ngành điện tử tốt hơn; Việt Nam hưởng lợi do Trung Quốc bị ảnh hưởng dịch bệnh nên hạn chế XK.
Mặc dù có sự tăng trưởng cao, nhưng theo phân tích của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), tác động của dịch Covid-19 đến các ngành điện tử sẽ bị ảnh hưởng trong các quý tiếp theo của năm do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giảm tại Mỹ, Liên minh châu Âu (EU). Hiện hai thị trường này lần lượt chiếm tỷ trọng 17% và 24% kim ngạch XK nhóm hàng điện thoại, linh kiện; nhóm hàng máy tính, sản phẩm điện tử lần lượt là 17% và 14%. Đây cũng là 2 thị trường XK chủ lực của Samsung Electronics Việt Nam, chiếm tới 50% giá trị XK của DN này, trong đó Mỹ khoảng trên 20%, còn EU là 30%.
“Doanh thu và sản lượng toàn cầu của Samsung dự báo sẽ giảm do ảnh hưởng chung của dịch bệnh đến ngành điện tử nói chung. Samsung Việt Nam cũng dự kiến giảm mục tiêu xuất khẩu xuống còn khoảng 45,5 tỷ USD trong năm 2020 (so với 51,38 tỷ USD năm 2019)”- báo cáo nêu cụ thể.
Để hạn chế những tác động của dịch Covid-19 đến lĩnh vực điện tử trong những quý tiếp theo của năm 2020, theo ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cần tiếp tục xây dựng các biện pháp bảo vệ thị trường điện - điện tử tiêu dùng (như thuế phòng vệ, hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại, hàng giả và hàng nhâp lậu…). Đồng thời, tập trung hỗ trợ một số DN triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử, nhằm tạo cơ hội cho các DN này phát triển, dẫn dắt thị trường trong nước.
“Quan trọng hơn phải rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và XK” - ông Trương Thanh Hoài lưu ý.
Ngoài ra, Cục Công nghiệp cũng lưu ý, DN điện tử cần chú trọng hơn tới việc xác định các sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá để thúc đẩy ngành điện tử phát triển nhanh và hiệu quả hơn.
“Mỗi DN tự xác định những phân khúc sản phẩm và khách hàng phù hợp. Trên cơ sở đó giúp DN nội tập trung các nguồn lực để phát triển sản phẩm có năng lực cạnh tranh tốt”- Cục Công nghiệp nêu rõ.
Để phát triển ngành công nghiệp điện tử, chính sách cần tập trung vào 3 yếu tố chính, bao gồm: Đầu tư công nghệ; vốn; đào tạo nguồn nhân lực. |