Phát biểu tại hội thảo, ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp Hội Cơ khí Việt Nam cho biết, sau 30 năm đổi mới và mở cửa, nền kinh tế Việt Nam đặc biệt là nông nghiệp nông thôn có những bước phát triển mạnh mẽ thu được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó đẩy mạnh cơ khí hóa và cơ giới hóa nông nghiệp là một trong những giải pháp rất quan trọng.
Chủ tịch Hội VAMI Đào Phan Long phát biểu tại hội thảo. Ảnh Hoàng Tỷ |
Theo ông Long, trong thực tế sản xuất nông nghiệp ở nước ta, nhiều khâu quan trọng trong quá trình sản xuất lúa và các loại cây trồng, vật nuôi đã được cơ giới hóa gần như hoàn toàn, tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất. Để phục vụ cơ khí hóa, ngoài việc nhập khẩu máy và thiết bị nông nghiệp từ nước ngoài, rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong nước đã đầu tư các dây chuyền sản xuất máy móc phục vụ nông nghiệp. Các máy móc và thiết bị do doanh nghiệp Việt Nam thiết kế, chế tạo rất phù hợp với điều kiện canh tác trong nước, chiếm ưu thế nhất định trên thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Hiện nay, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có năng lực và khả năng đẩy mạnh đầu tư phát triển các máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhà nước cần kịp thời quan tâm tạo hành lang pháp lý phù hợp và có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy các bên liên quan tăng cường liên kết với nhau, nhất là giữa nông dân và doanh nghiệp.
Cần Thơ là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng đầu tư ngành cơ khí. Ảnh Hoàng Tỷ |
Cũng tại hội thảo lần này, nhiều đại biểu doanh nghiệp cho rằng, cần xem cơ khí hóa nông nghiệp là mệnh lệnh trong chiến lược phát triển, chứ không phải là khẩu hiệu suôn. Cần đẩy mạnh đầu tư cho chế biến, bảo quản nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp để chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng tỷ trọng chế biến sâu có giá trị gia tăng cao. Chú ý đầu tư, phát triển cơ giới hóa đồng bộ trên quy mô cánh đồng lớn với sự tăng cường liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan, nhất là đối với những cây trồng vật nuôi mà nước ta có lợi thế phát triển xuất khẩu…
Theo ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, những năm qua Cần Thơ rất quan tâm và có nhiều nỗ lực thúc đẩy phát triển ngành cơ khí và cơ giới hóa nông nghiệp. Đến nay, nhiều khâu trong quá trình sản xuất nông nghiệp, nhất là trong sản xuất lúa, như: làm đất, bơm tưới nước, thu hoạch, sấy… được cơ giới hóa gần 100%. Toàn thành phố hiện có hơn 100 doanh nghiệp và cơ sở chế tạo, sửa chữa máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp; hơn 1.300 lò sấy lúa, khoảng 789 máy gắt đập liên hợp…
Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại hội thảo. Ảnh Hoàng Tỷ |
“Việc phát triển ngành cơ khí và thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp tại thành phố Cần Thơ vẫn còn hạn chế, và cần được đẩy mạnh hơn. Hiện tại Cần Thơ có rất nhiều tiềm năng cho việc phát triển ngành cơ khí. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các công ty, doanh nghiệp có cơ hội đầu tư hợp tác trong lĩnh vực ngành cơ khí trên địa bàn thành phố”, ông Nam cho biết thêm.