Theo Bộ KH&CN, đã có một số đơn vị trong nước đủ năng lực làm tổng thầu các công trình lớn hàng tỷ USD; một số sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng tương đương sản phẩm nhập khẩu, đủ điều kiện xuất khẩu cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài. Điển hình như Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) đã hợp tác, liên kết với các nước phát triển như Nhật Bản, Liên bang Nga để thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, lắp đặt, vận hành hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP).
Hệ thống lọc bụi tĩnh điện lắp đặt tại nhà máy nhiệt điện |
Hệ thống ESP có chất lượng tương đương tiêu chuẩn của châu Âu, đủ khả năng tham gia đấu thầu cung cấp thiết bị cho các dự án nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam và xuất khẩu cho Dự án Nhà máy luyện kim Myanma. Việc nghiên cứu, chế tạo thành công lọc bụi tĩnh điện đã nâng tỷ lệ nội địa hóa từ 76% lên 94% về khối lượng và từ 65,18% lên 79,6% về giá trị (kể cả giá trị lắp đặt), hoặc từ 50% lên 64% về giá trị (không kể giá trị lắp đặt).
Đáng chú ý, ở lĩnh vực cơ khí chế tạo phục vụ ngành giao thông, đã hình thành theo chuỗi giá trị sản xuất linh kiện, chi tiết thiết bị hỗ trợ, lắp ráp được các loại xe buýt đến 80 chỗ chất lượng cao với tỷ lệ nội địa hóa đến 40% và mở rộng chế tạo ôtô tải nông dụng, ôtô tải nặng và xe chuyên dụng đáp ứng yêu cầu sản xuất phương tiện có chất lượng tương đương với các nước trong khu vực ASEAN.
Cụ thể, thông qua hỗ trợ của Dự án "Nghiên cứu thiết kế, chế tạo xe khách giường nằm cao cấp mang thương hiệu Việt Nam", Công ty Cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) đã bước đầu làm chủ tính toán, thiết kế và mô phỏng hoàn chỉnh kết cấu ôtô khách, từ đó rút ngắn thời gian thiết kế xe so với trước.
Kết quả thực hiện dự án góp phần xây dựng mới một nhà máy chế tạo các linh kiện composite có quy mô lớn, diện tích nhà máy mới lớn gấp 5 lần và ứng dụng đại trà công nghệ mới như VARTM, CSF, CSM cho tất cả chủng loại sản phẩm; xây dựng và phát triển đồng bộ dây chuyền thiết bị công nghệ ép phun, công nghệ tạo hình nhiệt, công nghệ tạo hình màng phức hợp có công suất dây chuyền đạt 1.500 - 2.000 bộ sản phẩm/năm… Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành ôtô.
Đặc biệt, đối với ngành cơ khí và chế tạo phục vụ công trình dầu khí, dự án đóng mới giàn khoan tự nâng 120 m (Giàn khoan Tam Đảo 05) đã tiếp tục giải quyết các vấn đề KH&CN còn tồn tại đối với giàn khoan tự nâng, nhằm tiến tới mục tiêu làm chủ hoàn toàn công tác thiết kế, phát triển và hoán cải, thi công, chế tạo, hạ thủy tất cả giàn khoan tự nâng, phục vụ phát triển các loại giàn khoan dầu khí di động khác.
Kết quả Dự án Giàn khoan Tam Đảo 05, cùng việc cơ bản làm chủ công tác thiết kế, chế tạo kết cấu thép, Công ty Cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PVShipyard) đã nội địa hóa được cụm thiết bị tháp khoan, chân giàn khoan và hệ thống tủ bảng điện. Đây là tiền đề hướng tới các sản phẩm giàn khoan bán chìm, giàn/tàu khoan di động tự nâng mang thương hiệu Việt Nam và các mẫu phát triển, ứng dụng công nghệ thiết kế, chế tạo giàn khoan dầu khí di động phục vụ phát triển kinh tế biển, an ninh quốc phòng trong giai đoạn tiếp theo…
Theo Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, mục tiêu đến năm 2035, ngành cơ khí Việt Nam phát triển với đa số chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. |