Thông tin trên được ông Nguyễn Trung Thắng đưa ra tại Triển lãm Truyền thông về giảm thiểu rác thải nhựa (RTN) diễn ra tại Hà Nội từ ngày 7-16/1/2022 do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) phối hợp với Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam và các đối tác đồng hành tổ chức. Theo ông Thắng, đây là sáng kiến của Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa” do Liên minh châu Âu và Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Liên bang Đức tài trợ; Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quốc tế Pháp (Expertise France) triển khai tại Việt Nam.
Công tác truyền thông về giảm thiểu rác thải nhựa đã được Hà Nội đẩy mạnh trong thời gian qua |
Hiện nay, ô nhiễm RTN là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng và cấp bách nhất trên phạm vi toàn cầu. Theo một báo cáo năm 2018 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), mỗi năm, thế giới sản xuất hơn 400 triệu tấn nhựa, tuy nhiên, theo ước tính khoảng 79% lượng RTN trên thế giới hiện đang bị thải ra các bãi rác/chôn lấp hoặc trực tiếp ra môi trường, 12% đốt tại các lò rác và chỉ 9% là được tái chế. Với mức tiêu thụ nhựa như hiện nay và hiện trạng quản lý RTN không được cải thiện, thì đến năm 2050 trên thế giới sẽ có khoảng 12 tỷ tấn RTN bị thải ra bãi rác/chôn lấp và thất thoát ra môi trường tự nhiên. Cũng như các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với bài toán để xử lý lượng chất thải rất lớn này.
Nhằm giảm thiểu RTN và hướng đến sản xuất, tiêu dùng bền vững, trong những năm qua, Hà Nội đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp sản xuất, thương mại, phân phối bản lẻ đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, liên kết bền vững, sử dụng có hiệu quả nguyên vật liệu, giảm thiểu phát sinh chất thải, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; coi trọng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, cải tiến thiết bị, quy trình quản lý nhằm cải thiện, nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thân thiện môi trường.
Năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu 100% các siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng túi ni-lông khó phân hủy; chuyển đổi sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường thay thế dần cho các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy.
Là một trong những doanh nghiệp hưởng ứng mạnh mẽ giảm thiểu RTN trong các hệ thống bán lẻ, ông Đoàn Bình Dương - Giám đốc cửa hàng Decathlon chi nhánh Vincom Royal City, Hà Nội – cho biết: “Decathlon luôn cam kết hành động vì môi trường. Chúng tôi vui mừng và chờ đón sự ra đời của Liên minh giảm thiểu RTN trong bán lẻ tại Hà Nội, điều này sẽ góp phần bảo vệ môi trường cũng như công tác truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường tới khách hàng.”
Theo ông Nguyễn Thanh Hải - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: “Xây dựng, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững; khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường, được dán nhãn sinh thái tại các siêu thị, trung tâm thương mại; khuyến khích lồng ghép nội dung về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chương trình đào tạo, giảng dạy tại các cấp đào tạo, giảm thiểu RTN trong phân phối và tiêu dùng… đã và đang được Sở Công Thương Hà Nội triển khai mạnh mẽ, đặc biệt trong năm 2022 và những năm tiếp theo”.
Hà Nội xác định phải đẩy mạnh truyền thông về sản xuất và tiêu dùng bền vững như: Tuyên truyền sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường tại siêu thị, trung tâm thương mại; tổ chức phổ biến hướng dẫn và nhân rộng các mô hình, thực hành tốt về phân phối xanh, bền vững… |